Nhiều tỉnh- thành ĐBSCL đã chuyển đổi cấp độ dịch COVID- 19 sau khi số ca mắc trong cộng đồng những ngày qua có chiều hướng gia tăng. Theo đó, vận tải hành khách liên tỉnh được siết chặt trở lại theo hướng giảm tần suất, lượng hành khách... Nhiều nhà xe còn đặc biệt yêu cầu "có giấy xét nghiệm âm tính trước khi lên xe".
Công ty CP xe khách Phương Trang tại Vĩnh Long thực hiện “chuyến xe 0 đồng” rất có ý nghĩa. |
(VLO) Nhiều tỉnh- thành ĐBSCL đã chuyển đổi cấp độ dịch COVID- 19 sau khi số ca mắc trong cộng đồng những ngày qua có chiều hướng gia tăng. Theo đó, vận tải hành khách liên tỉnh được siết chặt trở lại theo hướng giảm tần suất, lượng hành khách... Nhiều nhà xe còn đặc biệt yêu cầu “có giấy xét nghiệm âm tính trước khi lên xe”.
Hướng dẫn thay đổi linh hoạt
Sở Giao thông- Vận tải Vĩnh Long đã ban hành hướng dẫn về việc tạm thời tổ chức hoạt động vận tải đường bộ và đường thủy nội địa đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Theo hướng dẫn, hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô và đường thủy nội tỉnh được tổ chức hoạt động với tần suất bình thường. Đối với hoạt động vận tải hành khách và đường thủy liên tỉnh, trường hợp đi/đến các địa bàn có dịch ở cấp 1 và cấp 2 thực hiện với tần suất bình thường.
Trường hợp đi và đến các địa bàn có dịch ở cấp độ 3 thì đối với xe taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên đảm bảo theo nguyên tắc không vượt quá 50% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).
Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định (bao gồm cả xe buýt có hành trình từ 2 tỉnh trở lên) cho phép hoạt động tối đa không vượt quá 50% số chuyến theo lưu lượng được cho phép và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).
Vận chuyển bằng đường thủy cho phép hoạt động tối đa không vượt quá 50% số người được phép chở trên phương tiện.
Trường hợp đi/đến địa bàn có dịch ở cấp 4 thì dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường thủy, xe ô tô, vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, hợp đồng, du lịch, xe taxi.
Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua địa bàn có dịch ở cấp 4 thì không được dừng, đỗ. Lái xe phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
Quy định cũng nêu rõ, đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, người đi theo xe, xét nghiệm nếu có một trong các triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…; xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện; xét nghiệm ngẫu nhiên đối với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao theo kế hoạch phòng, chống dịch của đơn vị vận tải…
Siết chặt vận tải liên tỉnh
Test nhanh COVID-19 tại Bến xe Vĩnh Long. |
Từ 0 giờ ngày 11/11/2021, UBND TP Cần Thơ đã có thông báo nâng cấp độ dịch từ cấp 2 (vùng vàng) lên cấp 3 (vùng cam).
Theo đó, hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên chỉ được phép hoạt động không vượt quá 50% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện.
Còn các tuyến vận tải hành khách đường bộ cố định liên tỉnh được phép hoạt động với lưu lượng khai thác không quá 50% số chuyến đã được công bố.
Trong khi đó, tại Vĩnh Long với tình hình dịch COVID-19 có chiều hướng tăng, nhiều xã, phường chuyển đổi cấp độ dịch cũng phần nào ảnh hưởng đến vận tải hành khách liên tỉnh.
Ông Trần Thái Nam- Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Sở Giao thông- Vận tải) cho biết, TP Vĩnh Long có 2 bến xe khách gồm: Bến xe khách Vĩnh Long và Bến xe khách TP Vĩnh Long.
Bến xe khách TP Vĩnh Long có các tuyến xe buýt liên tỉnh đi TP Cần Thơ và Sa Đéc (Đồng Tháp) và ngược lại nhưng hiện bến xe này nằm tại khu vực cấp 4 nên đã ngưng hoạt động.
Trong khi, một số nhà xe có tuyến đi TP Hồ Chí Minh như: Phương Trang, Phú, Kim Mã… đã hoạt động trở lại, song buộc phải giảm tần suất và phải đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch.
Theo DNTN Phú Vĩnh Long, mỗi ngày có khoảng 3 chuyến cố định đi từ Vĩnh Long- TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Để thực hiện ngồi giãn cách, xe 28 chỗ ngồi nhưng nhà xe chỉ bố trí chở 7- 8 hành khách, và bắt buộc hành khách lên xe phải có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ.
“Giấy xét nghiệm âm tính là bắt buộc, không có giấy này sẽ không được lên xe.” - một nhân viên nhà xe này thông tin như vậy khi hành khách liên hệ đặt vé.
Trong khi đó, “nhằm phục vụ cho bà con đang mắc kẹt ở Vĩnh Long muốn về TP Hồ Chí Minh và ngược lại”, hiện Công ty CP xe khách Phương Trang tại Vĩnh Long vẫn chưa khai thác thương mại mà chỉ tổ chức thực hiện “chuyến xe 0 đồng”.
Theo đó, khách từ Vĩnh Long có nhu cầu đi lại TP Hồ Chí Minh thì điện thoại cho nhà xe đặt ghế. Mỗi ngày một chuyến khởi hành lúc 11 giờ. Do không thực hiện trung chuyển như trước đây, vì vậy có nhu cầu đi xe hành khách phải trực tiếp đến nhà xe.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch, nhà xe cũng đưa ra các điều kiện bắt buộc. Cụ thể, ngoài việc phải có giấy xét nghiệm âm tính thì hành khách nếu đi từ Vĩnh Long đến TP Hồ Chí Minh thì phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng COVID- 19, còn trường hợp TP Hồ Chí Minh về Vĩnh Long phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin và mũi tiêm thứ 2 phải trên 14 ngày.
Ông Trần Thái Nam cho biết, an toàn dịch bệnh là bắt buộc hiện nay với doanh nghiệp vận tải. Sau khi hoạt động trở lại, một số doanh nghiệp vận tải đã xây dựng phương án hoạt động, song qua kiểm tra vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, tới đây Sở Giao thông- Vận tải sẽ tiếp tục hướng dẫn, kết hợp kiểm tra, khi đáp ứng thì sẽ công bố cho hoạt động.
Theo hướng dẫn của Sở Giao thông- Vận tải, đối với vận tải hành khách bằng phương tiện thủy liên tỉnh đi và đến địa bàn có dịch ở cấp 3, thì cho phép hoạt động tối đa không vượt quá 50% số người được phép chở trên phương tiện; nếu ở cấp 4 dừng hoạt động. |
Bài, ảnh: H.MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin