"Hội nghị Diên Hồng" về văn hóa dân tộc

10:11, 25/11/2021

"Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" (Đại Hội XIII của Đảng).

 

 Nền tảng gia đình góp phần làm nên bàn sắc văn hóa dân tộc. Ảnh Trần Phước.
Nền tảng gia đình góp phần làm nên bàn sắc văn hóa dân tộc. Ảnh Trần Phước.

“Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” (Đại Hội XIII của Đảng).

Xây dựng văn hóa lấy con người làm trung tâm

Đây là thời cơ, thời điểm quan trọng đầy ý nghĩa để đất nước triển khai Hội nghị Văn hóa mang tầm vóc, tinh thần của “Hội nghị Diên Hồng” lịch sử. Thời điểm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, đáng khích lệ trong 35 năm đổi mới, nhưng kết quả về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn nhiều hạn chế ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Báo cáo của ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, lưu ý tập trung một số quan điểm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa trung tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, tài trí, cần cù, nhân ái, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung… Và văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, đưa ra 5 quan điểm mà Đại hội XIII của Đảng đã nêu trong nghị quyết, từ đó, đưa ra 11 giải pháp và có 4 mục tiêu cụ thể. Đồng thời, đưa ra 6 nội dung kiến nghị với Đảng, Nhà nước hỗ trợ đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa lâu dài và bền vững.

Những chỉ đạo sâu sắc, tâm huyết của Tổng Bí thư

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu đặc biệt quan trọng, sâu sắc và đầy tâm huyết, nặng lòng với nền văn hóa truyền thống dân tộc. Vui mừng thông báo Việt Nam vừa có hai nhân vật được công nhận Danh nhân Văn hóa thế giới là nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Tổng Bí thư trích dẫn nhiều câu thơ hay, nhắc về kho tàng văn hóa dân gian dân tộc và đọc bài thơ dài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu, nhắc về những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc. Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia- dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo... 

Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền.

Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.

Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hóa từ Trung ương đến cơ sở. Khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới. Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, sau hội nghị này, công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh