Bắt đầu từ ngày mai (6/11) đến ngày 12/11, giao thông thuỷ tại cống Cái Bé trên sông Cái Bé và cống Cái Lớn trên sông Cái Lớn thuộc 2 huyện Châu Thành và An Biên, tỉnh Kiên Giang sẽ bị hạn chế do vận hành thử cống.
Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trong lần đi khảo sát tiến độ xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé gần đây |
Bắt đầu từ ngày mai (6/11) đến ngày 12/11, giao thông thuỷ tại cống Cái Bé trên sông Cái Bé và cống Cái Lớn trên sông Cái Lớn thuộc 2 huyện Châu Thành và An Biên, tỉnh Kiên Giang sẽ bị hạn chế do vận hành thử cống.
Theo Cục đường thuỷ nội địa phía Nam, để tổ chức thử nghiệm quy trình vận hành cống Cái Bé đoạn từ km 44+900 đến km 45+500 thuộc xã Bình An, huyện Châu Thành và cống Cái Lớn đoạn từ km 23+700 đến km 24+100 thuộc xã Hưng Yên, huyện An Biên, đơn vị sẽ vận hành đóng, mở cống khoảng 6-8 giờ/ngày và khi mực nước hạ lưu cao hơn mực nước thượng lưu sẽ tiến hành đóng cửa cống, khi mực nước hạ lưu thấp hơn thượng lưu sẽ tiến hành mở cửa cống.
Các phương tiện thuỷ khi lưu thông đến khu vực này phải tuyệt đối tuân thủ theo quy trình vận hành, sự hướng dẫn của đội ngũ vận hành cống và hệ thống báo hiệu đường thuỷ nội địa.
Công trình cống Cái Lớn, Cống Cái Bé, Cống Xẻo Rô thuộc dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn I có tổng mức đầu tư dự án hơn 3.300 tỷ đồng, hiện nay, đã cơ bản hoàn thành công tác thi công các hạng mục chính như cống Cái Lớn, Cái Bé; đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với Quốc lộ 61 và cống Xẻo Rô. Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 - Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cho vận hành tạm thời cống Cái Bé từ tháng 2/2021, góp phần đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt và sản xuất khu vực thượng lưu cống.
Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 hoàn thành trong năm nay sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát mặn, phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô; góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
“Tôi đánh giá rất cao thời gian tiến độ thực hiện dự án này. Dự án quy mô lớn như thế mà tiến độ thực hiện rất tốt, chúng ta đã đưa vào vận hành hồi tháng 2/2021 dự án Cái Bé rồi. Do đó, việc tổ chức vận hành cần đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là góp phần đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt. Mặt khác, để kiểm soát, đảm bảo vận hành thì chúng ta nên có quy chế, nếu vận hành có quy chế rồi thì vận hành rất tốt, đảm bảo hiệu quả của cống này”, ông Lâm Minh Thành cho biết./.
Theo Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin