Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh ngày 23/11/1922 trong một gia đình nông dân nghèo đông con ở ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ngay từ nhỏ ông đã phải đi ở đợ cho các phú hộ trong vùng.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt |
Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh ngày 23/11/1922 trong một gia đình nông dân nghèo đông con ở ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ngay từ nhỏ ông đã phải đi ở đợ cho các phú hộ trong vùng.
Sớm được giác ngộ cách mạng. Năm 1938 ông tham gia phong trào thanh niên phản đế, tháng 11 năm 1938 ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vũng Liêm, cùng lãnh đạo quân dân ta đi qua hai cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Sau ngày 30/4/1975, ông làm Chủ tịch UBND thành phố rồi Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Trong thời kỳ đổi mới, ông cùng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị từng bước khắc phục khó khăn đưa đất nước tiến lên.
Việt Phương- người nhiều năm làm trợ lý cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Tổng Bí thư Lê Duẩn, kể: Thủ tướng Phạm Văn Đồng chính thức có 32 năm làm Thủ tướng Việt Nam, lúc sinh thời ông thường nói: “Đánh giá đúng mức và khách quan thì trong các đời Thủ tướng của Việt Nam, kể cả tôi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người làm được nhiều việc và làm được nhiều việc tốt nhất”.
Quả thật, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gắn liền với bao công trình có ý nghĩa then chốt, như: xây dựng công trình thủy điện Trị An; đường dây tải điện 500KV Bắc Nam; điện Thác Mơ, Đa Nhim, Hàm Thuận, Sông Hinh (Phú Yên). Các công trình giao thông có quy mô lớn như: xa lộ Bắc Thăng Long- Nội Bài, cầu Mỹ Thuận, đường cao tốc Láng Hòa Lạc, đường Trường Sơn công nghiệp hóa…
Công trình dầu khí Khu Công nghiệp Dung Quất, giải tỏa hàng trăm công trình trái phép trên đê Yên Phụ xây kè tránh lũ lụt cho Hà Nội.
Với ĐBSCL, là công trình thoát lũ khu vực Tứ giác Long Xuyên, khai hoang Đồng Tháp Mười, quy hoạch cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội ở xã Trung Hiệp và thị trấn Vũng Liêm, nâng cấp QL1, xây dựng hệ thống cấp nước sạch ở tỉnh, khôi phục đình Bình Phụng- di tích lịch sử nơi diễn ra Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940.
Huy động nhiều nguồn lực xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách ở địa phương. Năm 2000, khi xấp xỉ tuổi 80, dù còn nhiều việc phải làm, song, ông đã dành thời gian đọc bản thảo cuốn “Lịch sử tỉnh Vĩnh Long” và viết lời giới thiệu hết sức cô đọng,
súc tích.
Song song đó, Thủ tướng còn có các quyết định tuy “nhỏ” mà có ý nghĩa, hiệu quả lớn. Đó là các quyết định xóa bỏ tập tục thói quen đốt pháo, xây dựng công trình vệ sinh hầm cầu tự hoại thay cho “cầu tõm”, hố xí hai ngăn ô nhiễm môi trường.
Chỉnh trang công sở, tạo nếp sống mới trong cán bộ công chức. Chỉ một tấm áo dài, bộ com lê, đôi giày, chiếc cà vạt, tấm biển nhỏ chức danh thay cho bộ bà ba, dép lê… nơi công sở, nhưng đã đem lại hiệu quả nhiều mặt và tất cả cho đến nay đã trở thành nếp sống văn hóa, được cán bộ, nhân dân ta tự giác thực hiện.
Ông là một người không xuất thân từ khoa bảng, được tôi luyện trong quá trình đấu tranh cách mạng, với năng khiếu trời phú, tác phong bình dị, cởi mở, biết lắng nghe ý kiến mọi người, thực lòng chiêu hiền đãi sĩ đã cảm hóa quy tụ giới văn nghệ sĩ, trí thức (kể cả những người khác chính kiến đã từng tham gia chế độ cũ) tâm phục, tin theo, hết lòng dâng hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước.
Ở cương vị đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ chú trọng các vấn đề kinh tế, chính trị mà còn rất quan tâm trăn trở tới truyền thống lịch sử, bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp di sản văn hóa dân tộc.
Ông thường gặp giáo sư Phan Huy Lê, khuyến khích động viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo nhằm khắc phục những mặt yếu kém trong phương pháp luận sử học, những hạn chế của tư duy giáo điều, máy móc nhằm nâng cao tính khoa học trong nhận thức lịch sử, trả lại công bằng cho một số nhân vật lịch sử, từ Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly cho đến Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Vĩnh.
Tôn vinh những người nước ngoài có công lớn với Việt Nam như Alexandrede Rhodes, Raymon Diên, Morison… và cách đánh giá trước đây về các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam và Nam Bộ.
Là một người hơn người nhưng ông rất khiêm tốn đề cao người khác, với những nhà chí sĩ trí thức theo kháng chiến, theo Cụ Hồ có sự hy sinh to lớn, ông nói: “Chúng ta đi theo cách mạng nếu có mất cũng chỉ mất cái quần đùi, còn họ hy sinh cả một sự nghiệp, công danh, điền sản lớn, vinh hoa phú quý do đó không thể đánh giá lòng yêu nước của họ bình thường được”.
Ông là một người của hòa giải hòa hợp dân tộc, trong công cuộc đổi mới xây dựng lại đất nước ông nói: “Tổ quốc đâu phải của riêng những người cộng sản, của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào mà của cả dân tộc, của mọi người Việt Nam, của đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài, mỗi người ai cũng có quyền và trách nhiệm chung tay xây dựng bảo vệ đất nước. Nhận thức của ông, của Đảng ta như vậy nên đã tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết dân tộc thực hiện mục tiêu của mỗi thời kỳ cách mạng.
Điều tâm niệm của ông “Quyền lực không phải ở vị trí mà ở năng lực”. Để hoàn thiện mình, ông luôn tìm tòi học hỏi người đi trước, sau Bác Hồ là các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Với ông, mỗi người có cá tính riêng, mỗi người là tấm gương sáng để ông kính phục, quý trọng noi theo.
Làm theo tư tưởng đạo đức của Bác Hồ, ông luôn là người chí công vô tư. Khi hết nhiệm kỳ Thủ tướng, chuyển sang làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng ông đã viết giấy trả lại cho Nhà nước ngôi nhà ở phố Phan Đình Phùng, Hà Nội và về sống ở TP Hồ Chí Minh, khi ông qua đời tiền bạc của cải không có gì để lại ngoài ngôi nhà khiêm tốn do thành phố cấp ở đường Tú Xương ông cũng đã có ý định trả lại ngôi nhà này cho thành phố, ông nói: “Mình đi làm cách mạng không có gì đem đi, được dân nuôi đùm bọc che chở, sau khi qua đời cái gì của dân trả lại cho dân là hợp lẽ”.
Với Thủ tướng Võ Văn Kiệt và người dân không có gì cách biệt, với đồng chí bạn hữu, người thân quen cũ, tình cảm cá nhân của ông đối với họ vẫn như xưa không đổi khác. Với thuộc hạ, người công tác nhất thời có sai phạm, khuyết điểm hoặc bức xúc khác chính kiến, ông thường cảm thông, khoan dung, độ lượng.
Với bạn bè đồng chí làm việc tốt gặp hoạn nạn khó khăn, ông sẵn lòng dành một phần tiền lương của mình, thân chinh đến tận nơi thăm hỏi. Với cán bộ chiến sĩ được phân công nhiều năm làm trợ lý giúp việc cho ông, ông coi như người thân trong gia đình.
86 mùa xuân, 70 năm hoạt động cách mạng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi nhiều nơi, trái tim luôn rung động, nhạy cảm sâu sắc trước nỗi đau, nỗi lo riêng của con người, ông đều quan tâm giải quyết bằng nhiều hình thức với khả năng cao nhất của mình. Tác phong sâu sát, cụ thể, lòng nhân ái của ông đã khắc sâu trong tâm trí nhiều người, trong mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài.
Ảnh hưởng của ông không chỉ có ở trong nước mà còn có ở tầm cỡ quốc tế. Hãng tin NHK Nhật đã đánh giá: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhà chính trị lỗi lạc, nhà ngoại giao đại tài, và là một kiến trúc sư ưu tú của tiến trình đổi mới Việt Nam phát triển theo kinh tế thị trường”.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người tài đức vẹn toàn, một người có bản lĩnh năng động, quyết đoán, một nhân cách lớn, suốt đời vì nước vì dân, vì tiền đồ của dân tộc, một con người kiệt xuất của thời kỳ đổi mới, một khối óc minh tuệ, một trái tim đầy nhân ái, chan hòa gần gũi mọi người, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một con người của hành động, một con người bất tử trong lòng dân, một vì sao tỏa sáng.
Nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, xin kính đề dâng tặng mấy câu thơ:
Địa linh sinh nhân kiệt
Sự nghiệp lớn để đời
Việt Nam còn sáng mãi
Dấu ấn Bác Võ ơi!
TRƯƠNG CÔNG GIANG
Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin