Báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục tiên phong trên Tối 13/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020 - 2021.
Báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục tiên phong trên Tối 13/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020 - 2021. Đây là một trong những sự kiện ý nghĩa nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2021).
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trao Giải đặc biệt cho Nhóm tác giả của Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam với tác phẩm phim tài liệu 3 tập “Giặc nội xâm”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các ban, bộ, ngành trung ương, các cơ quan báo chí, các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm được trao giải.
Lần đầu tiên có một tác phẩm đoạt giải Đặc biệt
96 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Ðảng và nhân dân ta, nhất là trên mặt trận tư tưởng, lý luận chính trị; luôn tích cực cổ vũ nhân tố mới, tiến bộ; đồng thời kiên quyết đấu tranh, phê phán các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, báo chí cách mạng Việt Nam hôm nay tiếp tục thể hiện vai trò xung kích, tiên phong trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực nóng bỏng, mà những tác phẩm đạt giải hôm nay là minh chứng sống động nhất
Qua hai lần tổ chức thành công, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020 - 2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời khuyến khích người dân và các cơ quan báo chí phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Giải cũng nhằm khuyến khích sự vào cuộc của báo chí, đồng thời ghi nhận, động viên, khen thưởng những nhà báo, cơ quan báo chí có các tác phẩm chất lượng tốt trong tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần nâng cao tính cách mạng, tính chiến đấu và đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của đội ngũ người làm báo Việt Nam.
Trong lần thứ ba tổ chức, Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thu hút được sự quan tâm của xã hội và sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, các nhà báo. Ban Tổ chức Giải đã nhận được 1.181 tác phẩm ở các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương gửi tham dự Giải.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Giải, các tác phẩm báo chí dự thi năm nay đã bám sát với chủ đề và tiêu chí Thể lệ Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” lần thứ ba, năm 2020 - 2021.
Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Điều rất mới là so với 2 kỳ trao giải trước, Giải lần này đã có nhiều hơn các tác phẩm viết về đề tài biểu dương, cổ vũ các tấm gương đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực lãng phí.
Và một điều đặc biệt là năm nay, đã xuất hiện 1 tác phẩm đồ sộ, công phu, sâu sắc về công tác chống tham nhũng trong suốt chiều dài lịch sử đất nước và được trao Giải đặc biệt Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba.
Đây cũng là lần đầu tiên có một tác phẩm đoạt giải Đặc biệt do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trao thưởng.
Đó là tác phẩm phim tài liệu 3 tập “Giặc nội xâm” của nhóm tác giả Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Ánh Ngọc, Vương Khánh Trần Linh, Nguyễn Thanh Bình, Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương, phát sóng trên kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao Giải A cho các tác giả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đồng thời, Ban Tổ chức Giải cũng trao 4 giải A, 10 giải B, 12 giải C và 18 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả của 45 tác phẩm báo chí xuất sắc.
Các tác phẩm giành giải A gồm: Loạt 5 bài "Sự thật - Hành trình trần ai” của tác giả: Võ Thị Thiên Nga đăng trên Báo Tiền phong; Loạt 5 bài “Phía sau vụ thảm sát rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam” của nhóm tác giả: Đỗ Doãn Hoàng, Hoàng Văn Chiến, Nguyễn Văn Đức, Võ Hồng Nhân đăng trên Báo điện tử Dân Việt; loạt 3 bài "Cấp ủy ở đâu, khi để xảy ra các đại án tham nhũng kinh tế?" của nhóm tác giả: Nguyễn Huy Nam, Lại Thị Hoa phát sóng trên kênh VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam; tác phẩm: “Nỗi đau từ dự án bảo tồn nguồn gen quý” của nhóm tác giả: Nguyễn Đức Đệ, Nguyễn Hữu Phương, Nguyễn Quang Anh phát sóng trên Kênh VTV9, Đài Truyền hình Việt Nam.
Ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực từ khi mới manh nha
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta đã tập trung triển khai đồng bộ với các giải pháp, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “không ngừng, không nghỉ” và đã đạt kết quả rất quan trọng, tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan báo chí và các nhà báo cách mạng như những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, sau 3 lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thu hút được sự quan tâm của xã hội và sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, các nhà báo.
Nhiều nhà báo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; vượt qua mọi “cám dỗ”, “cạm bẫy”, vượt qua nỗi lo “cơm áo” thường ngày để “dấn thân” bám sát đến cùng các vụ việc, giúp các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực; được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN, đồng chí Đỗ Văn Chiến ghi nhận và biểu dương Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công Giải báo chí rất có ý nghĩa này.
“Trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh COVID-19, kết quả đạt được của các tác phẩm lần này rất đáng trân trọng, thể hiện sự quan tâm, lòng nhiệt huyết và trách nhiệm nghề nghiệp của các nhà báo đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Mỗi tác phẩm dự thi nhất là những tác phẩm đoạt Giải là kết tinh của tinh thần quả cảm, sự lao động miệt mài, sáng tạo, nghiêm túc, thấm đẫm mồ hôi, công sức của các nhà báo", đồng chí Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, hành vi, thủ đoạn tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi. Vì vậy, đòi hỏi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, với quyết tâm chính trị cao hơn; sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan báo chí và các nhà báo là một trong những lực lượng xung kích, tiên phong.
Chủ tịch Ủy ban Trương ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị, trong thời gian tới, Ban Tổ chức Giải tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện Thể lệ Giải nhằm động viên, thu hút đông đảo các nhà báo tham gia.
Cùng với việc phát động Giải lần thứ tư, cần có hình thức phù hợp để cung cấp thông tin, định hướng chủ đề cụ thể để các nhà báo tiếp cận với những nội dung mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biện cần nghiên cứu, có hình thức phù hợp để vinh danh hoặc trao Giải đặc cách cho những tác phẩm báo chí đoạt Giải Báo chí Quốc gia thuộc lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kịp thời động viên, khích lệ các nhà báo tích cực hơn nữa tham gia một đề tài có nhiều khó khăn.
Nhấn mạnh tới việc quán triệt sâu sắc phương châm lấy “xây để chống”, lấy “tích cực dẹp tiêu cực”, đồng chí Đỗ Văn Chiến khẳng định, cùng với việc kịp thời phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời qua hoạt động của báo chí cần chú ý phát hiện những quy định hiện hành còn bất cập, có kẽ hở dễ phát sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nữa các hành vi tham nhũng, tiêu cực từ gốc, từ khi mới manh nha.
Nhân dịp này, đồng chí Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị Ban Tổ chức Giải cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, có biện pháp phù hợp, bảo vệ các nhà báo-người đấu tranh phòng chống tiêu cực khi có yêu cầu, để các nhà báo yên tâm tác nghiệp, sáng tạo các tác phẩm có giá trị, vững niềm tin “chính nghĩa thắng gian tà”.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến tin tưởng, trong thời gian tới Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ thu hút được đông đảo các nhà báo tham gia, trở thành một giải báo chí chuyên đề đặc biệt; sẽ có nhiều tác phẩm báo chí giá trị, góp phần quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Theo Hải Liên/Báo điện tử Chính phủ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin