Phát huy truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm và xây dựng Tổ quốc, chung sức chung lòng, tương thân tương ái vượt qua đại dịch COVID-19 của thế kỷ, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam- Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18/11/1930- 18/11/2021).
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Vĩnh Long tăng cường vận động nhân dân chung sức phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh. Trong ảnh: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long- Hồ Văn Huân tiếp nhận thiết bị y tế do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long trao tặng. Ảnh: Tuyết Nga |
(VLO) Phát huy truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm và xây dựng Tổ quốc, chung sức chung lòng, tương thân tương ái vượt qua đại dịch COVID-19 của thế kỷ, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam- Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18/11/1930- 18/11/2021).
Cách đây tròn 91 năm, giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đang diễn ra rầm rộ, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Mặt trận ra đời nhằm đoàn kết các đảng phái, giai cấp, nhân sĩ trí thức Việt Nam và nòng cốt là liên minh công- nông dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đấu tranh chống đế quốc, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.
Sau đó, Hội nghị Trung ương Đảng (11/1936) quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, đến tháng 3/1938 Mặt trận đổi tên thành Mặt trận Thống nhất dân chủ Đông Dương (gọi tắt là Mặt trận Dân chủ Đông Dương).
Ngày 19/5/1941, theo sáng kiến của đồng chí Hồ Chí Minh, Việt Nam độc lập đồng minh hội (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) thành lập tại Pắc Pó (Cao Bằng).
Hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Ảnh: Tuyết Nga |
Đây là thời kỳ chính sách Mặt trận được đề ra cụ thể, được áp dụng sinh động và các kinh nghiệm phong phú nhất. Nhờ chính sách Mặt trận đúng đắn, phong trào lan rộng, cơ sở Mặt trận phát triển rộng rãi, khi thời cơ đến, Việt Minh đã lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, giành chính quyền về tay nhân dân.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) được thành lập, thu hút thêm một số nhân sĩ, địa chủ yêu nước. Đến ngày 3/3/1951, Đại hội thống nhất Việt Minh- Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên Việt.
Sau ngày Hiệp định Genève (7/1954) được ký, ngày 10/9/1955, tại Hà Nội, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất đã quyết định thành lập MTTQ Việt Nam. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh Mặt trận, chính sách đại đoàn kết toàn dân, vai trò và nhiệm vụ của Mặt trận đối với cách mạng nước ta trong giai đoạn mới.
Ở miền Nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đã kịp thời đề ra nhiều chủ trương chính sách nhằm đoàn kết toàn dân chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai.
Ngày 20/1/1968, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam được thành lập nhằm đoàn kết và tranh thủ một số người ở thành thị, mở rộng thêm một bước Mặt trận chống Mỹ cứu nước.
Sau khi thống nhất đất nước tháng 5/1975, ban lãnh đạo của 3 tổ chức chính trị là MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đã thành lập Ban trù bị Mặt trận Dân tộc thống nhất từ mùa thu năm 1976, gồm đại biểu của 3 tổ chức: MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam để bàn việc thống nhất thành một tổ chức thống nhất.
Tại đại hội từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977 đã thống nhất hợp nhất 3 tổ chức này thành một tổ chức chính trị duy nhất lấy tên là MTTQ Việt Nam.
MTTQ Việt Nam đã thông qua chương trình hoạt động và Điều lệ mới nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân hai miền để cùng nhau phấn đấu xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, xã hội chủ nghĩa và tích cực góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.
Trong lịch sử Việt Nam, kể từ năm 1930 đến nay, không có thời kỳ nào vắng bóng tổ chức Mặt trận. Lịch sử Cách mạng Việt Nam đã khẳng định Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là vũ khí chính trị không thể thiếu để nhân dân ta phát huy sức mạnh tổng hợp của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Mặt trận Dân tộc thống nhất đã góp phần quan trọng xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân, củng cố khối liên minh công nông và tầng lớp trí thức, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 10/9/1986, Ban Thư ký (nay là Ban Thường trực) Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra thông tri hướng dẫn Mặt trận các cấp về việc tổ chức lễ kỷ niệm lần đầu tiên (18/11/1930- 18/11/1986) và hàng năm ngày Thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11).
Hội Phụ nữ- thành viên tổ chức Mặt trận vận động xây dựng nhà tặng hộ nghèo. Ảnh:Web Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh |
Trong thời kỳ phát triển mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Mặt trận tăng cường đoàn kết toàn dân, phát huy cao độ nhân tài, vật lực của mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, đồng tâm nhất trí đưa đất nước phát triển với tốc độ cao hơn, hiệu quả kinh tế xã hội lớn hơn, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo vệ vững chắc độc lập của Tổ quốc, đưa đất nước hội nhập với tiến trình phát triển của thế giới.
Từ đó đến nay, ngày 18/11 hàng năm được các cấp Mặt trận lấy làm ngày kỷ niệm nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận, biểu dương sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là dịp kiểm điểm, đánh giá lại hoạt động, công tác Mặt trận, biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích... V
ới khu dân cư, ngày 18/11 còn được gắn với ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.
Tại tỉnh Vĩnh Long, qua các thời kỳ Mặt trận đã luôn nỗ lực hoạt động và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng tỉnh nhà. Trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long luôn làm tốt vai trò tập hợp lực lượng trong mọi phong trào cách mạng, có nhiều phong trào, nhiều sáng kiến hay ghi đậm dấu ấn Mặt trận tỉnh.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Vĩnh Long tăng cường vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời phối hợp triển khai nhiều hoạt động tích cực, kịp thời, chung sức phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, đến đầu tháng 8/2021, Quỹ phòng chống dịch COVID- 19 của tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ gần 14,5 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ nhân dân giải quyết những khó khăn trong tình hình dịch bệnh được các cấp, các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam trong tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện.
HOÀNG KHẢI (Nguyên Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin