TS Vũ Minh Khương: Chống dịch không phải cứ đóng cửa chờ đấy thì dịch sẽ qua

12:10, 24/10/2021

Theo ông Vũ Minh Khương, Việt Nam mạnh lên hay yếu đi không phải do thiếu nỗ lực, thiếu năng lực hay nguồn lực mà chủ yếu là do tư duy. Chúng ta có thể phát động sức mạnh của toàn dân để đứng dậy.

Theo ông Vũ Minh Khương, Việt Nam mạnh lên hay yếu đi không phải do thiếu nỗ lực, thiếu năng lực hay nguồn lực mà chủ yếu là do tư duy. Chúng ta có thể phát động sức mạnh của toàn dân để đứng dậy.

Covid-19 xuất hiện tác động đa chiều đến mọi mặt chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội của đất nước. Gần hai năm qua, có những bài học phải đánh đổi bằng sức khoẻ, tính mạng của nhiều người, cùng sự suy giảm nặng nề của toàn nền kinh tế. Việt Nam cũng đã có những kinh nghiệm quý được cộng đồng quốc tế nhìn nhận khách quan, thấu đáo, đánh giá cao.

Trong đó, tinh thần đoàn kết, đồng lòng từ người dân, cùng quyết tâm chống dịch từ bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước là bài học lớn nhất và vô giá, là dấu ấn Việt Nam trong nỗ lực chung phòng chống dịch toàn cầu.

Thế nhưng, Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khôn lường, không đoán định được. Làm thế nào để dấu ấn đó - sức mạnh nội sinh ấy có thể được khơi dậy mạnh mẽ; để cùng với sự “lột xác” trong tư duy, tầm nhìn chính sách, hành trình khôi phục kinh tế đất nước bớt gian nan hơn, hiệu quả, bền vững như kỳ vọng.

Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Vũ Minh Khương – Giảng viên cao cấp Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore về nội dung này.

PGS.TS Vũ Minh Khương - Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore
PGS.TS Vũ Minh Khương - Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore

Không phải đóng cửa chờ đấy thì dịch sẽ qua

PV: Gần 2 năm Covid-19 xuất hiện, tính bền vững của sàn an sinh, sức đề kháng của nền kinh tế nước ta đặt trong tình trạng báo động. Mặc dù đại dịch chưa kết thúc, những tác động chưa thể thống kê và còn khôn lường, nhưng đã có những bài học phải trả giá có thể gọi tên được. Việt Nam cũng đã có những kinh nghiệm quý được thế giới nhìn nhận và đánh giá rất cao. Theo ông, đó là những bài học hay là những kinh nghiệm nào?

PGS.TS Vũ Minh Khương: Đại dịch Covid-19 là một biến cố rất lớn, mức độ toàn cầu, để lại những tác động rất sâu sắc và đem lại nhiều bài học rất quý cho Việt Nam và thế giới. Có 3 bài học lớn được rút ra, thứ nhất chống dịch không phải là một quy trình mà là một sự ứng đáp linh hoạt trên hành trình đầy bất trắc, rủi ro.

Thứ hai, từ đại dịch, mỗi dân tộc đều bộc lộ rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình. Với Việt Nam, điểm mạnh được bộc lộ rất rõ là bản lĩnh, kiên cường của cả dân tộc và sự đồng lòng vượt qua đại dịch.

Nhưng điểm yếu cũng bộc lộ rất rõ đó là sự xơ cứng về tư duy và hệ thống quản lý, đặc biệt là cấp địa phương, tạo nên những tổn thất khá lớn mà lẽ ra có thể giảm được.

Thứ ba, thế giới vẫn đang ngóng nhìn Việt Nam rằng sự tổn thất có đem đến sự suy yếu hay không và quả thật người ta có dự cảm là Việt Nam sẽ mạnh lên chứ không yếu đi mặc dù chịu tổn thất lớn ở đợt dịch thứ 4 và những biểu hiện mới đây của TP.HCM - nơi chịu tổn thất lớn nhất đang bắt đầu có bước đi để có thể vượt qua đại dịch.

Tôi hy vọng đó cũng là một dấu ấn mà Việt Nam có thể đạt được. Tôi đã thấy những dấu hiệu ở cấp vĩ mô và vi mô trong những lộ trình này.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến cho đầu tàu kinh tế thiệt hại nặng nề như vậy

PGS.TS Vũ Minh Khương: Tổn thất và thách thức mà TP.HCM vừa trải qua có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Khách quan mà nói, chủng Delta có độ độc cao và tốc độ lây lan cực mạnh, gây tổn hại lớn với những quốc gia chưa từng trải qua trước đó, cho nên Việt Nam khó mà tránh được tác động nghiêm trọng này.

Chủ quan mà nói, TPHCM có những khó khăn mang tính chất cấu trúc, hạn chế điều hành cho nên tổn thất lớn hơn. Một điều rất đáng quý đó là Bí thư, Chủ tịch của thành phố rất có lòng với dân, điều này là rất đáng ghi nhận và đây là điểm sáng.

Chiến lược để đưa TPHCM vượt lên trở thành một thành phố toàn cầu sau đại dịch - đây là thông điệp rất lớn mà Việt Nam sẽ phải gửi ra thế giới. TP.HCM phải nỗ lực vượt bậc, xứng tầm thì Việt Nam sẽ nỗ lực vượt bậc, xứng tầm. TP.HCM hội tụ rất nhiều điều kiện trở thành một đẳng cấp toàn cầu trong thời gian tới.

PV: Xét trên bình diện chung, ông cho rằng, đâu là nguyên nhân gây ra ngưỡng chịu đựng ở một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch?

PGS.TS Vũ Minh Khương: Đây là vấn đề tư duy. Trước đây chúng ta khó khăn, đói kém cũng vì tư duy. Lần này chúng ta chống dịch chưa thật tốt cũng một phần là do tư duy. Ở đây không phải là không có tư duy mở, nhưng mà không thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động khôn lường, bất trắc của tình thế.

Chúng ta thường nói đến “mục tiêu kép”, tức là cân đối giữa sinh mạng và sinh kế, tức là làm sao để người dân được an toàn, sẵn sàng hy sinh sinh kế để an toàn, bỏ qua yếu tố gọi là sinh tồn, tức là làm sao để dân tộc có thể mạnh lên, vững vàng hơn trong mọi vấn đề bất trắc, chứ không phải đóng cửa chờ đấy thì dịch sẽ qua.

Biến chủng Delta len lỏi khắp nơi, có đóng cửa, có chặn lại thì cũng không lại được. Chúng ta vẫn mang tính chất hệ thống mệnh lệnh, kiểm soát một cách cứng nhắc, mạnh mẽ, quyết liệt đóng cửa chờ hết dịch rồi mới đến sinh kế. 

Vì vậy, bây giờ khi nói đến "mục tiêu kép", sinh mạng hay sinh kế thì phải nói đến sự sinh tồn, tức là phải vượt lên đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời để cho đất nước vẫn tiếp tục phát triển trong mọi tình thế.

PV: Giãn cách xã hội diện rộng kéo dài chính là làm đau kinh tế và suy thoái kinh tế là cái giá không thể tránh khỏi khi chống dịch. Ông suy nghĩ như thế nào về quan điểm này trong bối cảnh mục tiêu kép tiếp tục được Chính phủ duy trì song song?

PGS.TS Vũ Minh Khương: Suy thoái kinh tế là không tránh khỏi, nước nào cũng bị, bởi vì đóng cửa nên các dịch vụ bị hạn chế, nhiều ngành dịch vụ, du lịch, đi lại bị biến động rất lớn, tăng trưởng âm...

Về yếu tố làm đứt gãy hệ thống sản xuất thì chúng ta cần phải suy nghĩ lại và thích ứng lại, làm sao việc sản xuất vẫn được liên tục, người nào mắc Covid-19 cũng không nên ứng xử thái quá và cho nghỉ hết toàn bộ, mà người nào mắc thì rút ra, người nào không mắc thì vẫn tiếp tục xúc tiến việc tiêm vaccine.

Tôi rất ấn tượng về tốc độ viêm vaccine của Việt Nam rất nhanh. Trước đây không tưởng tượng được, nghĩ đến tháng 6 năm 2022 ta mới được khoảng vài chục phần trăm, nhưng đến nay đã phủ rất nhanh ở những thành phố lớn và hiện nay vẫn đang đẩy tốc độ.

Song quan trọng nhất là tư duy sống chung với Covid như thế nào và mục tiêu đảm bảo sinh mạng và sinh kế như thế nào cho tốt, trong đó sự sinh tồn đặt lên hàng đầu để dân tộc mạnh lên có thể vượt qua những thách thức. Chứ không phải sóng gió như vậy ta cứ đứng dồn vào một góc và chờ hết dịch.

Do vậy phải trang bị thật tốt, ý thức của người dân rất cao và chống dịch phải dựa vào người dân. Đó là vấn đề rất quan trọng chứ không chỉ dựa vào mệnh lệnh.

PV: Ông có cho rằng Nghị quyết 128 mới được Chính phủ ban hành về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là giải pháp cho vấn đề?

PGS.TS Vũ Minh Khương: Tôi thấy đây là một giải pháp bước đầu, có thể coi như là một “Khoán 10” ở thời kỳ xóa bỏ quan liêu bao cấp, tức là thích ứng linh hoạt, sẵn sàng chấp nhận những rủi ro và cùng toàn dân tìm mọi cách vượt qua đại dịch. Tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố sinh tồn mà người dân dần dần trở thành chủ thể nỗ lực chống Covid và Nhà nước sẽ viện trợ.

Việt Nam mạnh lên hay yếu đi không phải do thiếu nỗ lực, thiếu năng lực hay nguồn lực mà chủ yếu là do tư duy. Chúng ta có thể phát động sức mạnh của toàn dân để đứng dậy. Nghị quyết 128 là mở đầu, tuy nhiên làm sao chỉ đọc vài ba câu là người ta có thể hiểu được.

Ở nước ngoài, các hướng dẫn khá thuận lợi. Ví dụ có thể hạn chế số lượng bao nhiêu người trong nhà hàng hay đám cưới, hội nghị thì địa phương hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng mạch máu thông suốt của nền kinh tế và hoạt động cá nhân của người dân không được ngăn cản, người ta đi tập thể dục, đi lại nhưng không tập hợp đông thì có thể được và ý thức của họ rất cao. Làm sao tin rằng 99 % người dân rất tốt, nếu có thì hệ thống chỉ tập trung quản lý 1 % người dân ý thức kém.

Còn ta đưa ra chính sách kiểm soát, kiểm tra đến 99 % người dân thì không thể nào làm được. Cho nên phải dựa vào sự tự giác rất cao của người dân và khuyến khích họ tìm mọi phương cách truyền thông cũng như giám sát hỗ trợ để họ làm tốt.

Ở nước ngoài chỉ tập trung vào khoảng  % người có nguy cơ vi phạm, làm sai, còn 99 % họ tin là làm tốt và người nào làm sai sẽ bị trả giá rất đắt. Đó là cách chúng ta cần thực hiện trong thời gian tới trong mọi vấn đề quản lý xã hội.

Một xã hội muốn đi được xa đều bắt đầu từ lòng tin.

PV: Cho tới bây giờ ông cho rằng bộ phận nào trong toàn hệ thống chính trị xã hội chịu tổn thương nhất do tác động của đại dịch và tư duy quản lý thì chưa hoàn toàn phù hợp, chưa bao quát được tới bộ phận chịu tổn thương nhất?

PGS.TS Vũ Minh Khương: Người chịu tổn thương lớn nhất trong đại dịch Covid là người lao động, người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Họ không được làm việc online, kinh tế còn khó khăn, cuộc sống rất ngặt nghèo. Bên cạnh đó là các doanh nghiệp đang hoạt động tương đối ổn định thì hiện giờ gặp cú sốc rất lớn.

Làm sao để hỗ trợ những người này để mọi người cảm thấy đây là cái giá phải trả không thể tránh khỏi, nhưng cái giá này làm cho mình phát triển vượt bậc chứ không chỉ là một sự hồi phục thông thường. Làm sao để lòng tin của người dân, doanh nghiệp tăng lên? Điểm lớn nhìn vào đó là tư duy và hướng chỉ đạo chiến lược của lãnh đạo đất nước, của Chính phủ.

Nhiều khi người dân, doanh nghiệp không nhìn vào nguồn lực mà họ nhìn vào cách lãnh đạo chỉ đạo có sáng suốt, rõ ràng, nhất quán hay không; sự tương tác gắn kết, lắng nghe và hành xử thấm đậm tình người.

Về mặt biện pháp để đất nước tiến lên, trong lúc này phải suy nghĩ lại một căn bản chiến lược phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là làm sao nắm bắt được tối đa các xu thế của thời đại, tăng năng suất làm việc.

Qua “cuộc bể dâu” này thấy rõ vấn đề cuộc sống của người dân rất quan trọng, nhất là vấn đề nhà ở. Ông Lý Quang Diệu ở Singapore đặc biệt coi trọng vấn đề nhà ở ngay từ đầu là rất đúng. Coi trọng nhà ở không chỉ làm cho người dân có năng suất lao động cao mà họ luôn luôn gắn bó với việc làm.

Đặc biệt, qua đại dịch lần này làm sao để cho người dân tin vào lãnh đạo hơn, tin vào tương lai hơn và tin vào chính họ hơn chứ không sợ hãi, lo lắng, bất trắc, bất ổn. Lòng tin là quan trọng lắm. Một xã hội muốn đi được xa đều bắt đầu từ lòng tin.

Lưu ý phải dựa vào dân, coi đây là sứ mệnh của người dân giúp đất nước chống dịch. Đồng thời cũng gia cố lại hệ thống thể chế thật vững mạnh, nhạy bén, linh hoạt.

Đây cũng là thước đo để thấy người lãnh đạo nào xứng đáng, nhất là ở địa phương, các ngành. Còn nếu tư duy xơ cứng, sợ trách nhiệm và thiếu tấm lòng với người dân thì nên dứt điểm loại bỏ. Cùng với đó hệ thống y tế phải vững mạnh, bởi vì đại dịch có thể diễn ra ở cách khác.

Quay trở lại cán bộ Việt Nam năng lực không yếu nhưng động lực còn hạn chế, vẫn là hình thức, chưa có sự sục sôi để vượt qua, làm sao để như các cầu thủ đá bóng trên sân, 100 triệu dân nhìn vào khi thấy người nào đá không xuất sắc thì mời ông ra ngay.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Theo Thu Trang/VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh