Suy nghĩ về biện pháp phòng chống COVID-19 hiện tại

11:10, 05/10/2021

Chúng ta đã biết biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ và hiện đang chiếm ưu thế trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Từ khi phát hiện ở Mỹ vào tháng 3 năm nay, Delta đã lấn át chủng trội trước đó là Alpha chỉ trong vòng vài tuần ngắn ngủi.

PGS.TS.BS Lê Thành Tài

(Trường ĐH Y Dược Cần Thơ)

Chúng ta đã biết biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ và hiện đang chiếm ưu thế trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Từ khi phát hiện ở Mỹ vào tháng 3 năm nay, Delta đã lấn át chủng trội trước đó là Alpha chỉ trong vòng vài tuần ngắn ngủi.

Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhiều hơn và nhanh hơn nhiều lần so với các biến thể trước đó của vi rút gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona (COVID-19) và có thể gây tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn so với các chủng trước đây ở những người chưa được tiêm chủng.

Để người dân được bảo vệ trước sự tấn công của SARS-CoV-2, thì vắc xin được coi là “vũ khí” hữu hiệu nhất và cũng là “chìa khóa” giúp con người có thể sống chung an toàn với dịch bệnh. Nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy những người chưa tiêm chủng khi mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao gấp 11 lần so với người tiêm đầy đủ. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy người tiêm đầy đủ có nguy cơ mắc bệnh ít hơn gần 5 lần, trong đó nguy cơ nhập viện vì bệnh trở nặng cũng thấp hơn 10 lần so với người chưa tiêm.

Đây cũng chính là lý do để hầu hết các nước đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Chính vì vậy, Hà Nội đã từng đặt mục tiêu trước ngày 15/9, phải tiến hành tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 1 cho 100% người dân đủ 18 tuổi trở lên trên địa bàn.

Thực tế ở một số địa phương ở ĐBSCL, tỷ lệ tiêm chủng hiện vẫn còn thấp. Cần Thơ là thủ phủ của miền Tây nhưng dịch bệnh vẫn còn đang hoành hành. Tình hình tiêm ngừa COVID-19 còn hạn chế như thế thì chưa thể trông chờ hoàn toàn vào vắc xin.

Trong bối cảnh này thì “mũi giáp công thứ 2” không thể thiếu là việc thần tốc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng để bảo vệ người dân, đặc biệt người chưa tiêm là vô cùng quan trọng! Như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, muốn phát hiện sớm nguồn lây nhiễm trong cộng đồng thì không có cách nào khác là phải thực hiện xét nghiệm.

Nếu không làm điều đó, thì có nghĩa là chúng ta chấp nhận trong cộng đồng vẫn có người lây nhiễm. Rõ ràng thời gian qua việc bóc tách này ở các địa phương còn trồi sụt lên xuống thất thường! F0 vẫn cứ lên xuống từng ngày tùy theo ngày đó xét nghiệm ở “vùng xanh”, “vùng cam”, “vùng vàng” hay “vùng đỏ”.

Nếu xét nghiệm ở “vùng xanh” thì số ca F0 ngày đó phát hiện ở cộng đồng chỉ lưa thưa, còn nếu ở “vùng đỏ” thì số ca tăng vọt. Như vậy nếu vẫn làm như nào giờ thì F0 vẫn luôn ẩn hiện và người dân không thể an tâm, không thể nhanh chóng đạt chỉ phân nửa tiêu chí đầu tiên của kiểm soát COVID-19 do Bộ Y tế quy định, chưa kể các tiêu chí khác. Phân nửa tiêu chí đầu là “Số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó”.

Như vậy hết thời gian giãn cách lại đành phải bó bụng giãn cách tiếp. Đó không chỉ là nỗi ám ảnh của người dân mà còn của cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế của địa phương và cả nước. Vậy nên làm thế nào để nhanh chóng giảm F0 liên tục và bền vững trong cộng đồng? Chắc chắn phải thay đổi cách đã và đang làm thôi! Phải xét nghiệm thật thần tốc để bóc tách F0 ngay khi xuất hiện, không để nó xuất hiện rồi hoành hành xong mới cách ly.

Theo ghi nhận, thời gian qua thường mỗi địa phương chỉ test nhanh mỗi ngày được vài ngàn hoặc vài chục ngàn ca. Tốc độ thấy vậy song vẫn còn chậm so với yêu cầu! Tại sao? Rút kinh nghiệm các tỉnh- thành phía Nam, Hà Nội đã tiến hành test nhanh thần tốc để vét F0. Hà Nội đã huy động tổng lực để test nhanh được vài trăm ngàn ca/ 1 ngày đêm.

Có địa phương nghĩ rằng năng lực xét nghiệm PCR của địa phương mình yếu nên làm chậm, không thể xét nghiệm thần tốc được vì test nhanh xong nhiều khi phải đợi một vài ngày mới có kết quả khẳng định F0 qua PCR. Tuy nhiên, điều này có làm ta không thể test thật nhanh để bóc tách F0 không? Xin thưa là không!

Điều này không quá quan trọng! Vì sao? Vì mình có vùng đệm trong khu cách ly. Tất cả những ca test nhanh dương tính đều được lưu giữ ở vùng đệm chờ kết quả PCR nên không sợ những ca này lây lan ra cộng đồng nếu họ trở thành F0 thật.

Do vậy cần phải xét nghiệm thần tốc để bóc tách triệt để F0 trong một vài ngày, nếu không làm vậy thì không bao giờ tách F0 hiệu quả cả. Tuy nhiên, test nhanh thần tốc là sao? Làm như thế nào? Những vùng nguy cơ cao, rất cao không thể xét nghiệm 3 lần nhưng cách nhau tới 2- 3 ngày. Nếu làm vậy thì vô phương dập dịch. Tại sao? Theo CDC Mỹ, thời gian ủ bệnh của biến thể Delta là 2- 4 ngày, do vậy những ca vừa test nhanh âm tính nhưng nếu test lại liền có thể sẽ dương tính vì vừa qua thời gian ủ bệnh, nếu không thì cũng có thể dương tính 1, 2, 3 ngày sau đó.

Do vậy, nếu một ca test âm tính xong phải chờ đến 2- 3 ngày sau mới test lại thì F0 có thể lây lan rộng khắp theo cấp số nhân rồi. Do vậy mình chỉ còn nước chạy theo vét đuôi, vét được ca này thì nhiều ca khác đã nằm sẵn và lây lan tiếp rồi và cố vét mãi cũng không hết được. Do vậy, vùng nguy cơ cao, rất cao cần phải xét nghiệm 3- 4 lần nhưng phải trong 3- 4 ngày liên tiếp trên mỗi đối tượng để nếu ngày đầu test nhanh có âm tính vì đang ủ bệnh, đang là người lành mang trùng thì ngay sau khi dương tính xuất hiện, ngành y tế phối hợp cách ly liền khiến F0 không lây lan kịp.

Hiện nay, chúng ta làm cuốn chiếu. Với tiềm lực hiện tại nên huy động tổng lực tập trung vào những vùng nguy cơ rất cao trước, test nhanh lại tại hộ gia đình, khu vực nào dứt điểm khu vực nấy trong ngày. Đối tượng nào kết quả âm tính phải được test lại 2, 3 ngày liền, để cơ bản vét hết F0 để chuyển tạm thành “vùng xanh”, xong khóa nhanh, thật nghiêm “vùng xanh” này.

Hết khu vực này ta chuyển khu vực khác, hết các “vùng đỏ” chuyển qua “vùng cam”, hết “vùng cam” chuyển sang “vùng vàng”. Kết quả thu được sẽ giúp ra quyết định tiếp cho “vùng xanh”. Chắc chắn với cách làm này chúng ta sẽ dập dịch hiệu quả và bền vững hơn để sớm đạt tiêu chí đầu trở về bình thường mới theo lộ trình dự thảo của Bộ Y tế là “số ca mắc giảm liên tục trong 2 tuần”.

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh