Phối hợp xác thực thông tin tiêm chủng vắc xin COVID-19

05:10, 17/10/2021

Hội nghị trực tuyến với các địa phương quán triệt một số nội dung về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư diễn ra chiều 16/10, kết nối đến 11.000 điểm cầu trên toàn quốc. 

 

Các điểm cầu dự hội nghị
Các điểm cầu dự hội nghị

(VLO) Hội nghị trực tuyến với các địa phương quán triệt một số nội dung về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư diễn ra chiều 16/10, kết nối đến 11.000 điểm cầu trên toàn quốc.

Tại hội nghị các bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an cùng phối hợp để đảm bảo xác thực liên thông thông tin tiêm chủng.

Đồng bộ dữ kiệu tiêm chủng

Phát biểu hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, đã có trên 80 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 về nước. Việt Nam đã và đang tổ chức chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao sản xuất vắc xin COVID-19.

Theo Bộ trưởng Y tế, vấn đề lớn đặt ra là với chiến dịch tiêm chủng lớn như vậy, cách thức triển khai, quản lý dữ liệu như thế nào, bởi thực tế vẫn còn tình trạng sai thông tin, thông tin chưa được cập nhật… dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý và việc lưu thông của người dân.

Hiện có một số vấn đề thực tiễn phát sinh trong quá trình tiêm chủng cần phải tập trung giải quyết như thông tin tiêm chủng của người dân chưa cập nhật đầy đủ, người đã tiêm chủng nhưng không có thông tin trên Sổ Sức khoẻ điện tử, nhập đuổi dữ liệu tiêm chủng, hay việc sử dụng chứng nhận tiêm chủng bản giấy…

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, việc biết tình trạng tiêm chủng của mỗi người dân hết sức quan trọng, do đó 3 bộ y tế- công an- thông tin và truyền thông đã thống nhất cùng triển khai một kế hoạch để quản lý tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc và xác thực thông tin về tiêm chủng một cách chính xác để vừa phục vụ phòng chống dịch, vừa phục vụ việc đi lại và tham gia các hoạt động khác của người dân.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Huy Ngọc giao nhiệm vụ liên quan đến việc xác thực tiêm chủng cho từng đơn vị của ngành công an trong phối hợp với ngành y tế và thông tin- truyền thông, đồng thời nhấn mạnh đơn vị nào không thực hiện nhiệm vụ được giao phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo bộ.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng giao nhiệm vụ cho các vụ/cục liên quan trong việc phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Công an để đảm bảo thực hiện tiến độ nhập liệu, xác thực tiêm chủng.

Các địa phương phải quyết liệt tăng tốc tiêm chủng

Tính đến sáng 17/10, với trên 400.000 người được tiêm vắc xin, Vĩnh Long đạt trên 51% dân số 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Tính đến sáng 17/10, với trên 400.000 người được tiêm vắc xin, Vĩnh Long đạt trên 51% dân số 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Đến nay, cả nước tổ chức tiêm được 61 triệu mũi tiêm, tuy nhiên vấn đề đặt ra là cần xác thực được hết tất cả thông tin của những người tiêm chủng để có thể quản lý thống nhất đồng bộ. Hiện, BCĐ quốc gia đã chỉ đạo thống nhất 1 ứng dụng phục vụ phòng chống dịch COVID-19 là PC COVID.

Bên cạnh đó, những ứng dụng khác để phục vụ mục đích lâu dài là Sổ sức khỏe điện tử để thay thế y bạ giấy, cập nhật hồ sơ sức khỏe của mỗi người dân. Ứng dụng VneID để xác thực thông tin danh tính người dân và phục vụ các yêu cầu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.

3 bộ đã thống nhất sử dụng 1 mã QR trên thẻ căn cước công dân để định danh công dân. Những mã QR sinh ra từ ứng dụng được thống nhất định dạng chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành đảm bảo liên thông cơ sở dữ liệu với nhau.

Để dữ liệu tiêm chủng được cập nhật chính xác, việc xác minh thông tin người dân sẽ được thực hiện ngay từ đầu với những trường hợp tiêm mới. Với những người đã tiêm, nếu có sai sót về thông tin cần phản ảnh trên cổng tiêm chủng quốc gia trước ngày 25/10. Sau thời gian trên, việc đối soát thông tin tiêm chủng sẽ được thực hiện tại trực tiếp tại các cơ sở tiêm.

Liên quan đến ý kiến trao đổi của một số địa phương về việc do có tổ chức tiêm chủng lưu động nên việc nhập liệu không tránh sai sót, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ: Dù tiêm ở nhà máy, hay ở nhà văn hóa, tiêm ở điểm cố định hay lưu động vẫn phải có danh sách và xác thực cuối cùng vẫn là trạm y tế xã- phường.

"Những sai sót trong quá trình nhập liệu dữ liệu tiêm chủng thường xảy ra ở khâu nhập lại dữ liệu, do đó trong vòng 30 phút ngồi đợi theo dõi sau tiêm, mỗi người đã tiêm chủng cần theo dõi sát Sổ Sức khỏe điện tử để kịp thời báo ngay thông tin sai sót (nếu có) trong dữ liệu tiêm chủng trên Sổ Sức khỏe điện tử"- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Đồng thời Bộ trưởng cũng yêu cầu ngay mỗi điểm tiêm đối chiếu với danh sách người đến tiêm chủng do trạm y tế xã phường cung cấp hoặc do các cơ quan, đơn vị gửi đến để rà soát và xác thực ngay thông tin tiêm chủng của người dân.

Đối với các trường hợp F0 đã khỏi bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh cơ sở y tế tuyến xã- phường phải nhập liệu bởi chính đội ngũ này hiểu rõ, quản lý cụ thể trên địa bàn của mình.

Hãy cài đặt ứng dụng phòng chống dịch COVID-19 quốc gia (PC-COVID) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng PC-COVID, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm COVID-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh