Huy động toàn dân tham gia phòng "giặc lửa"

11:10, 05/10/2021

Là lực lượng chủ công, nòng cốt trên mặt trận chống "giặc lửa", trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ đã khắc phục khó khăn, nguy hiểm, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Những năm gần đây, công tác PCCC đã nhận được sự vào cuộc của cả xã hội, từ đó hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy, nổ và bảo vệ an toàn tính mạng, tải sản của người dân, doanh nghiệp.

 

Các hội thao PCCC được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và tại chỗ. Ảnh chụp trước khi dịch bệnh bùng phát.
Các hội thao PCCC được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và tại chỗ. Ảnh chụp trước khi dịch bệnh bùng phát.

Là lực lượng chủ công, nòng cốt trên mặt trận chống “giặc lửa”, trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ đã khắc phục khó khăn, nguy hiểm, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Những năm gần đây, công tác PCCC đã nhận được sự vào cuộc của cả xã hội, từ đó hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy, nổ và bảo vệ an toàn tính mạng, tải sản của người dân, doanh nghiệp.

Chủ động các biện pháp phòng cháy, nổ

Gần cuối năm, tình hình cháy nổ vẫn còn diễn biến phức tạp, cả nước vẫn xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, thường là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong khu dân cư hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ. Vì vậy, việc PCCC thực sự trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để đảm bảo an toàn tính mạng con người và tài sản.

Là chợ hạng I, với gần 2.000 hộ tiểu thương tham gia kinh doanh, mua bán gần 90 ngành hàng, bà Nguyễn Thị Tố Quyên- Trưởng Ban Quản lý Chợ Vĩnh Long- cho biết, chợ luôn chủ động thực hiện nghiêm các quy định về PCCC, đặc biệt vào mùa khô, nguy cơ cháy, nổ cao. Vì vậy, Ban Quản lý chợ tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các hộ tiểu thương không đun nấu tại nơi kinh doanh, không treo móc hàng hóa che khuất tầm nhìn và ngay lối thoát hiểm, không trưng bày hàng hóa lấn chiếm lối đi công cộng, chấp hành nghiêm các quy định về an toàn điện. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý chợ cho các tiểu thương cam kết thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ tại địa điểm kinh doanh.

Với mặt bằng kinh doanh chỉ khoảng 20m2 nhưng phải bố trí nhiều mặt hàng, vừa chật chội lại thiếu an toàn, anh Phạm Tuấn Long (chủ tiệm tạp hóa ở Phường 8- TP Vĩnh Long) chuẩn bị sẵn 2 bình chữa cháy mini. Chưa yên tâm, anh Long còn gắn thêm vòi nước bên hong tiệm “phòng trường hợp bất trắc” còn có cái để cứu tài sản. “Ở đô thị nhà cửa san sát nhau, còn phải tận dụng tối đa để chất chứa đồ đạc nên cẩn thận bảo vệ tài sản, tính mạng vẫn là trên hết”- anh Long nói và cho biết thêm, khi thấy ổ điện, dây điện cũ, bong tróc thì thay mới ngay, hạn chế nguy cơ chập cháy.

Gần đây, các địa phương, ban ngành, đoàn thể tỉnh Vĩnh Long thường xuyên tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến người dân trong khu dân cư, lồng ghép trong các hoạt động của chi bộ, tổ dân phố, đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội, phương tiện truyền thông về các quy định và kiến thức cơ bản về PCCC, kỹ năng thoát nạn, cứu hộ, cứu nạn và sử dụng phương tiện chữa cháy thông dụng. Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ phối hợp đoàn liên ngành kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn PCCC đối với các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Huy động toàn dân tham gia PCCC

Theo Bộ Công an, trong 3 năm qua, công an các địa phương đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đối với công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả chính sách, pháp luật về PCCC. Đến nay, cả nước có 54/63 tỉnh- thành đã phê duyệt và triển khai các dự án, đề án về quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội.

Hiện cả nước còn duy trì khoảng 44.000 đội dân phòng, hơn 179.000 đội PCCC cơ sở trong việc phát hiện, xử lý các sự cố cháy nổ ngay từ khi mới phát sinh. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các địa phương đã chú ý công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và cứu nạn, cứu hộ, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Nổi bật là phong trào: “3 có” (có aptomat, có đèn pin, có phương tiện chữa cháy), “3 biết” (biết xử lý các tình huống, biết kiến thức PCCC, biết sử dụng bình chữa cháy), “Nhà tôi có bình chữa cháy”,… Song song đó, nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác PCCC như: nhân dân tự phá dỡ, giải tỏa nhà cửa tạo khoảng cách an toàn PCCC, hiến đất làm đường, mở rộng ngõ, hẻm cho xe chữa cháy hoạt động; đóng góp kinh phí mua sắm trang thiết bị máy bơm, mô tưa, bình chữa cháy,… góp phần phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn.

Rèn luyện kỹ năng thoát hiểm cho trẻ em khi xảy ra cháy, nổ. Ảnh chụp trước khi dịch bệnh bùng phát.
Rèn luyện kỹ năng thoát hiểm cho trẻ em khi xảy ra cháy, nổ. Ảnh chụp trước khi dịch bệnh bùng phát.

Xác định rõ vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong công tác PCCC, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung đổi mới cả nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, góp phần hạn chế đến mức tối đa nguy cơ cháy, nổ và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), đã tổ chức 30 cuộc tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về PCCC với hàng ngàn lượt người dự. Ngoài ra, tuyên truyền qua loa truyền thanh, xe loa lưu động đến tận địa bàn huyện nhằm đa dạng hình thức, thu hút sư quan tâm của người dân.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh