Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2021- 2022 ở mức sớm và sâu hơn

11:10, 05/10/2021

Theo Tổng Cục Thủy lợi, mùa gió chướng bắt đầu hoạt động ngay từ đầu mùa khô, đây là yếu tố góp phần đẩy mặn xâm nhập sâu vào hệ thống kinh, rạch ĐBSCL

Theo Tổng Cục Thủy lợi, mùa gió chướng bắt đầu hoạt động ngay từ đầu mùa khô, đây là yếu tố góp phần đẩy mặn xâm nhập sâu vào hệ thống kinh, rạch ĐBSCL.

Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2021- 2022 ở mức sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, khả năng ở mức tương đương mùa khô năm 2020- 2021 (không gay gắt như năm 2019- 2020, một số thời điểm có thể xấp xỉ năm 2015- 2016).

Đến thời điểm hiện tại, còn khá sớm để dự báo chính xác xâm nhập mặn mùa khô 2021- 2022, do nguồn nước về ĐBSCL phụ thuộc rất lớn vào dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (mưa, khả năng tích trữ nước của các hồ chứa thượng nguồn).

Tuy nhiên, với khả năng dự báo lũ nhỏ, dòng chảy các tháng đầu mùa khô thấp có thể làm mặn xâm nhập sớm. Các địa phương cần có kế hoạch ứng phó với tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô.

Theo Cục Trồng trọt, ngoài những vùng có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp (vùng ven biển ĐBSCL cách biển 20- 30km, gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang), xâm nhập mặn, khô hạn có khả năng gây ảnh hưởng cho các vùng cách biển từ 30- 70km. Đây là vùng phù sa ngọt, nước ngọt đủ để sản xuất lúa Đông Xuân. Tuy nhiên, nếu việc xâm nhập sớm, sâu và thời gian kéo dài với nồng độ mặn cao thì một số vùng cặp theo sông Tiền, sông Hậu thuộc tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và cho vườn cây ăn trái.

NGUYÊN KHANG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh