Hiểu thêm về "lấy xã- phường- thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ" trong phòng chống dịch COVID-19"

07:09, 17/09/2021

Ngày 22/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1099/CĐ-TTg "về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19". Trong đó, nêu rõ: "Lấy xã- phường- thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ" trong phòng chống dịch".

(VLO) Ngày 22/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1099/CĐ-TTg “về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19”. Trong đó, nêu rõ: “Lấy xã- phường- thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng chống dịch”.

Hiểu thông để thực hiện tốt thông điệp “5T” của Bộ Y tế. Ảnh minh họa
Hiểu thông để thực hiện tốt thông điệp “5T” của Bộ Y tế. Ảnh minh họa

Theo đó, “pháo đài” là thuật ngữ quân sự, chỉ nơi xây dựng kiên cố nằm ở một vị trí cao, có đặt súng lớn để bảo vệ một khu vực xung yếu. “Chiến sĩ” là một thành phần trong lực lượng vũ trang. Ngoài ra, còn được hiểu là người theo đuổi, phục vụ sự nghiệp chính nghĩa và chiến đấu, hy sinh vì những lý tưởng cao cả.

Trong khi đó, cấp xã- phường- thị trấn (cơ sở) là nơi cư trú của nhân dân. Đây là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất và trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương.

Do đó, khi nói “xã- phường là pháo đài chống dịch”- nhằm khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của địa bàn cơ sở; đồng thời đề cao vị trí, mức ảnh hưởng của đội ngũ cán bộ cơ sở trong nhiệm vụ phòng chống COVID-19. 

Nói rằng “người dân là chiến sĩ, là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch” nhằm nhấn mạnh vị trí, vai trò có ý nghĩa quyết định của mọi người dân trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19”.

Nhân dân là thành phần đông đảo nhất trong xã hội, có sức mạnh dời non lấp bể, do đó việc huy động sức dân, làm cho mọi người dân đồng tình, ủng hộ và chủ động, tích cực, tự giác tham gia phòng chống dịch COVID-19 không chỉ nhằm phát huy sức mạnh tổng lực để sớm khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, mà còn góp phần khơi dậy, phát huy sức mạnh ý chí niềm tin, nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn của nhân dân trong cuộc chiến đặc biệt nguy hiểm này.

Có thể khẳng định, chủ trương “lấy xã- phường- thị trấn là pháo đài phòng chống dịch” là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với hệ thống chính trị và mô hình quản trị ở Việt Nam.

Vì thế, để thực hiện đúng phương châm chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ, để mỗi xã- phường thật sự trở thành “pháo đài” phòng chống dịch hiệu quả, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền cơ sở phải biết xây dựng các phương án, kế hoạch “tác chiến” chống dịch một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm dân cư, địa lý, kinh tế, xã hội, phong tục văn hóa và tình hình dịch tễ ở địa phương; đồng thời biết bố trí, sử dụng các lực lượng, đội hình chống dịch một cách hợp lý; có sự phân công, phối hợp rõ ràng, hiệu quả của các thành phần tham gia chống dịch gắn với trách nhiệm của mỗi cá nhân trên từng vị trí công tác. Đồng thời phải nắm chắc và triển khai tốt phương châm “4 tại chỗ”, gồm: dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ và nhân lực tại chỗ.

Mặt khác, để mỗi người dân trở thành một chiến sĩ phòng chống dịch thì yêu cầu cán bộ cơ sở, nhất là cấp ấp, tổ nhân dân tự quản phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động, hướng dẫn người dân hiểu biết và nắm được các kỹ năng cơ bản trong việc bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng trên địa bàn cư trú.

Trước hết, phải tuân thủ nghiêm 5K. Giải thích rõ: “Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng chống dịch.

Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”.

Thực phẩm đủ tại nhà bằng giải pháp hỗ trợ phù hợp, đặc biệt quan tâm tới gia đình có người nhiễm, hoàn cảnh khó khăn, nhóm dễ bị tổn thương...

Thầy, thuốc đến tận gia: Bảo đảm về chăm sóc y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”.

Test COVID tất cả: đặc biệt là tại các “vùng đỏ, vùng cam” để sàng lọc, hạn chế lây lan ra cộng đồng và tổ chức chăm sóc người nhiễm phù hợp.

Tiêm chủng tại phường- xã: bố trí nhiều điểm tiêm để người dân được tiêm ngừa sớm nhất, gần nhà nhất có thể. Ưu tiên tiêm ngừa cho người dân ở “vùng đỏ” và đội ngũ tuyến đầu chống dịch.

Đặc biệt là đối với mỗi người dân, cần chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước (Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 Thủ tướng Chính phủ….), quy định của chính quyền địa phương; không đăng tải các thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng, gây hoang mang về tình hình dịch bệnh; không lơ là, chủ quan cũng không hoang mang, lo lắng, giấu bệnh; khai báo trung thực về lịch sử dịch tễ (đối với các trường hợp F0, F1, F2); tích cực tham gia xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo yêu cầu của địa phương; không lựa chọn vắc xin; chủ động phát hiện, khai báo về các trường hợp không tuân thủ quy định về phòng chống dịch cho địa phương.

Chủ trương “lấy xã- phường- thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ” trong phòng chống dịch đã nhắc nhở cơ sở cần phát huy sức chiến đấu tại chỗ để sớm đẩy lùi, tiêu diệt “giặc COVID-19”; còn ở “vùng xanh” thì kiên quyết giữ vững vành đai an toàn, không để dịch COVID-19 xâm nhập, lây lan vào cộng đồng. Đó chính là mục đích của pháo đài chống dịch ở địa bàn cơ sở.

QUANG NGHỊ 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh