Thực hiện giãn cách xã hội phải quyết liệt, thực chất, hiệu quả

05:08, 17/08/2021

Phòng dịch COVID-19 chính là chống lây nhiễm từ người này sang người khác, do đó phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, mà cụ thể là thực hiện "ai ở đâu ở yên đó"; tổ chức thần tốc xét nghiệm, phân loại, cách ly nhanh chóng F0 ra khỏi cộng đồng; tranh thủ thời gian vàng giãn cách để kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan và dập dịch; tránh tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong".

 

Thủ tướng nhấn mạnh: phải tranh thủ từng ngày, từng giờ tiêm vắc xin nhanh nhất cho người dân; ưu tiên tiêm, bao phủ vắc xin cho người trên 50 tuổi.
Thủ tướng nhấn mạnh: phải tranh thủ từng ngày, từng giờ tiêm vắc xin nhanh nhất cho người dân; ưu tiên tiêm, bao phủ vắc xin cho người trên 50 tuổi.

(VLO) Phòng dịch COVID-19 chính là chống lây nhiễm từ người này sang người khác, do đó phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, mà cụ thể là thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”; tổ chức thần tốc xét nghiệm, phân loại, cách ly nhanh chóng F0 ra khỏi cộng đồng; tranh thủ thời gian vàng giãn cách để kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan và dập dịch; tránh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”.

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng chống dịch COVID-19 với các tỉnh- thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.

Tận dụng thời gian vàng “giãn cách”

Theo báo cáo của BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19, sau 26 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại 19 tỉnh- thành khu vực phía Nam, các địa phương này ghi nhận 216.719 ca mắc, số ca mắc mới sàng lọc cộng đồng đã bắt đầu có xu hướng giảm tại một số địa phương.

Song, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận (Bình Dương, Long An, Đồng Nai).

Tại một số địa phương thuộc khu vực miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên), dịch chưa được kiểm soát triệt để, vẫn còn khả năng bùng phát và nguy cơ xuất hiện các ổ dịch lớn, do dịch đã lây lan ra cộng đồng, trong các nhà máy, xí nghiệp và khu vực đông dân cư.

Việc thực hiện Chỉ thị 16 tại một số nơi, một số thời điểm chưa nghiêm, chưa đầy đủ, chưa dứt khoát, chưa thực chất, chưa thống nhất.

Việc triển khai “4 tại chỗ” tại nhiều địa phương chưa triệt để; thiếu chủ động khi dịch bệnh xảy ra và vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trước diễn biến dịch bệnh.

“Dù triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, song số mắc vẫn gia tăng rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn cho thấy dịch đã lây lan rộng trong cộng đồng, trải qua nhiều vòng lây nhiễm trong một thời gian dài.

Bên cạnh đó, việc triển khai giãn cách xã hội chưa dứt khoát, triệt để, chưa đáp ứng được các yêu cầu; một số nơi, một số thời điểm chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch do đó khó khăn trong công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ở nhiều tỉnh, hàng ngày có số người nhiễm rất nhiều, ca bệnh tăng liên tục, trong khi năng lực điều trị tại chỗ rất hạn chế cả về người và trang thiết bị y tế, dù có sự chi viện của Trung ương cũng như các tỉnh-thành khác.

Đối với 19 tỉnh- thành phía Nam, Phó Thủ tướng đề nghị kiểm soát chặt người, phương tiện ra, vào tại một số địa phương sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh, được coi là “vùng xanh” an toàn gồm 8 tỉnh Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh.

Phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh công tác xét nghiệm, trả kết quả, đồng thời có biện pháp không để lây lan dịch bệnh trong quá trình thực hiện xét nghiệm.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh công tác xét nghiệm, trả kết quả, đồng thời có biện pháp không để lây lan dịch bệnh trong quá trình thực hiện xét nghiệm.

Đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp và có nơi nghiêm trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương căn cứ diễn biến thực tế để đánh giá, xác định tình hình cụ thể và có giải pháp ứng phó phù hợp theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đây là ưu tiên số 1 trên phạm vi cả nước trong lúc này.

Thủ tướng lưu ý các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải ưu tiên cho công tác chống dịch, nhưng không có nghĩa là chỉ tập trung chống dịch, nơi nào an toàn vẫn phải duy trì sản xuất, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác.

“Phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh. Nếu để kéo dài thì chống dịch không dứt điểm và kinh tế, xã hội cũng không thể phát triển được, không có nguồn lực để chống dịch”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý về vấn đề điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh để có phương án cách ly (tại các trung tâm thu dung hoặc tại nhà khi bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết) và chăm sóc phù hợp; chú ý việc bảo đảm điều kiện và điều trị, can thiệp y tế kịp thời nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vào thời điểm này.

Thủ tướng khẳng định, Nhà nước lo tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân. Tăng cường thông tin truyền thông, quán triệt đến người dân tinh thần vắc xin đã được cấp phép theo quy định về Việt Nam; vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng kén chọn, chờ đợi vắc xin trong khi đang rất khan hiếm vắc xin và dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh, làm nhiều người tử vong.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại yêu cầu “không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng mọi yêu cầu y tế của người dân” và khẳng định Chính phủ thống nhất hỗ trợ hoàn toàn việc mai táng bệnh nhân tử vong do COVID-19.

“Việc phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu; lưu thông hàng hóa phải kịp thời, thông suốt; phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả.

Khi chưa có đầy đủ vắc xin và thuốc điều trị thì phòng ngừa vẫn là chủ yếu, là chiến lược; phải kiên trì các biện pháp như “5K”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết. Chuẩn bị các phương án ứng phó dịch bệnh ở mức cao hơn”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Để giảm tỷ lệ tử vong, Thủ tướng gợi ý một số biện pháp để Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể, như ưu tiên tiêm, bao phủ vắc xin cho các đối tượng trên 50 tuổi, có điểm tiêm riêng cho người cao tuổi. Giảm số ca mắc, hướng dẫn cụ thể về việc cần làm để duy trì “vùng xanh” bền vững.

Loại bỏ ngay các giấy tờ thủ tục hành chính với các trường hợp nhập viện cấp cứu, nhập viện trước, làm thủ tục sau. Tiếp tục nghiên cứu thí điểm theo dõi, điều trị F0 hiệu quả ngay tại cộng đồng thông qua các tổ y tế.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh