Phố thị những ngày giãn cách

06:08, 22/08/2021

Phố thị những ngày giãn cách, đường sá vắng vẻ, những cửa hiệu đóng cửa im ỉm, quảng trường, công viên vắng lặng. Bên trong những ngôi nhà kín cổng, các gia đình mở cửa đón ánh sáng, tất bật nấu những bữa cơm gia đình. Ở những góc phố, các bếp ăn phục vụ tuyến đầu và những người có hoàn cảnh khó khăn vẫn đỏ lửa…

(VLO) Phố thị những ngày giãn cách, đường sá vắng vẻ, những cửa hiệu đóng cửa im ỉm, quảng trường, công viên vắng lặng. Bên trong những ngôi nhà kín cổng, các gia đình mở cửa đón ánh sáng, tất bật nấu những bữa cơm gia đình. Ở những góc phố, các bếp ăn phục vụ tuyến đầu và những người có hoàn cảnh khó khăn vẫn đỏ lửa…

Nhiều người sẵn sàng rời khỏi ngôi nhà ấm áp để giúp các hoàn cảnh khó khăn trong những ngày giãn cách do dịch bệnh.
Nhiều người sẵn sàng rời khỏi ngôi nhà ấm áp để giúp các hoàn cảnh khó khăn trong những ngày giãn cách do dịch bệnh.

Chuyện ở “điểm đến lý tưởng” của phố

Từ khi thành lập và đưa vào hoạt động đến nay, Quảng trường TP Vĩnh Long với không gian thoáng đãng, mát mẻ bên dòng Cổ Chiên được xem là một trong những điểm đến lý tưởng khi có hàng ngàn người lui tới mỗi ngày.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng người đến quảng trường có lúc giảm đến 50% so ngày thường.

Và trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội- từ 9/7/2021 đến nay, quảng trường trở nên vắng vẻ, không người lui tới hàng ngày, trừ các anh bảo vệ, bầy bồ câu, đàn se sẻ và những loài chim chóc ngụ trên những tán cây lộc vừng, cây sao, cây dầu,…

Ông Nguyễn Hòa Đàm- chuyên viên Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao TP Vĩnh Long, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ Quảng trường thành phố- cho biết, cảnh tượng vắng lặng này chưa từng có trong vòng hơn 10 năm qua nhưng thể hiện ý thức cao của người dân trong chấp hành giãn cách.

Ông cho biết thêm, do vắng vẻ nên lịch làm việc hàng ngày tổ bảo vệ quảng trường cũng khác: “Lúc trước, có 5 người trực/ngày thì nay giảm lại chỉ còn 2 người”.

Không gian rộng lớn thiếu hẳn không khí sinh hoạt sôi nổi của cộng đồng những sớm tản bộ, thể thao; những chiều em nhỏ nô đùa, nhảy hiphop, lái xe đồ chơi bóp còi miệng tin tin… nên rất buồn. Và, không chỉ con người mà chim chóc cũng… buồn lây.

Quảng trường hiện có bầy bồ câu hơn 300 con được “gây dựng” từ 4- 5 cặp bồ câu giống ban đầu. Ý tưởng nuôi bồ câu để “làm đẹp cảnh quan quảng trường, em nhỏ đến vui chơi hiểu thêm về động vật” do Tổ bảo vệ của quảng trường và anh Ngô Phúc Huy- chủ quán Central coffee (Phường 3- TP Vĩnh Long) khởi xướng.

Số bồ câu giống và chiếc chuồng bồ câu đầu tiên trị giá hơn 10 triệu đồng cũng do anh Huy tài trợ. Có chuồng “đủ đẹp và phù hợp tập quán sinh sống, nguồn thức ăn đa dạng”, bầy bồ câu giống sinh sôi và còn rủ bồ câu tự nhiên từ nơi khác về sinh sống.

Khi số lượng bồ câu lên tới hàng trăm con thì cần một chiếc chuồng mới rộng rãi hơn, anh Huy lại tiếp tục tài trợ làm chuồng lần 2 với kinh phí khoảng 20 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hòa Đàm cho biết, thức ăn cho bồ câu vào những ngày chưa có dịch thì không phải lo vì người dân có thói quen đến quảng trường tản bộ, tập thể dục hàng ngày thường mang theo cơm nguội, lúa… cho bồ câu ăn.

Em nhỏ đến quảng trường cũng được người lớn mua thóc dụ bồ câu sà xuống ăn, cùng bé vui đùa. Các đôi uyên ương chụp ảnh cưới, các đoàn làm phim cũng mang thức ăn ra dụ bồ câu ăn để quay cảnh, chụp hình chung… Tổ bảo vệ chú ý chăm sóc sức khỏe cho bồ câu bằng cách “cho uống C để bổ sung kháng thể”.

Đàn bồ câu ở quảng trường không lo thiếu thức ăn trong những ngày giãn cách.
Đàn bồ câu ở quảng trường không lo thiếu thức ăn trong những ngày giãn cách.

Tuy nhiên, những ngày giãn cách, quảng trường giăng dây không cho người dân lui tới thì bồ câu cũng mất nguồn cung cấp thức ăn. Theo ông Nguyễn Hòa Đàm, với đàn bồ câu hơn 300 con và đàn se sẻ mới kéo về hàng ngàn con thường “sà xuống ăn chung” thì tốn khoảng hơn 1 giạ lúa/ngày (khoảng 150.000đ).

Rất may, anh Huy lại tiếp tục hỗ trợ 4 triệu đồng để bầy bồ câu có cái ăn. “Trong hoàn cảnh dịch bệnh nhiều khó khăn thì chim chóc cũng cần ăn tiết kiệm, ăn đủ no chớ không rải thóc thừa mứa, gây lãng phí”- ông Nguyễn Hòa Đàm nói.

Việc có ích trong nhà, điều hay trên phố nhỏ

Những ngày giãn cách, ông Nguyễn Việt Thắng ở Phường 1 (TP Vĩnh Long) cố gắng duy trì nếp sinh hoạt như những ngày chưa có dịch.

Chỉ khác là thay vì tập thể dục ngoài trời, đọc báo, tán gẫu với bạn bè tại một quán cóc nào đó thì hiện nay ông đi bộ quanh khuôn viên nhà, bắt bàn ra hành lang trên lầu nhâm nhi ly cà phê ngắm con phố nhỏ và đặc biệt, vẫn đọc báo, trò chuyện với bạn bè… qua điện thoại.

Nhìn nhận “cuộc sống những ngày giãn cách rất khác” nhưng ông khề khà: Mình cố gắng làm sao cho khuây khỏa, không để căng thẳng, giữ sức khỏe để phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Việt Thắng cho biết thêm: “Sau hơn 1 tháng ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi đi tiêm vắc xin phòng COVID- 19, ông thấy tuy buồn nhưng có những cái hay riêng, trong đó, những bữa cơm gia đình tuy không phong phú như ngày thường nhưng thêm ấm áp”.

Qua đó, ông thường xuyên động viên con cháu chấp hành nghiêm quy định về giãn cách, vững tin vượt qua đại dịch.

Chị Nguyễn Thị Ngân Thy (Phường 4- TP Vĩnh Long) thì nói, những ngày giãn cách, chị có nửa thời gian đến cơ quan và nửa thời gian làm việc tại nhà. Hàng quán nghỉ bán thì có nhiều bất tiện nhưng cũng là cơ hội để chị chăm chút hơn những bữa ăn gia đình.

Theo đó, chị thức sớm để nấu đồ ăn sáng và chuẩn bị các món cho bữa chính, còn tìm tòi làm những món ăn vặt như bánh ngọt, gà chiên, trà sữa, chà bông… mà con thích.

Đặc biệt, chị trồng thêm mớ rau xanh, hành ngò, gừng, sả… sau nhà để “khi cần khỏi phải mua”. Vừa xử lý công việc, làm việc nhà, chị còn dành thời gian tìm hiểu, đóng góp theo khả năng những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.

Anh Đoàn Trung Thông- Giám đốc Công ty TNHH Vệ sinh Công nghiệp và Xây dựng Thiện Mỹ (Phường 3- TP Vĩnh Long) thì bộc bạch: Do không thể ngồi yên trong nhà khi mình còn sức trẻ mà ngoài kia nhiều việc đang cần nên ngay khi được tiêm mũi vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên, anh tình nguyện tham gia giao những suất ăn phục vụ tuyến đầu và những hoàn cảnh khó khăn.

Như anh Đoàn Trung Thông, nhiều người từ những ngôi nhà ấm áp khác nhau đã tìm đến những góc phố đang sôi nổi công tác thiện nguyện: nấu ăn cho lực lượng tuyến đầu, quyên góp rau củ mang cho bà con có hoàn cảnh khó khăn cách ly tại nhà, ở các khu phong tỏa, chi viện cho vùng tâm dịch…

Những ngày này, Hội Chữ thập đỏ TP Vĩnh Long kết hợp Ban Quản lý miếu Bà Chúa Xứ Chợ Cua (Phường 4) chuẩn bị xong 220 phần quà gồm gạo, mì, nước tương, nước mắm.

Theo đó, nhóm thiện nguyện sẽ trao cho các hộ cách ly tại nhà, hộ nghèo, người cao tuổi, bệnh tật bị ảnh hưởng dịch COVID-19 vào ngày rằm tháng 7.

Đây là một trong số các hoạt động ý nghĩa của nhóm thiện nguyện, trong đó có việc chuẩn bị các bữa ăn sáng hàng ngày cho lực lượng tuyến đầu.

Tất cả thành viên trong nhóm đều sẵn sàng rời khỏi ngôi nhà ấm áp của mình bất cứ lúc nào để xắn tay vào làm những việc có ích cho bà con trong khu phố, của khóm, của phường… trong những ngày quá ư đặc biệt và không quên tuân thủ “5K”.

Và nơi thành phố yêu thương, còn rất nhiều người đã tạm thời rời khỏi ngôi nhà ấm áp của mình để “dấn thân” vào những nơi đầu sóng, ngọn gió để góp sức cho công tác phòng chống dịch, mong ngày chiến thắng dịch bệnh sẽ còn không xa!

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh