Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch trên công trường.
Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch trên công trường.
Với diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19, nhà thầu triển khai các dự án giao thông đang gặp nhiều khó khăn về công tác huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công tại hiện trường, ảnh hưởng tới nguy cơ tiến độ công trình.
Bộ GTVT sẽ nghiên cứu ban hành một mô hình chung cho các công trường cao tốc Bắc - Nam đảm bảo vừa thi công, vừa phòng chống dịch hiệu quả.
Các dự án giao thông gặp nhiều khó khăn về thi công giữa dịch COVID-19. |
Chậm tiến độ do bị ảnh hưởng dịch
Là đơn vị được giao một số dự án trọng điểm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt, ông Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) cho biết, 2 dự án cao tốc trên có tổng chiều dài 99km.
Đến nay, các nhà thầu đã huy động cơ bản đầy đủ máy móc thiết bị và nhân lực để thi công đường công vụ, làm lán trại, bãi tập kết vật liệu chuẩn bị thi công đại trà.
Theo ông Minh, thời gian này dù đang phải tập trung phòng chống dịch Covid-19, nhưng tỉnh Nghệ An và hội đồng GPMB các huyện rất quyết liệt, bàn giao được 45/50km mặt bằng sạch (tương đương 97%). Tuy vậy vẫn còn vị trí vướng mặt bằng nằm ở điểm găng về tiến độ.
Đặc biệt, trải qua các đợt tấn công của đại dịch COVID-19 nên các dự án này đã phải chịu nhiều ảnh hưởng về công tác huy động nhân sự, vật liệu do nguồn cung không đều nên việc thi công gặp nhiều khó khăn.
Ông Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Ban QLDA 6 báo cáo về tiến độ triển khai cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt sau 1 tháng ký hợp đồng xây lắp.
Tương tự, cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Phan Thiết-Dầu Giây cũng đang gặp vấn đề về tiến độ do ảnh hưởng dịch bệnh.
Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, từ khi khởi công đến nay, trải qua các đợt tấn công của đại dịch COVID-19 nên các dự án này đã phải chịu nhiều ảnh hưởng về công tác huy động nhân sự, vật liệu do nguồn cung không đều.
Từ sau giai đoạn 30/4-1/5 đến nay, dịch bùng phát trên diện rộng ở nước ta nên việc triển khai thi công dự án càng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại thành phố Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai, Bình Thuận đang thực hiện giãn cách xã hội.
“Do tiến độ cấp bách của dự án, Ban quản lý dự án Thăng Long đã lên các kế hoạch chi tiết để triển khai thi công, đảm bảo trong bối cảnh dịch bùng phát không quá ảnh hưởng tới tiến độ dự án và thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch trong công trường như biện pháp 5K; tăng cường quản lý 3 tại chỗ đối với việc ăn ở, sinh hoạt và thi công xây dựng phạm vi công trường; tổ chức chia ca kíp với số lượng công nhân phù hợp, đảm bảo giãn cách, tránh tập trung đông người; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tương tác, trao đổi công việc…”, ông Roãn cho biết.
Xin cơ chế “đặc biệt” để thi công cao tốc Bắc Nam
Thừa nhận do đặc thù công tác thi công cần lượng lớn vật tư, máy móc và thiết bị cần phải vận chuyển từ các phạm vi lân cận đến công trường, việc diễn biến phức tạp của dịch sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của dự án, ông Dương Viết Roãn cho biết, Ban quản lý dự án Thăng Long báo cáo Bộ GTVT và đề nghị địa phương tạo điều kiện cấp “luồng xanh” cho các xe vận chuyển vật tư, vật liệu phục vụ thi công dự án; tạo điều kiện về thủ tục trong công tác phòng chống dịch.
Ngoài ra, ông Roãn cũng thừa nhận, từ khi các dự án cao tốc Bắc-Nam khởi công đến nay, giá cả vật liệu tăng so với thời điểm đấu thầu, các loại vật liệu cơ bản như đất, cát, đá…đều tăng, đặc biệt giá thép tăng đột biến (tăng 40-50%) cũng gây khó khăn cho các nhà thầu, ảnh hưởng tới tiến độ thi công.
Nhà thầu thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn. |
Bên cạnh đó, nguồn vật liệu đất, cát đắp còn thiếu do vật liệu không sản xuất sẵn ở địa phương, khi các dự án cao tốc triển khai cần một lượng lớn, trong khoảng thời gian ngắn, dẫn đến thiếu hụt, khủng hoảng cung-cầu.
Để dự án được triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu và có giá thành hợp lý, Ban quản lý dự án Thăng Long đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan và địa phương trong việc bình ổn giá vật liệu và tạo điều kiện cấp phép, nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu.
Tại 2 đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam là Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt, đại diện nhà thầu thi công là liên danh Vinaconex và Binh đoàn Trường Sơn mong muốn địa phương chỉ đạo các chốt kiểm dịch tạo điều kiện để nhà thầu đưa máy móc, kỹ sư, công nhân vào công trường nhằm đảm bảo tiến độ. Cùng đó, tỉnh Nghệ An xem xét nâng trữ lượng, sản lượng mỏ cát để phục vụ dự án.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Bá Sỹ, Giám đốc điều hành dự án của Vinaconex cho biết, việc thi công gói XL3, dự kiến cần 3 triệu khối đất và 500.000m3 cát. Trữ lượng đất theo điều tra thì đủ, nhưng thực tế giá cao hơn dự toán 20 - 30%.
“Các mỏ mới đấu giá chưa lấy được vì họ nói còn cần từ 2 - 6 tháng mới được tỉnh cấp giấy phép khai thác. Trữ lượng các mỏ cát toàn khu vực là 1,1 triệu m3, nhưng công suất cho phép khai thác của các mỏ chỉ đáp ứng 50% nhu cầu của dự án.
Vì vậy, đề nghị tỉnh Nghệ An quan tâm sớm cấp phép khai thác và cho các mỏ được nâng công suất, trữ lượng", ông Sỹ cho hay.
Còn ở dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, liên danh nhà đầu tư bày tỏ mong muốn địa phương tạo điều kiện, mở “luồng xanh” để nhà thầu đưa máy vào thi công trụ cầu dẫn và 2 mặt hầm Thần Vũ.
Các vị trí này là đất rừng phòng hộ đã kiểm đếm, bồi thường nhưng còn thiếu thủ tục chuyển đổi đất rừng (đang chờ các Bộ cho ý kiến). Nếu phải chờ đủ thủ tục, dự án sẽ có nguy cơ chậm tiến độ.
“Khép kín” mô hình vừa thi công vừa phòng dịch
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên việc huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công tại hiện trường của các nhà thầu gặp khó khăn; một số công trình (gói thầu số XL-01, dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết phải dừng thi công do đã có cán bộ, công nhân nhiễm COVID-19 thuộc diện F0, phải cách ly).
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thị sát điểm thi công dự án cao tốc Mai Sơn – QL45 hồi đầu tháng 6/2021. |
“Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện nghiêm các quy định, quy chế phòng, chống COVID-19; báo cáo việc huy động nhân lực, thiết bị, vận chuyển vật liệu, tổ chức công trường, công tác phòng, chống dịch...để chỉ đạo điều hành và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết đảm bảo yêu cầu tiến độ, chất lượng và công tác phòng chống dịch” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Mặt khác, để hỗ trợ việc triển khai thi công các dự án trong vận chuyển nhân công, thiết bị, vật liệu thi công qua các tỉnh đang là vùng dịch, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố hỗ trợ cho phép và ưu tiên xe vận chuyển thiết bị, nhân sự, vật liệu phục vụ dự án được phép di chuyển vào địa bàn tỉnh để đến công trường.
“Xem xét ưu tiên tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 cho cán bộ, công nhân viên các đơn vị đang tham gia tại các dự án trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo tiến độ thi công của các dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định, trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, mùa mưa bão diễn ra từ nay đến cuối năm sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai dự án, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu lập kế hoạch thi công chi tiết các hạng mục, công trình; tập trung huy động thiết bị, nhân lực, tăng cường các mũi thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công; chủ động sản xuất, tập kết vật liệu, lắp dựng trạm trộn… có các giải pháp phù hợp, linh hoạt để chỉ đạo, điều hành triển khai các dự án ở hiện trường./.
Theo Phi Long/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin