Trong mỗi giai đoạn xây dựng nông thôn mới (NTM), sự đóng góp của người dân có vai trò, ý nghĩa rất lớn vì người dân vừa là chủ thể vừa là người thụ hưởng thành quả của chương trình mang lại.
Bà Nguyễn Thị Tư (ấp Phù Ly 1) đã hiến 972m2 đất để xây đường liên xã Đông Bình- Đông Thạnh và xây cầu Cống Càng Cua (ảnh chụp hồi tháng 4/2021). |
(VLO) Trong mỗi giai đoạn xây dựng nông thôn mới (NTM), sự đóng góp của người dân có vai trò, ý nghĩa rất lớn vì người dân vừa là chủ thể vừa là người thụ hưởng thành quả của chương trình mang lại.
Trước đây, khi thực hiện các tiêu chí NTM liên quan đến hạ tầng, các công trình chỉ cần đảm bảo đạt tiêu chuẩn, chất lượng, tiến độ là đã đạt yêu cầu thì trong năm 2021 này các công trình cần đảm bảo thêm yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19.
Hiến đất xây hạ tầng nông thôn
Để góp phần cùng Nhà nước thực hiện tuyến đường Đông Bình- Đông Thạnh và xây cầu Cống Càng Cua, gia đình bà Nguyễn Thị Tư (ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình- TX Bình Minh) hiến 972m2 đất.
Chỉ vào dốc cầu nằm cặp bụi tre, bà Tư cho biết: “Trước đây, nhà con trai của tui nằm ở phần đất này, nhưng khi Nhà nước cần để xây đường giao thông nông thôn, gia đình tui không chỉ hiến đất mà còn di dời luôn căn nhà để tạo mặt bằng thông thoáng cho đơn vị thi công.
“Hồi đó, chỗ này không có đường đi. Bà con ở đây chủ yếu đi đường mé sông hoặc đường bờ mẫu. Hôm xã tới khảo sát vị trí xây cầu, đường, tui đã mở lời nói cứ làm ở đây đi, làm ngay đất của tui đi”- bà Tư kể và cho biết bà đã gật đầu đồng ý khi biết địa phương cần gần 1 công đất để làm giao thông nông thôn.
Với bà Tư, tuy trước mắt là thấy mất đất nhưng nó vẫn nằm ở đó, chỉ chuyển đổi công năng sử dụng, thay vì trồng trọt, cất nhà… thì chuyển sang làm cầu, đường “giúp tụi nhỏ đi học dễ dàng hơn mà tui đi ruộng, đi vườn cũng dễ dàng hơn”- bà Tư nói.
“Trước đây, tui không nghĩ rằng ở đây sẽ có đường để đi, tới chừng làm được con lộ, tui mừng hết biết”- bà Tư chia sẻ. Khi con lộ hoàn thành, bà Tư cùng nhiều người dân cất nhà mới quay ra mặt lộ, diện mạo nông thôn cũng dần thay đổi hẳn.
Tuyến đường nhựa liên xã Tân Hưng- Tân Lược được đầu tư và đưa vào sử dụng là thành quả trong việc vận động “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Trong đó, anh Nguyễn Thanh Thảo (ấp Hưng Lợi, xã Tân Hưng- Bình Tân) đã hiến trên 500m2 đất để cùng Nhà nước xây con đường này.
Anh Thảo cho biết, phần đất anh hiến trước đây là đất vườn trồng ổi nữ hoàng xen mít Thái, cho huê lợi không nhỏ. Khi Nhà nước vận động hiến đất xây đường, “thấy có lợi, tui còn mừng”- anh nói…
Nhờ sự hưởng ứng tích cực đó, con đường đã hoàn thành, đáp ứng niềm mong đợi của người dân về hệ thống giao thông thuận tiện, vận chuyển hàng hóa dễ dàng.
Thôn quê phát triển lên hẳn, những căn nhà tường khang trang dần mọc lên, rồi quán xá, cơ sở mua bán, sản xuất- kinh doanh cũng mọc lên theo…
Anh Thảo cho biết, phần đất của anh có con lộ cắt ngang giờ được 2 mặt tiền, nên sẽ cất nhà mới quay ra mặt lộ cho vui.
Trước khi có con lộ, con anh Thảo phải đi cả chục cây số mới tới trường, có lộ rồi đường đến trường đã rút ngắn gần một nửa. Theo vận động của địa phương, anh Thảo cùng các hộ dân trong xã tích cực trồng các loại bông trang, dừa cạn… để làm đẹp cảnh quan.
Đảm bảo phòng chống dịch bệnh
Năm 2021, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu 11 xã về đích NTM, trong đó 6 xã trong kế hoạch của tỉnh và 5 xã do huyện phấn đấu.
Đồng thời, có thêm 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó 5 xã trong kế hoạch của tỉnh và 4 xã do huyện phấn đấu. Ngoài ra, BCĐ chương trình xây dựng NTM các huyện- thị còn phấn đấu có thêm 5 ấp NTM kiểu mẫu.
Đối với nhóm tiêu chí hạ tầng nông thôn tại 6 xã cần triển khai năm 2021 có 39 công trình, trong đó có 14 công trình trường học, 14 công trình giao thông và 11 công trình cơ sở vật chất văn hóa. Các công trình này đã được UBND tỉnh phân bổ vốn ngay từ đầu năm, tạo thuận lợi cho các sở, ngành và địa phương trong tổ chức thực hiện.
Thời gian gần đây, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã tác động tiêu cực đến mọi mặt trong đời sống, kinh tế- xã hội, trong đó có chương trình xây dựng NTM.
Theo ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, Chánh Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM: Trong công tác xây dựng NTM, dịch bệnh ảnh hưởng lớn nhất đến 2 nội dung cơ bản đó là: thu nhập của người dân và chậm tiến độ xây dựng một số công trình đầu tư.
Đối với các công trình xây dựng cơ bản, trong thời gian thực hiện giãn cách một số công trình phải tạm dừng thi công do đơn vị thi công chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phòng chống dịch, vì vậy tiến độ thực hiện các công trình có chậm hơn so với điều kiện bình thường. Đến đầu tháng 8/2021, đã có 29/39 công trình được khởi công xây dựng, các công trình còn lại tiếp tục khởi công trong tháng này.
Cũng theo ông Lê Văn Dũng, trong những tháng đầu năm 2021, việc khởi công các công trình xây dựng cơ bản có chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, nhất là đối với các công trình thi công theo tuyến như giao thông, thủy lợi.
“Để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công trình, Thường trực BCĐ tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành thường xuyên kiểm tra, để nắm bắt tình hình triển khai thực hiện cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai”- ông Lê Văn Dũng nói và cho biết thêm BCĐ các huyện tăng cường đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư vừa đẩy nhanh tiến độ thi công, vừa đảm bảo chất lượng công trình đồng thời phải đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19.
Ông Vi Ta Va Lay- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Phù Ly 1 Sau khi địa phương hoàn thành các tuyến đường giao thông thì ấp vận động người dân đóng góp làm đèn đường, trồng hoa, cây xanh để làm đẹp cảnh quan. Trước đây, cứ 3 tháng một lần ấp ra quân chăm sóc cảnh quan trên các tuyến đường, giờ có dịch chuyển sang vận động người dân giữ gìn vệ sinh quanh nhà, để giữ vững diện mạo nông thôn. Hiện ấp Phù Ly 1 và Phù Ly 2 là “vùng xanh” của xã Đông Bình. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin