Ứng phó thời tiết nguy hiểm mùa mưa bão

06:07, 27/07/2021

 Những ngày qua, mưa lớn, gió mạnh đã xảy ra trên phạm vi toàn tỉnh. Sau mỗi trận mưa, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều ghi nhận có xảy ra thiệt hại do thiên tai. Thời tiết nguy hiểm mùa mưa bão đang gây ảnh hưởng ngày càng rõ nét đến sản xuất và đời sống của người dân.

 

Mưa lớn, gió mạnh làm nhiều nhà dân bị hư hại.
Mưa lớn, gió mạnh làm nhiều nhà dân bị hư hại.

(VLO) Những ngày qua, mưa lớn, gió mạnh đã xảy ra trên phạm vi toàn tỉnh. Sau mỗi trận mưa, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều ghi nhận có xảy ra thiệt hại do thiên tai. Thời tiết nguy hiểm mùa mưa bão đang gây ảnh hưởng ngày càng rõ nét đến sản xuất và đời sống của người dân.

Nhiều thiệt hại do mưa lớn, gió mạnh

Nếu như trong 6 tháng đầu năm nay, mưa giông gây thiệt hại trên 100 căn nhà thì chỉ trong tháng 7 này, số nhà bị mưa lớn, gió mạnh gây sập, tốc mái đã vượt con số trên.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh, trận mưa giông rạng sáng 25/7/2021 đã làm sập, tốc mái 75 căn nhà và 1 người tử vong.

Điều đáng nói ở trận mưa giông này, thiệt hại về nhà ở được ghi nhận tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Riêng tại huyện Vũng Liêm, mưa giông cũng làm đổ ngã nhiều cây ăn trái, lúa hiện chưa thống kê, đánh giá hết thiệt hại.

Sau khi sự cố xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh kết hợp Ban Chỉ huy PCTT- TKCN các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ cùng người dân địa phương hỗ trợ gia đình bị thiệt hại thu dọn, di dời đồ đạc, vật dụng tới nơi an toàn, sửa chữa, khắc phục các ngôi nhà bị hư hỏng, giúp dân ổn định cuộc sống.

Riêng trường hợp có người tử vong do thiên tai được hỗ trợ mai táng theo quy định, đồng thời hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch bệnh.

Trước đó không lâu, trong các ngày 20, 22 và 23/7/2021, mưa lớn, gió mạnh cũng đã xảy ra trên toàn tỉnh, làm hư hại 20 căn nhà tại TX Bình Minh, Tam Bình, Bình Tân, Mang Thít, Trà Ôn và Long Hồ. Ngoài ra, trên tuyến đê bao chợ Cái Kè (xã Mỹ Phước- Mang Thít) bị sạt lở một đoạn dài 15m.

Thời điểm đầu tháng 7, giông lốc cũng đã làm tốc mái 17 căn nhà, 5 trại gà, đổ ngã một số diện tích sầu riêng tại các huyện Long Hồ và Mang Thít.

Sau khi sự cố xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT- TKCN các địa phương kết hợp cùng chính quyền các xã- thị trấn tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ người dân.

Đồng thời, huy động lực lượng tại chỗ cùng với người dân địa phương hỗ trợ gia đình bị thiệt hại thu dọn, di dời đồ đạc, vật dụng đến nơi an toàn, sửa chữa, khắc phục các nhà bị hư hỏng, giúp dân ổn định cuộc sống.

Nhằm chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm, thời gian qua, Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh có công văn chỉ đạo các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa, giông cũng như các hình thái thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT- TKCN các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời thông báo, hướng dẫn cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thời tiết xấu, nhất là khu vực đô thị, khu dân cư tập trung và các khu vực nuôi cá lồng bè trên sông; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa giông kèm theo lốc, sét và gió giật mạnh.

Ứng phó thiên tai mùa mưa bão, lũ

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung đã ký công văn chỉ đạo về công tác sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong mùa mưa lũ năm nay, nhất là công tác ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều,… và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

Theo đó, một trong những nội dung chỉ đạo quan trọng được đề cập là công tác triển khai thực hiện duy tu các hệ thống cống thoát nước trên tuyến đường thường xuyên bị ngập lụt do mưa lớn, triều cường. Các tuyến cống mới sau khi hoàn thành phải đảm bảo đấu nối với các tuyến cống hiện hữu.

Nghiên cứu lắp đặt bổ sung các cửa van, cửa xả đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập úng, theo dõi, phân công lực lượng ứng trực, khi cần thiết vận hành máy bơm cơ động để bơm chống ngập úng khi xảy ra mưa lớn, triều cường, xả lũ.

Các địa phương cũng như chủ đầu tư, quản lý công trình thủy lợi, đê điều chủ động rà soát các công trình để kịp thời xử lý, khắc phục sự cố tại các vị trí xung yếu.

Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị sẵn sàng vật tư và nguồn nhân lực tại chỗ để kịp thời xử lý các sự cố bể bờ, tràn bờ gây ngập úng trong mùa mưa bão.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc qua, hiện tượng ENSO ở trạng thái trung tính từ nay đến tháng 9/2021 với xác suất khoảng 75- 80%, sau đó giảm xuống khoảng 50% vào cuối năm 2021.

Từ nay đến cuối năm, còn khoảng 9- 11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4- 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Do đó cần tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc trong những tháng mùa mưa bão.

Lũ trên sông Mekong đến muộn. Tổng dòng chảy từ thượng nguồn về hạ lưu có khả năng thiếu hụt từ 10- 20% so với trung bình nhiều năm.

Đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức báo động 1 đến báo động 2 và xuất hiện vào nửa đầu tháng 10. Từ tháng 10- 12/2021, mực nước tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

Đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 2 đến báo động 3, một số trạm trên báo động 3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng ven sông, trũng thấp, nhất là TP Cần Thơ, Vĩnh Long.

Với phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống, ứng phó thiên tai, toàn tỉnh có khả năng huy động 11.386 người, gồm các lực lượng: Ban Chỉ huy PCTT- TKCN các cấp, các ngành, quân sự, công an và các lực lượng khác. 9.082 phương tiện trang thiết bị các loại, cùng vật tư, lương thực, nhu yếu phẩm.

Toàn tỉnh hiện có 107 xã- phường- thị trấn thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã với 8.415 thành viên. Đây cũng là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Khi có thiên tai xảy ra, lực lượng này được huy động kịp thời, nhanh chóng có mặt ngay từ giờ đầu để hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, di dời dân đến nơi an toàn, dọn dẹp cây cối, nhà cửa bị gãy, sập, hư hỏng.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh