Cục Thống kê Vĩnh Long vừa công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2021. Tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức, song, các cấp, các ngành rất quan tâm, tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Siết chặt phòng chống dịch COVID- 19 để bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. |
(VLO) Cục Thống kê Vĩnh Long vừa công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2021. Tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức, song, các cấp, các ngành rất quan tâm, tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Kinh tế tăng trưởng 4,49%
Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát khá tốt từ quý IV/2020, các ngành đã tăng cường và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh; công nghiệp, thương mại, dịch vụ đều có sự phục hồi nhanh và phát triển khá.
Bên cạnh, xuất khẩu tăng cao do có những lợi thế sau khi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) có hiệu lực và kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhờ nỗ lực tiêm vắc xin phòng dịch COVID- 19…
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 16.307 tỷ đồng, tăng 4,49%; tốc độ tăng GRDP cao hơn 2,89 điểm phần trăm so cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực (dù tốc độ còn chậm): tỷ trọng ngành nông nghiệp và xây dựng là 18,5%; các ngành dịch vụ chiếm 45%.
Sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, nhất là việc dự báo nhằm chủ động phòng chống ảnh hưởng của xâm nhập mặn, ứng phó với các đợt triều cường, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Sản xuất nông nghiệp có mức tăng khá so cùng kỳ.
Trong đó, lúa Đông Xuân có diện tích gieo trồng là 47.456ha, năng suất đạt 70,65 tạ/ha (tăng 2,71%). Cây lâu năm tăng diện tích và sản lượng thu hoạch với 61.479ha, sản lượng 458.000 tấn (tăng hơn 5%).
Dịch bệnh từng bước được kiểm soát tốt, giá cả thị trường đầu ra sản phẩm chăn nuôi ổn định nên tổng đàn heo, đàn bò và gia cầm đều tăng. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 75.931 tấn, tăng 0,85% so cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 12%. Tính đến 15/6/2021, có 175 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.750 tỷ đồng (tăng hơn 12% về số lượng và gần 33% về vốn).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 30.260 tỷ đồng, tăng gần 12%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 323 triệu USD, tăng hơn 28% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước 3.910 tỷ đồng, đạt 52,54% dự toán năm…
An sinh xã hội ổn định
Ông Hà Văn Ban- Cục trưởng Cục Thống kê Vĩnh Long- thông tin: Cùng với phát triển kinh tế, các cấp chính quyền đã ban hành kịp thời nhiều chính sách, biện pháp với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, chăm sóc sức khỏe của nhân dân; ổn định sản xuất kinh doanh; các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch được triển khai và phát huy hiệu quả tích cực; ổn định việc làm và an sinh xã hội.
Dân số trung bình của tỉnh năm 2021 ước hơn 1 triệu người (khu vực nông thôn chiếm hơn 77%, còn lại ở khu vực thành thị). 6 tháng đầu năm, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc có 589.500 người (hơn 56% làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; còn lại ở khu vực nông nghiệp).
Tỷ lệ thất nghiệp ước 2,76% (khu vực thành thị hơn 5%, nông thôn hơn 2%). Theo đó, hầu hết doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động bình thường, việc làm và thu nhập của người lao động vẫn đảm bảo.
Cùng với đó, lĩnh vực giáo dục, thể thao đạt nhiều thành tích nổi bật. Đặc biệt, ngành y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống, giám sát chặt chẽ dịch COVID- 19 từ tuyến tỉnh đến cơ sở; chủ động giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó xử lý kịp thời.
Theo ông Hà Văn Ban, bên cạnh những thuận lợi thì từ đầu tháng 5/2021, dịch COVID- 19 tiếp tục lan rộng ở nhiều tỉnh- thành và ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải, đầu ra của một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn (nhất là khoai lang tím)…
Thu nhập của đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng, nhất là người lao động tự do, buôn bán hàng rong, nhỏ lẻ.
6 tháng cuối năm, các cấp, các ngành cần chủ động theo dõi sát tình hình, tranh thủ tốt các cơ hội và đề ra các giải pháp ứng phó kịp thời với các biến động kinh tế, cũng như các diễn biến bất lợi xảy ra nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
“Trước mắt, cần thực hiện nghiêm các giải pháp nhằm kiểm soát tốt dịch COVID- 19; nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin; chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực và vật chất sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra, không chủ quan, lơ là”- ông Hà Văn Ban nhấn mạnh.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin