Cần cách tiếp cận và giải pháp mới trong chống dịch COVID-19

06:07, 31/07/2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định dịch COVID-19 là dịch bệnh thế kỷ, chưa có thuốc chữa nên "cuộc chiến" phòng, chống dịch còn trường kỳ, ngay cả khi đã có vắc xin ngừa COVID-19. Theo Thủ tướng, cần có cách tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế".

 

Các địa phương cần tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 kịp thời, hiệu quả, an toàn, không để lãng phí vắc xin và thời gian.
Các địa phương cần tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 kịp thời, hiệu quả, an toàn, không để lãng phí vắc xin và thời gian.

(VLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định dịch COVID-19 là dịch bệnh thế kỷ, chưa có thuốc chữa nên “cuộc chiến” phòng, chống dịch còn trường kỳ, ngay cả khi đã có vắc xin ngừa COVID-19. Theo Thủ tướng, cần có cách tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn trường  kỳ

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 và phương án tổ chức, triển khai thực hiện nội dung, nhiệm vụ được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 30/7.

Theo thông tin từ hội nghị, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trong nước và thế giới. Các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Châu Âu và Mỹ thì dịch cũng đang bùng phát trở lại. Tại Châu Âu ghi nhận hàng triệu ca mắc mới sau 8 ngày. Tâm dịch đã chuyễn sang Châu Á, Nam Á, Châu Phi và Brazin.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh và gia tăng ca mắc trong thời gian rất ngắn, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế.

“Do đó việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị là cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tất cả các quốc gia trong giai đoạn này. Tất cả các quốc gia đều cảnh báo không thể chủ quan với biến thể Delta đang phá vỡ và làm đảo lộn tất cả các thành tựu chống dịch của nhiều quốc gia” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Về tình hình dịch tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận trên 126.561 ca, trong đó có  trên 125.000 ca trong nước, trên 29.000 người đã khỏi bệnh, 828 ca tử vong.

COVID-19 ở các tỉnh phía Nam tiếp tục phức tạp với vùng dịch lớn nhất là TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 86.000 ca nhiễm, Bình Dương xếp thứ hai với hơn 12.600 ca.

Có 5/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng).

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin trong vòng 11 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và 6 ngày giãn cách tại TP. Hà Nội, cả nước ghi nhận 74.434 ca mắc. “Chúng tôi nhận định, hiện dịch đang ở giai đoạn tấn công.

Đối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, thực hiện giãn cách xã hội chỉ làm phẳng hoá đường cong của lây nhiễm.”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cần hết sức lưu ý tình trạng trở nặng của người bệnh sẽ diễn ra ở giai đoạn này và “trong vòng một thời gian ngắn nữa sẽ có nhiều bệnh nhân nặng. Đây chính là đặc điểm dịch tễ của đợt dịch lần này”.

Bộ Y tế cũng nhận định tình hình dịch tới đây sẽ còn những diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể sẽ gia tăng nhanh. Do đó, các địa phương phải nâng cảnh báo phòng chống dịch lên mức rất cao.

Tại hội nghị, các địa phương thông tin tình hình dịch bệnh, những nguyên nhân khách quan, chủ quan và những bài học thành công, chưa thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang- Dương Văn Thái chia  sẻ: “Bắc Giang chiến thắng dịch bệnh COVID-19 là chiến thắng của lòng dân, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị còn có sự đồng lòng của người dân, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân”.

Tại tỉnh Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh uỷ Đào Hồng Lan chia sẻ những kinh nghiệm chống dịch Bắc Ninh đã và đang tiếp tục triển khai để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn đã cơ bản được khống chế, để bảo vệ thành quả chống dịch, tỉnh tiếp tục duy trì 40 tổ công tác rà soát từng doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất; thành lập Tổ công tác “3 Nhất” hoạt động 24/24h, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp.

Tiếp tục duy trì các biện pháp chống dịch tại chỗ như: Thực hiện “3 cùng”, tổ chức cho công nhân ăn 3 bữa tại công ty, nhà máy, yêu cầu cam kết thực hiện nguyên tắc “2 điểm, 1 cung đường”...; duy trì và phát huy hiệu quả Tổ An toàn COVID tại doanh nghiệp.

Đã có 1.100 doanh nghiệp với tổng số hơn 320.000 công nhân trở lại làm việc bình thường, sản xuất công nghiệp dần phục hồi. Các giải pháp chống dịch được doanh nghiệp, người dân đồng tình, ủng hộ.

Thay đổi chính sách ưu tiên về vắc xin phòng COVID-19

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định dịch sẽ còn căng thẳng cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin hoặc có thuốc đặc trị. Vì vậy, các địa phương phải rất cảnh giác, luôn luôn trong tình trạng có dịch.

Phó Thủ tướng cũng kêu gọi tất cả lãnh đạo các tỉnh, thành trong thời điểm này nhường một phần vắc xin để TP Hồ Chí Minh tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng sớm nhất. Lúc này từng liều vắc xin cực kỳ quý giá giúp thành phố chống dịch.

Theo Phó thủ tướng, nếu các địa phương hưởng ứng chủ trương này, TP Hồ Chí Minh sẽ kêu gọi lao động ngoại tỉnh ở lại tiêm vắc xin. Sau khi tiêm xong, thành phố sẽ cho công nhân đi làm tiếp để vừa có thu nhập, giảm bớt cứu trợ, vừa giúp mọi người được làm việc trong trạng thái bình thường mới.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dịch bệnh COVID-19 với vi rút SARS-Cov-2 và các biến thể là căn bệnh thế kỷ, nguy hiểm, tạm thời chưa có thuốc chữa, vì vậy, phải có chiến lược tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới hơn.

Thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường, Thủ tướng chỉ đạo cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, triệt để, đồng bộ các giải pháp thì mới có thể kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh một cách hiệu quả; kiên trì thực hiện mục tiêu kép, dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, không để khủng hoảng truyền thông, tất cả vì ấm no, hạnh phúc, an toàn cho người dân.

Theo Thủ tướng, phòng ngừa là cơ bản, là chiến lược, cộng với vắc xin và ý thức của người dân, các biện pháp công nghệ thì mới thích ứng với điều kiện chống dịch trong tình hình mới.

Thủ tướng nêu rõ yêu cầu thay đổi chính sách ưu tiên về vắc xin. Theo đó, ngoài các lực lượng tuyến đầu, tình nguyện, các tổ COVID-19 cộng đồng, người cao tuổi, những người tham gia các chuỗi cung ứng sản xuất, Thủ tướng tán thành với nhiều ý kiến tại cuộc họp là phải ưu tiên vắc xin cho TP Hồ Chí Minh.

Thủ tướng kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vắc xin cho TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương...

Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn tính toán cụ thể mức độ ưu tiên phù hợp với tình hình và khả năng cung ứng.

Cùng với đó thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu, chuyển giao để Việt Nam sớm làm chủ công nghệ, tự sản xuất vắc xin trong nước, hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Đối với các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, yêu cầu việc thực hiện giãn cách chặt chẽ, thật nghiêm: Hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở để mỗi cơ sở là một pháo đài, mỗi người dân là chiến sĩ chống dịch; chấp hành nghiêm, chấp hành đúng các quy định của các cấp, tuân thủ giãn cách, "ai ở đâu ở đấy".

Song, cần linh hoạt để bảo đảm phục vụ nhân dân các điều kiện thiết yếu nđáp ứng 3 yêu cầu: hỗ trợ tối đa người dân về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; các nhu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát.

Trong công tác y tế, tổ chức phân loại, phân tầng điều trị bảo đảm kịp thời, đầy đủ nhân lực, vật tư phòng, chống dịch, giảm tối đa tử vong.

Việc phong tỏa, cách ly phải triệt để, kết hợp với các chính sách, biện pháp để kiềm chế đỉnh dịch và kéo số ca mắc đi xuống. Ngoài các biện pháp chung, các địa phương này thực hiện một số biện pháp riêng, đặc thù theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh