Quê hương Vĩnh Long- vùng đất địa linh đã sinh ra nhân kiệt, những hiền tài có công với nhân dân, với Tổ quốc. Người Vĩnh Long cất tiếng gọi bác Hai trìu mến, luôn nhớ về Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng với sự kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc một người con đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.
Khu Lưu niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng khánh thành năm 2004 là nơi để thế hệ sau tưởng nhớ bác Hai. |
Quê hương Vĩnh Long- vùng đất địa linh đã sinh ra nhân kiệt, những hiền tài có công với nhân dân, với Tổ quốc. Người Vĩnh Long cất tiếng gọi bác Hai trìu mến, luôn nhớ về Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng với sự kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc một người con đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.
Người chiến sĩ cộng sản vì nước, vì dân
Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng được sinh ra tại làng Long Hồ, quận Châu Thành (nay là xã Long Phước- Long Hồ) giàu truyền thống anh hùng. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, người thanh niên tên Phạm Văn Thiện đã bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Bộ.
76 mùa xuân, 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Hùng đã sớm phải đối diện với những thử thách vô cùng khắc nghiệt. Trong đó, gần 15 năm bị giam cầm trong các nhà tù thực dân, từng bị kết án tử hình, từng bị đày ra Côn Đảo. Dù kẻ thù dùng mọi thủ đoạn từ mua chuộc, dụ dỗ đến cực hình tra tấn dã man, tàn bạo ở “địa ngục trần gian” nhưng đồng chí vẫn luôn nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cộng sản trước kẻ thù và luôn lạc quan, giữ vững niềm tin vào lý tưởng, thắng lợi của cách mạng của Đảng...
Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Hùng luôn đứng nơi đầu sóng ngọn gió, dù trong lao tù đế quốc, trên những chiến trường ác liệt, trước những bước ngoặt của cách mạng hay trước những nhiệm vụ mới nặng nề, đầy khó khăn phức tạp…
Đồng chí Phạm Hùng là một trong những nhà chiến lược của cách mạng Việt Nam, là học trò trung thành với sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông có tư duy độc lập, tự chủ trong công vụ và rất tôn trọng ý kiến đóng góp của tập thể; có tác phong làm việc khoa học, sâu sắc, tỉ mỉ, có tầm khái quát, bám sát đường lối của Đảng, giữ vững nguyên tắc, nhưng linh hoạt trong giải quyết công việc.
Dù ở hoàn cảnh nào, Phạm Hùng luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt, gần gũi nhân dân từ những chuyện nhỏ cho đến vấn đề phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch viết dòng cảm tưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nguyện noi gương bác Hai bảo vệ Tổ quốc. |
Là người may mắn có dịp tiếp xúc, làm việc với đồng chí Phạm Hùng, nên đồng chí Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long- có nhiều tư liệu hay, kỷ niệm khó quên về đồng chí Phạm Hùng. Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng kể: “Có năm miền Đông đang lúc bão lụt rất khó khăn, người quản lý văn nghệ đề nghị văn nghệ sĩ về miền Tây đi thực tế sáng tác, vừa sáng tác nhưng đồng thời cũng là “chạy gạo” kiếm cơm.
Bác Hai Phạm Hùng mới hỏi tại sao là miền Tây, trong khi miền Đông đang bão lụt, dân gặp khó khăn vô cùng, phải cho anh em nghệ sĩ hòa mình nắm bắt hơi thở cuộc sống. Những tác phẩm ra đời ở miền Đông thời kỳ đó như “Nhạc rừng”, “Lên ngàn”… có nhiều giá trị cổ vũ tinh thần và có sức sống lâu bền đến hôm nay”.
Tấm gương sáng cho thế hệ mai sau
Thế hệ trẻ hôm nay chỉ biết những năm tháng chiến đấu gian khổ của ông cha qua trang sách. Nghe những câu chuyện kể, đến những di tích là cách để hiểu, thấm thía lòng biết ơn, trân quý giá trị của hòa bình.
Đến Tây Ninh, ở Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, chị Mai Thị Hồng Nhung (Chi đoàn Trường Chính trị Phạm Hùng) men theo con đường rừng quanh co đến thăm ngôi nhà lá mà bác Hai Phạm Hùng từng ở và giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục trong một thời gian dài (1967- 1975). Trong căn nhà, các vật dụng mà các đồng chí lãnh đạo đã từng sử dụng trong những năm tháng kháng chiến như: chõng tre, tủ, kệ, bàn, ghế, tài liệu, túi da, bút, đài, đèn,… đều được để đúng vị trí như trước đây.
Chị Hồng Nhung xúc động cho biết: “Lần đầu tiên đến thăm nơi ở của các đồng chí Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh… tôi vô cùng tự hào khi được ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc. Tận mắt thấy nơi ăn, chốn ở, những chứng tích, những chiến công chúng ta nên học hỏi, biết ơn thế hệ đi trước đã sống, chiến đấu với tinh thần quả cảm. Qua đó tiếp tục xây dựng đất nước ngày càng phát triển”.
Em Nguyễn Ngọc Trân- lớp 10A6, Trường THCS- THPT Phú Quới (Long Hồ) thì được tham gia buổi nói chuyện chuyên đề kỷ niệm 60 năm chiến thắng Cái Sơn và 108 năm ngày sinh Cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng.
“Em hiểu thêm về cuộc đời hoạt động cách mạng, cống hiến của bác Hai cho dân tộc và cho quê hương Vĩnh Long. Em thật sự rất khâm phục thế hệ cha ông hết lòng vì nước. Chúng em phải cố gắng học tập để không phụ lòng thế hệ ngày trước, đã hy sinh cho thế hệ sau này có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chúng em cũng phải cố gắng phấn đấu để xứng đáng với những hy sinh đó”- Ngọc Trân chia sẻ.
Các bạn trẻ tỉnh Vĩnh Long đến thăm nơi ở của bác Hai Phạm Hùng ở Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam. |
Lịch sử cách mạng Việt Nam lưu danh bác Hai Phạm Hùng. Dòng văn hóa sông nước Cửu Long đã sản sinh cho đất nước một người con khí tiết, kiên trung, vẹn nghĩa vẹn tình với đồng bào, sáng mãi cùng hậu thế. Bên dòng sông nhỏ có tên “Ông Me”, Khu lưu niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng giờ đây là hình ảnh thân quen, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Những con đường, ngôi trường, công trình mang tên Phạm Hùng cũng là tình cảm nhớ thương người con của quê nhà. Về thăm Khu lưu niệm, dòng người thành kính dâng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm tưởng nhớ những đóng góp to lớn của bác Hai. Ghi vào sổ cảm tưởng tại đây, Đại tướng Ngô Xuân Lịch- nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng- khẳng định: “Quân đội nhân dân Việt Nam nguyện noi gương đồng chí Phạm Hùng, quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin