Nghề báo, nghề của đam mê!

10:06, 21/06/2021

Trong thực tế, mỗi người đến với nghề báo đều theo một cái duyên riêng. Có người chủ động chọn nghề hoặc nghề chọn họ. Song, dù trường hợp nào thì một nhà báo cũng không thể theo đuổi được nghề nếu không có niềm đam mê và nhiệt huyết.

(VLO) Biển cả mênh mông, núi cao hiểm trở, đồng ruộng sình lầy, thời tiết khắc nghiệt, hay dịch bệnh nguy hiểm,… những người làm báo vẫn mạnh mẽ dấn thân.

Trong thực tế, mỗi người đến với nghề báo đều theo một cái duyên riêng. Có người chủ động chọn nghề hoặc nghề chọn họ. Song, dù trường hợp nào thì một nhà báo cũng không thể theo đuổi được nghề nếu không có niềm đam mê và nhiệt huyết.

Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, những phóng viên chúng tôi lại có dịp tâm sự về nghề nghiệp, về những cảm nghĩ của mình trong hành trình đầy khó khăn vất vả nhưng cũng rất đỗi vinh quang.

Nhà báo Bích Vân. Hình ảnh do nhân vật cung cấp
Nhà báo Bích Vân. Hình ảnh do nhân vật cung cấp


Nhà báo Lê Thị Bích Vân- Đài PTTH Vĩnh Long: Phía sau những tác phẩm là trí tuệ, sức lực, có cả máu…

“Gắn bó với nghiệp báo gần 36 năm, những kỷ niệm buồn vui trong nghề khó mà kể hết. Tôi thích những cuộc hành trình đi và viết “từ ruộng đồng, từ bưng biền, từ rừng sâu, từ núi cao”.

Và những lần gặp khó khăn khi tác nghiệp, càng giúp tôi trưởng thành hơn, có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về cuộc sống, về con người. Kỷ niệm đẹp nhất, ghi đậm dấu ấn hai thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời làm báo của tôi, đó là hai chuyến công tác lên rừng và xuống biển.

Lội bộ 30km trong đêm xuyên những cánh rừng rễ tràm, đước cắt chân đau điếng, muỗi như vãi trấu ở vùng Đông Hải, Dân Thành, Trường Long Hòa…trong chuyến thực hiện đề tài nghiên cứu vùng nuôi thử nghiệm thức ăn cho thủy sản của Viện nghiên cứu biển Nha Trang– là chuyến đi khởi đầu cho những cuộc hành trình khó quên trong cuộc đời làm báo của mình.

Đến chuyến xuống biển đầy tự hào nhưng cũng lắm cam go, gian khổ trong suốt 20 ngày đêm, rong ruổi 2.000 km đường để đến với các chiến sĩ Nhà giàn, qua loạt ký sự “Những pháo đài thép trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc”. Hai chuyến công tác trong hai thời điểm quan trọng, ghi đậm dấu ấn từ khi mới bước chân vào nghề đến những năm cuối trong quá trình tác nghiệp của mình…

Còn biết bao chuyện vui buồn đời làm báo không thể nào kể hết. Chỉ biết rằng phía sau những tác phẩm là cả sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả máu và nước mắt của những người làm báo chúng tôi”.

Nhà báo Phan Trường Sơn. Hình ảnh do nhân vật cung cấp
Nhà báo Phan Trường Sơn. Hình ảnh do nhân vật cung cấp


Nhà báo Phan Trường Sơn – Đài PTTH Vĩnh Long: “Xin cám ơn vì nghề báo đã chọn tôi!”

“Tôi may mắn được Nghề báo chọn. Gần 15 năm gắn bó với nghề báo, tôi thấy rằng, tôi rất yêu nghề này. Bởi nhiều lẽ. Nghề báo cho tôi một góc nhìn khoa học về cuộc sống, về những vấn đề đã, đang xảy ra trong dòng chảy thông tin.

Nghề báo cho tôi nhiều kiến thức để làm tăng “vốn con người”. Bởi khi muốn viết một cái tin hay một bài phóng sự, bắt buộc chúng ta phải đọc rất nhiều, dần dà kiến thức cứ đầy thêm.

Nghề báo cho tôi kỹ năng phản biện tích cực. Khi tiếp cận thông tin, sự kiện nào bất kỳ, kỹ năng phản biện là thứ vũ khí quan trọng mà nhà báo dùng nó để nhận định vấn đề và chọn hướng tiếp cận phù hợp nhất.

Nghề báo cho tôi may mắn là được gặp rất nhiều người, từ những người dân bình thường đến những người có địa vị trong xã hội. Qua những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc đó, giúp tôi học hỏi được nhiều điều.

Làm báo bây giờ khó hơn trước, bởi sự xuất hiện của mạng xã hội. Nếu trước đây, công chúng đơn thuần chỉ là đối tượng tiếp nhận thì hiện nay, công chúng cũng có thể làm báo được, bởi những thông tin mà họ đăng lên mạng xã hội trên trang cá nhân của mình. Do đó, để trụ vững với nghề, nhà báo phải rất nỗ lực để trong ma trận thông tin, công chúng sẽ chọn được những tin tức có giá trị từ nhà báo cung cấp”.

 

Nhà báo Thành Liêm. Hình ảnh do nhân vật cung cấp
Nhà báo Thành Liêm. Hình ảnh do nhân vật cung cấp


 Nhà báo Lê Thành Liêm- Báo Vĩnh Long: “Vui buồn của tôi gắn liền với niềm vui nỗi buồn của người nông dân…”

“Là một phóng viên phụ trách mảng kinh tế nông nghiệp với hơn 10 năm công tác tại Báo Vĩnh Long- cũng chừng đó thời gian tôi có dịp gắn bó với người nông dân, với mưa nắng ruộng đồng.

Có thể nói, đối với tôi, vui- buồn của nghề báo gắn liền với những vui- buồn của người nông dân. Vui theo những vụ mùa bội thu, trăn trở trước những biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu, những tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh lên cây trồng, vật nuôi.

Còn nhớ những năm đồng bằng vắng lũ- phải đi tìm mùa nước nổi phía thượng nguồn. Rồi tới mùa khô hạn, lại về cuối nguồn theo dấu con nước mặn chực chờ xâm nhập ở những cửa sông.

Một cán bộ quản lý của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã từng chia sẻ, nếu như trước đây công tác phòng chống thiên tai chủ yếu trong mùa mưa bão thì nay thiên tai diễn ra… quanh năm! Mùa mưa thì đề phòng bão, lốc xoáy, triều cường, sạt lở.

Mùa khô thì lo hạn hán- xâm nhập mặn. Thiên tai diễn biến ngày càng khó lường nên công tác phòng chống thiên tai cũng vì thế mà khó khăn hơn.

Là một phóng viên phụ trách mảng kinh tế nông nghiệp và cả phòng chống thiên tai, tôi tự nhận thấy mình khi tác nghiệp mảng đề tài này, không chỉ chạy theo bề nổi của sự việc mà cần có sự dấn thân, nhập cuộc, để những bài báo mang nội dung tuyên truyền về phòng chống thiên tai ngày càng ít đi những những con số thiệt hại, thay vào đó là những mô hình hay, cách làm sáng tạo ứng phó hiệu quả với thiên tai, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu”.

Nhà báo Tuyết Hiền. Hình ảnh do nhân vật cung cấp
Nhà báo Tuyết Hiền. Hình ảnh do nhân vật cung cấp


Nhà báo Đặng Thị Tuyết Hiền- Báo Vĩnh Long: “Nghề báo cần có đam mê, máu lửa…”

“Tìm đến ngọn nguồn sự thật” là mục tiêu lớn nhất mà một người làm báo phải theo đuổi. Trong nhiều tình huống, người làm báo phải dám trả giá để có những tác phẩm hay, nóng rẫy tính thời sự và mang hơi thở cuộc sống.

Sự trả giá đó không thể so với những khốc liệt của chiến tranh trước đây, nhưng đủ để ngày nay người ta vẫn gọi nghề báo là một trong những “nghề nguy hiểm”.

Thỉnh thoảng, qua thông tin của báo chí, lại có những thông tin về các vụ phóng viên bị hành hung, phóng viên hy sinh trên đường tác nghiệp khi đi vào vùng bão lũ, do tai nạn giao thông…

Hiện nay, khi Việt Nam và các nước trên thế giới đang chiến đấu với đại dịch COVID- 19, không ít người làm báo phải đi vào tâm dịch, tác nghiệp ở môi trường có nguy cơ dịch bệnh cao để mang đến những thông tin nóng hổi, thiết thực cho độc giả, khán giả.

Nói như thế để thấy rằng, muốn gắn bó với nghề báo cần có đam mê, máu lửa. Vì chỉ khi có đam mê mới xông xáo đi vào cuộc sống, dấn thân vào những nơi đầu sóng ngọn gió, những điểm nóng nguy hiểm, kiên trì theo đuổi “đến nơi đến chốn một vấn đề”… để tạo ra “những tác phẩm báo chí hay tại thời điểm đó”.

Hơn 10 năm theo nghề báo, tôi cảm ơn nghề đã cho tôi nhiều trải nghiệm, những chuyến đi và rất nhiều bài học quý.

Bài: NGỌC LIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh