Đó là đóng góp của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) khi làm việc với tỉnh Vĩnh Long (10- 12/5/2021) về thiết kế cơ sở chuẩn bị thực hiện Dự án Phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu TP Vĩnh Long (gọi tắt là dự án). Cải tạo những dòng kinh sẽ góp phần đưa thành phố này hướng đến "Thành phố xanh ven sông- thành phố giao lưu, hiện đại" trong tương lai...
Đó là đóng góp của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) khi làm việc với tỉnh Vĩnh Long (10- 12/5/2021) về thiết kế cơ sở chuẩn bị thực hiện Dự án Phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu TP Vĩnh Long (gọi tắt là dự án). Cải tạo những dòng kinh sẽ góp phần đưa thành phố này hướng đến “Thành phố xanh ven sông- thành phố giao lưu, hiện đại” trong tương lai...
Rạch Cái Cá được xây kè là một điển hình để từng bước thành “công viên nước” trong lòng TP Vĩnh Long. |
Yếu tố để kinh, rạch trở thành công viên nước
Theo các chuyên gia WB, phát triển đô thị xanh ven sông đã và đang là xu thế của nhiều quốc gia, như New York bên dòng Hudson, Paris bên dòng sông Seine, Melbourn bên sông Yarra… và ngay như TP Hồ Chí Minh phát triển dọc bờ sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông. TP Hà Nội cũng đang hoàn thiện đồ án quy hoạch thành phố đôi bờ sông Hồng, quy hoạch nhiều khu vực theo hướng đô thị xanh nhưng thu hút quan tâm nhất là thành phố xanh Ecopark- khu đô thị có quy mô trên 500ha, sở hữu hàng trăm héc ta cây xanh, mặt nước, hồ cảnh quan...
Xây dựng công viên nước hay bất cứ các loại công viên nào đều phải có: cây xanh, ghế ngồi nghỉ mát, các con đường nhỏ dùng cho người tản bộ, vườn hoa, các ki ốt, nước, hệ thực vật và động vật và các khu vực cỏ… là nơi vui chơi, giải trí đại chúng, đảm bảo cho người ở các lứa tuổi có thể tìm được không gian yên tĩnh, thư giãn, nghỉ ngơi, tham quan và hoạt động văn hóa, thể dục dưỡng sinh.
Muốn làm những dòng kinh, rạch trong đô thị thành những công viên nước thì không những cần các yếu tố vừa nêu mà kinh, rạch cần phải có nước và nguồn nước trong xanh không bị ô nhiễm và đặc biệt là các loài thủy sinh, thủy sản sống được trong đó.
Cũng theo các chuyên gia WB, cùng với cây xanh, hệ thống sông ngòi, kinh, rạch đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện môi trường sinh thái, làm điều hòa tiểu khí hậu cho các đô thị. Hiện tại, nhiều kinh, rạch của TP Vĩnh Long có đủ điều kiện để có thể xây dựng những công viên nước nhưng đòi hỏi quyết tâm của chính quyền và nhân dân của tỉnh và thành phố!
Hạn chế của những dòng kinh ở TP Vĩnh Long
TP Vĩnh Long có hệ thống kinh, rạch dày đặc với trên 160 tuyến kinh, rạch dài hơn 120.000m có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc điều tiết dòng chảy trên địa bàn thành phố, dẫn nước tưới tiêu cho vùng ngoại thành và cải thiện môi trường nước cho vùng nội thành.
Tuy nhiên hiện tại nguồn nước trong hệ thống kinh, rạch ở thành phố (nhất là ở vùng lõi) phần lớn bị ô nhiễm do nước thải, nước mưa từ các khu sản xuất- kinh doanh- dịch vụ, khu dân cư… không được xử lý. Nhiều kinh, rạch bị lấp, bị lấn, bị chặn dòng, bị bồi lắng do quá trình đô thị hóa nhanh và kiểm soát không chặt chẽ!
Nhiều kinh, rạch ở TP Vĩnh Long như rạch Cá Trê bị bồi lắng, lấn dòng do quá trình đô thị hóa nhanh. |
Hiện nay, trừ các sông, rạch lớn và kinh, rạch nằm ngoài vùng đê bao ở các phường ngoại thành còn dẫn nước tốt, ít bị ô nhiễm, còn vai trò tưới tiêu phục vụ nông nghiệp, thủy sản (như sông Tiền- sông Cổ Chiên, sông Long Hồ, rạch Cái Cá, Cái Cam, Cái Đôi, Cái Đôi Lớn, Cái Da Lớn); còn các kinh, rạch nhỏ còn lại (nhất là vùng nội thành) nhìn chung năng lực dẫn nước kém, bị ô nhiễm, phần lớn chỉ để thoát nước thải là chính.
Một hạn chế nữa của hệ thống kinh, rạch ở thành phố là trữ nước kém do đa số là kinh hở, nước trong kinh lên xuống theo thủy triều và do liên thông với các kinh, rạch khác của huyện Long Hồ, với tỉnh Đồng Tháp nên khó kiểm soát ô nhiễm nguồn nước.
Kỳ vọng từ dự án phát triển đô thị
Ngày 9/12/2020, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 3306/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương thực hiện dự án nêu trên. Dự án tập trung đầu tư cho khu vực lõi đô thị bao gồm các phường: 1, 2, 3, 4, 5, 8, 9 và một phần xã Tân Hạnh (Long Hồ) giáp với Phường 8, Phường 9. Một trong những mục tiêu của dự án là cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường thông qua các hoạt động như tiến hành thu gom, xử lý nước thải tại khu vực đô thị trung tâm. Thời gian thực hiện: năm 2021- 2025.
Dự án gồm 4 hợp phần, trong đó thiết kế sơ bộ hợp phần “Giảm thiểu lũ lụt và thoát nước đô thị nhằm giảm thiểu lũ lụt cho khu vực trung tâm đô thị”, đơn vị tư vấn và các sở, ngành tỉnh có liên quan, địa phương đề xuất xây dựng kè sông kết hợp với các cống ngăn triều (trong đó có kè sông Long Hồ dài khoảng 6km), cải tạo hệ thống kinh, rạch thoát nước chính và đầu tư hệ thống cống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải.
Dự án dự kiến xây dựng 8 cống ngăn triều có chiều rộng thoát nước từ 7-12m tại các đầu kinh, rạch, như: rạch Cầu Lầu (Phường 1, Phường 4), kinh Cụt (Phường 1, Phường 3), rạch Cầu Kè, rạch Long Thanh (Phường 5), rạch Tân Hữu (Phường 2, Phường 8), rạch Ngã Cạy (Phường 9) và rạch Cà Dăm (xẻo Lá), rạch Ba Gai (xã Tân Hạnh), các cống có kết hợp điều tiết nước, trữ nước cho các kinh này.
Đề xuất thực hiện nạo vét, cải tạo 3 tuyến kinh, rạch thoát nước chính, như rạch Cá Trê, Tân Hữu và Bình Lữ theo hướng tránh phá vỡ cảnh quan hiện có, giữ lại và trồng mới để tôn tạo mảng cây xanh hiện có ven bờ kinh; phấn đấu khôi phục lại những đoạn kinh bị lấn, bị lấp hoặc bồi lắng…
Đầu tư xây dựng hệ thống cống thoát nước mưa riêng với hệ thống nước thải ở một số khu vực; xây dựng khu thu gom, trữ và xử lý nước thải đảm bảo khi nước thải ra hệ thống kinh, rạch đạt tiêu chuẩn môi trường.
Theo đơn vị tư vấn, biện pháp thi công hệ thống cống thoát nước mưa, nước thải sẽ thi công kéo ống ngầm bằng công nghệ hiện đại- khoan ngầm định hướng HDD, không đào hở để tránh ảnh hưởng ít nhất đến công trình hiện có bên trên. Đầu tư hệ thống cống này cùng với khu thu gom, xử lý nước thải và tổ chức quản lý tốt nguồn rác thải là một trong những yếu tố quyết định góp phần tạo môi trường nước cho những dòng kinh, rạch trong thành phố thêm trong lành.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn- Giám đốc Ban quản lý ODA tỉnh Vĩnh Long, dự án đang ở bước thiết kế cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng công trình sẽ trình UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt chậm nhất vào giữa tháng 7/2021, sớm triển khai dự án được tài trợ từ WB này thực hiện theo đúng kế hoạch. Kỳ vọng dự án sẽ là động lực thúc đẩy cải thiện cảnh quan môi trường nói chung và hệ thống kinh, rạch ở TP Vĩnh Long nói riêng trong tương lai, góp phần giúp thành phố này hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt của đô thị loại II vào năm 2025 và trở thành đô thị loại I sau năm 2030.
Bài, ảnh: MỸ TRUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin