UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị (ĐT) TX Bình Minh đến năm 2030, cụ thể hóa định hướng, huy động nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng tham gia vào công tác phát triển ĐT.
(VLO) UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị (ĐT) TX Bình Minh đến năm 2030, cụ thể hóa định hướng, huy động nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng tham gia vào công tác phát triển ĐT.
Chương trình xác định những tuyến đường giao thông động lực. |
Ông Nguyễn Thành Phương- Trưởng Phòng Quản lý ĐT thị xã- cho biết, hiện phòng đang tiến tới lập kế hoạch cụ thể để triển khai chương trình.
3 khu vực phát triển ĐT
Theo chương trình, các khu vực phát triển của ĐT Bình Minh gồm: khu ĐT trung tâm (khu ĐT truyền thống); Khu ĐT- thương mại Thuận An; Khu ĐT dịch vụ- công nghiệp- kho vận Đông Thuận.
Khu ĐT trung tâm quy mô khoảng 933ha ở phía Tây thị xã gồm: phường Thành Phước, phần lớn phường Cái Vồn và một phần phường Đông Thuận, xã Thuận An, xã Mỹ Hòa.
Ở khu vực này, phát triển các loại đất ở hiện hữu cải tạo chỉnh trang và xây dựng mới, đất dịch vụ công cộng, thương mại dịch vụ cấp ĐT và khu ĐT, hành chính cơ quan cấp thị xã, trung tâm GD- ĐT hiện hữu cấp vùng, trung tâm văn hóa- thể dục thể thao cấp vùng, đất phát triển hỗn hợp, đất dịch vụ du lịch, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, đất tôn giáo, tín ngưỡng, đất công viên cây xanh- thể dục thể thao và cây xanh cảnh quan- mặt nước.
Đồng thời, phát triển theo các trục giao thông hướng tâm, xuyên tâm như QL54, trục đường Phan Văn Năm, trục đường hành chính chính trị trung tâm.
Khu ĐT- thương mại Thuận An quy mô khoảng 718ha ở cửa ngõ phía Đông Bắc gồm: một phần phường Cái Vồn, phía Đông Bắc phường Đông Thuận, một phần xã Thuận An, Đông Bình.
Ở khu vực này, phát triển các loại đất ở hiện hữu cải tạo chỉnh trang và xây dựng mới, đất dịch vụ công cộng, thương mại dịch vụ cấp ĐT và khu ĐT, trung tâm GD- ĐT, thương mại dịch vụ cấp vùng, đất phát triển hỗn hợp, đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, đất tôn giáo, tín ngưỡng, an ninh quốc phòng, đất công viên cây xanh- thể dục thể thao và cây xanh cảnh quan- mặt nước.
Đồng thời, phát triển các trục giao thông chính gồm trục đường xuyên tâm QL1, đường Thuận An- Rạch Sậy, tuyến vành đai QL54 và các tuyến đường chính khu ĐT.
Bên cạnh, khu ĐT dịch vụ- công nghiệp- kho vận Đông Thuận quy mô khoảng 820ha tại phía Nam gồm: một phần phường Đông Thuận, một phần xã Mỹ Hòa, xã Đông Bình và Đông Thành.
Ở khu vực này, phát triển các loại đất ở xây dựng mới, đất dịch vụ công cộng, thương mại dịch vụ cấp ĐT và khu ĐT, đất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, đất tôn giáo, tín ngưỡng, đất công viên cây xanh- thể dục thể thao và cây xanh cảnh quan- mặt nước. Ngoài ra, phát triển các loại hình đất chuyên ngành cấp vùng như y tế, thương mại, kho vận.
Về giao thông, khu vực ĐT này phát triển theo tuyến vành đai 1, QL54 và Đường huyện 54; trục Đường huyện 54 kéo dài kết nối với cảng Bình Minh và ga đường sắt ở phía Đông Bắc; các tuyến đường bộ kết hợp cùng với tuyến giao thông thủy trục sông Đông Thành tạo thành hệ giao thông thủy bộ chính.
Tập trung xây dựng hạ tầng khung
Giai đoạn 2020- 2025, phát triển hoàn chỉnh, cải tạo chỉnh trang khu ĐT trung tâm; phát triển lan tỏa ra các khu vực xung quanh. Trong đó, tập trung xây dựng hạ tầng khung, hoàn thiện các tiêu chuẩn của ĐT loại III, hướng tới khắc phục các tiêu chuẩn chưa đạt của ĐT loại II.
Theo đó, phát triển mở rộng khu ĐT trung tâm thị xã về khu vực các xã Thuận An, Đông Bình và Mỹ Hòa. Bên cạnh, thu hút đầu tư hoàn thiện các khu công nghiệp, khu nông nghiệp chất lượng cao. Phát triển đều trên toàn bộ 3 khu ĐT để tạo lập trung tâm các khu ĐT.
Đồng thời, từng bước phát triển khu vực nội thị mở rộng, ưu tiên các khu vực tập trung dân cư mật độ cao. Dự kiến mở rộng nội thị thêm một phần các xã: Thuận An (190ha), Đông Bình (336ha), Mỹ Hòa (705ha).
Theo đó, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng khung như: hoàn thiện hạ tầng và thu hút các dự án đầu tư tăng tỷ lệ lấp đầy Khu công nghiệp Bình Minh, Khu công nghiệp Đông Bình; xây dựng chợ và nhà phố TX Bình Minh; Trung tâm văn hóa thể thao thị xã, nâng cấp trung tâm y tế thị xã, xây mới trường cấp 3.
Đồng thời, cải tạo nâng cấp đường nối từ QL54 đến xã Mỹ Hòa; đường trục chính thị xã (đoạn từ đường Phan Văn Năm đến đường dẫn vào cầu Cần Thơ), xây nhà tang lễ…
Ưu tiên các dự án nâng cấp cải tạo các tuyến đường huyện 50, 54, 56, đường vành đai 1 thị xã, nâng cấp cảng Bình Minh, xây dựng bến xe liên huyện.
Giai đoạn 2026- 2030, tiếp tục mở rộng phát triển về phía sông Hậu tại xã Mỹ Hòa.
Theo đó, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng khung: Khu du lịch sinh thái Mỹ Hòa, xây mới công trình giáo dục, thể dục thể thao cấp ĐT, nâng cấp bệnh viện thị xã; nâng cấp các tuyến QL1, QL54, Đường tỉnh 909, 910, Thuận An- Rạch Sậy.
Tổng mức đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung, công trình đầu mối ưu tiên hơn 11.314 tỷ đồng (2020- 2025 hơn 5.724 tỷ đồng; 2026- 2030 và 2035 hơn 5.590 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách chiếm 34,8%; vốn vay, viện trợ chiếm 6,2%, 59% còn lại là vốn xã hội hóa.
Ông Đỗ Công Danh- Trưởng Phòng Quy hoạch kiến trúc (Sở Xây dựng) cho biết: Để tránh đầu tư dàn trải, chương trình định hướng những khu vực phát triển ĐT, xác định những tuyến đường giao thông động lực, nhấn trọng điểm đầu tư làm tiền đề, đòn bẩy thu hút, kêu gọi nhà đầu tư.
Theo đó, đã “ngồi lại” để rà danh mục công trình cần thiết nhất trong giai đoạn tới. Từ định hướng rõ các khu vực phát triển, còn nhằm tránh tình trạng phân lô bán nền tràn lan- không phù hợp.
“Chương trình là định hướng để TX Bình Minh phát triển đúng định hướng ĐT loại III. Từ đó, tạo sức bật cho nâng loại ĐT trong tương lai. TX Bình Minh sẽ dựa vào nguồn vốn từng giai đoạn để kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực cho phát triển ĐT”- ông Đỗ Công Danh nói.
Chương trình nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và điều chỉnh quy hoạch chung thị xã. Phát triển thị xã là ĐT xanh, hiện đại, phấn đấu đến năm 2025 từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt của ĐT loại III, định hướng sau năm 2030 đạt ĐT loại II, là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật phía Nam của tỉnh; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và kho vận; du lịch sinh thái đặc trưng vùng ĐBSCL. |
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin