Để sớm xác định tư cách pháp lý của Nhà nước Việt Nam trước thế giới và toàn dân tộc, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời vào ngày 3/9/1945 (chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ cách mạng lâm thời "tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các đại biểu Quốc hội khóa I.Ảnh tư liệu lịch sử |
Để sớm xác định tư cách pháp lý của Nhà nước Việt Nam trước thế giới và toàn dân tộc, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời vào ngày 3/9/1945 (chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ cách mạng lâm thời “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.
Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh lấy ngày 23/12/1945 mở cuộc tổng tuyển cử trong toàn quốc. Tuy nhiên, để các nhân sĩ muốn ra ứng cử có đủ thì giờ để nộp đơn và vận động, Người hoãn tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946.
Ngày 24/12/1945, đại biểu của Việt Minh và các đảng phái theo chân quân Tưởng về nước là Việt Quốc, Việt Cách đã ký bản Biện pháp đoàn kết gồm 14 điều chính và 4 điều phụ, thể hiện rõ các nội dung: Độc lập trên hết; kêu gọi đoàn kết; đình chỉ đăng báo công kích lẫn nhau bằng lời nói và hành động; nhất trí mở rộng Chính phủ lâm thời có đại diện của Việt Quốc và Việt Cách; thừa nhận 70 ghế trong Quốc hội cho Việt Quốc, Việt Cách không thông qua bầu cử. Ngày 1/1/1946, Chính phủ cách mạng lâm thời đã cải tổ, mở rộng thành phần Chính phủ liên hiệp lâm thời. Chính phủ liên hiệp lâm thời đã ra Tuyên bố việc làm này là để “cuộc toàn dân tuyển cử được thành công mỹ mãn và chuẩn bị sẵn sàng việc khai Quốc hội”.
Ngay khi chuẩn bị tổ chức cuộc tổng tuyển cử, ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Ý nghĩa tổng tuyển cử” đăng báo Cứu quốc. Người khẳng định: “Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ, Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.
Ngày 3/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Chính phủ, kiểm tra lần cuối những công việc của cuộc Tổng tuyển cử. Ngày 5/1/1946, Người ra Lời kêu gọi quốc dân thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ công dân của mình và nhấn mạnh: “Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ được tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước...”. Đồng thời, Người nêu rõ cử tri cần sử dụng đúng đắn trách nhiệm, quyền bầu cử để lựa chọn các đại biểu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trên tinh thần “những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu”.
Đây là cuộc tổng tuyển cử thật đặc biệt bởi số người ứng cử đại biểu Quốc hội so với số người được bầu rất đông. Đơn cử như Hà Nội có 74 người ứng cử nhưng chỉ bầu lấy 6 đại biểu. Người đạt phiếu cao nhất tại Hà Nội là Chủ tịch Hồ Chí Minh được 169.222 phiếu, tức 98,4%.
Trước đó, dù đã có sự thỏa thuận giữa các đảng phái, Việt Quốc vẫn ra sức hoạt động phá hoại cuộc Tổng tuyển cử. Tại Hà Nội, chúng dùng tiểu liên đe dọa đồng bào ta tại Ngũ Xã, ngăn không cho ta đặt hòm phiếu, cấm nhân dân treo cờ. Nhân dân đã kéo sang khu phố gần đó để bỏ phiếu. Tại Nam Bộ, cuộc bầu cử ở nhiều nơi diễn ra dưới bom đạn của quân Pháp. Hơn 40 cán bộ đảng và Việt Minh đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ vận động Tổng tuyển cử. Mặc dù vậy, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao, trung bình là 89%, nhiều nơi đạt 95%.
Kết quả, có 333 đại biểu Quốc hội được bầu trong ngày tổng tuyển cử. Trong đó, Việt Minh có 120 ghế, Đảng Dân chủ có 46 ghế, Đảng Xã hội có 24 ghế, không đảng phái có 143 ghế. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I ngày 2/3/1946 đã nhất trí dành 70 ghế không thông qua bầu cử cho Việt Quốc, Việt Cách. Do đó, tổng số đại biểu Quốc hội khóa I tăng lên 403.
Cựu hoàng Bảo Đại, nay đã là công dân Nguyễn Vĩnh Thụy và là Cố vấn tối cao Chính phủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận động ra ứng cử đại biểu Quốc hội tại tỉnh Thanh Hóa và đã trúng cử. Theo đồng chí Lê Tất Đắc- Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh Thanh Hóa: “Hồ Chủ tịch giao cho tôi về nói lại với nhân dân để nhân dân hiểu rõ, Bảo Đại tuy đã làm vua nhưng nay làm dân, về ứng cử ở quê cũ là hợp lẽ. Tôi truyền đạt ý kiến của Hồ Chủ tịch muốn Bảo Đại ứng cử Quốc hội. Bảo Đại rất vui”. Bên cạnh đó, cựu Thượng thư Bùi Bằng Đoàn cũng ứng cử đại biểu Quốc hội tại quê nhà là tỉnh Hà Đông và đã trúng cử.
Trong thành phần của Quốc hội khóa I có đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc- Trung- Nam, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Quốc hội khóa I đã hội tụ đại biểu của tất cả các ngành, các giai cấp tầng lớp xã hội từ công nhân, nông dân cho đến những nhà tư sản, công thương gia như Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô...; những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng như Nguyên Văn Tố, Hoàng Đạo Thúy, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát, Đặng Thai Mai... Quốc hội khóa I cũng hội tụ đại biểu của các thành phần tôn giáo trên đất nước ta như Thiên Chúa giáo (Linh mục Phạm Bá Trực), Phật giáo (Thượng tọa Thích Mật Thể), Cao Đài (Chưởng quản Cao Triều Phát)... Theo thống kê, Quốc hội khóa I có đến 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, thực sự phản ánh đúng dân ý tại Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu trong phiên khai mạc Quốc hội khóa I: “Có những đồng chí cách mạng người Việt Nam ở hải ngoại vì không có thì giờ tham gia tổng tuyển cử của đảng phái, các dân tộc thiểu số và phụ nữ đều có đại biểu, và như thế không phải là các đại biểu thay mặt cho một đảng phái hay một dân tộc nào mà là đại biểu cho quốc dân Việt Nam”.
Quốc hội khóa I có nhiều điều đặc biệt. Đây là Quốc hội đầu tiên (1946) và kéo dài nhất (1946-1960) của nước ta. Quốc hội khóa I thông qua đến 2 bản Hiến pháp: 1946 và 1959. Tuy nhiên, nổi bật lên trên hết, đây là Quốc hội của đại đoàn kết, Quốc hội của toàn dân như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quốc hội khóa I đã xem xét, ban hành Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và nhiều đạo luật khác, đặt nền móng chính trị, pháp lý quan trọng, nhất là trong việc thành lập Chính phủ hợp hiến, hợp pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Quốc hội khóa I cũng đã đóng góp to lớn vào công cuộc củng cố nền độc lập, xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân; khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đưa miền Bắc tiến trên con đường xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Huế, ngày 15/5/2021
NGUYỄN VĂN TOÀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin