Đầu mùa mưa là thời điểm thường xảy ra những vụ sạt lở đê bao, bờ sông, kinh, rạch hàng năm. Và đầu mùa mưa năm nay, mối lo này đã hiện hữu.
Hiện trường sụt lún cục bộ đê bao sông Cái Cá vào rạng sáng 17/5/2021. |
Đầu mùa mưa là thời điểm thường xảy ra những vụ sạt lở đê bao, bờ sông, kinh, rạch hàng năm. Và đầu mùa mưa năm nay, mối lo này đã hiện hữu.
Khoảng 3 giờ 30 phút rạng sáng 17/5/2021, một đoạn đê bao sông Cái Cá (đoạn từ Cầu Lộ đến rạch Tân Hữu (Phường 2- TP Vĩnh Long) đã bị sụt lún. Công trình đang được thi công ở những công đoạn cuối hạng mục kè, chuẩn bị thả rọ đá thì bất ngờ xảy ra sự cố. Ghi nhận tại hiện trường, đoạn kè bị sụt lún khoảng 40m. Kết quả khảo sát, đo đạc bước đầu của ngành chuyên môn thì việc sụt lún không làm thay đổi hiện trạng lòng sông tại khu vực xảy ra sự cố, tuy nhiên cần đánh giá lại và xác định rõ nguyên nhân gây sụt lún để có giải pháp xử lý phù hợp.
Ông Trần Thành Thúc- Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp- PTNT (thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết, hiện chủ đầu tư đã liên hệ với đơn vị tư vấn để đánh giá nguyên nhân gây ra sụt lún cục bộ này. Trước mắt, ông Trần Thành Thúc đề nghị đơn vị thi công có biện pháp giảm tải, hạn chế thất thoát cát tại điểm sụt lún.
Ông Trương Thành Dãnh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT chỉ đạo nhanh chóng khảo sát đánh giá nguyên nhân, trước mắt đơn vị giám sát, thi công cần gia cố hàng rào bảo vệ che chắn an toàn, lắp đèn cảnh báo cũng như bố trí lực lượng trực 24/24 tại khu vực sụt lún, không để người hiếu kỳ, trẻ nhỏ đi vào khu vực này.
Sự cố sụt lún tại đê bao sông Cái Cá phần nào cho thấy nguy cơ mất an toàn tại các công trình đê bao thủy lợi- nhất là vào mùa mưa. Tỉnh Vĩnh Long có trên 5.000 tuyến sông ngòi, kinh rạch với tổng chiều dài gần 5.600km. Những năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông thường xuyên diễn ra gây tổn thất lớn đến kết cấu hạ tầng và nhà cửa, đời sống người dân ở ven sông. Sạt lở xảy ra không phân biệt mùa khô hay mùa mưa, trên các sông chính lẫn vùng nội đồng.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, hàng năm trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 200 tuyến-điểm sạt lở, làm mất 5- 6km bờ sông, kinh, rạch. Năm 2020 có 225 tuyến- điểm sạt lở, làm mất trên 6.400m bờ sông, kinh, rạch, ảnh hưởng trực tiếp đến 16 hộ dân, thiệt hại gần 11,5 tỷ đồng.
Có nhiều nguyên nhân gây ra sạt lở, sụt lún, trong đó ngoài yếu tố tác động do tự nhiên của dòng chảy, gần đây tác động của con người cũng rất đáng kể làm gia tăng xói lở như nạo vét kinh, rạch quá mức để đắp bờ bao. Hay đường giao thông làm mất ổn định bờ sông kinh gây sạt lở, do xây dựng nhà cửa, kè sông lấn lòng sông, lòng kinh làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở phía bờ đối diện…
Để phòng chống, ứng phó với sạt lở bờ sông, ngành chuyên môn luôn duy trì thực hiện 2 giải pháp là phi công trình và công trình. Trong đó, những giải pháp phi công trình được xem là bước đi chủ động. Cụ thể, giải pháp truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về tác hại và các giải pháp phòng, tránh, xử lý sạt lở bờ sông, kinh, rạch.
Ngành chuyên môn theo dõi diễn biến sạt lở, tổ chức cắm biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để có các biện pháp thích hợp phòng tránh hoặc giảm thiệt hại, nhằm bố trí hợp lý các điểm dân cư, các công trình dân sinh, kinh tế, di dời dân ra khỏi khu vực đang xảy ra sạt lở. Giải pháp sử dụng cây cỏ và các vật liệu tại chỗ để chắn sóng, chống xói lở bờ cũng được thường xuyên kết hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn khai thác cát, xây dựng công trình, nhà cửa trái phép, sai phép làm ảnh hưởng hoặc gây sạt lở bờ sông, kinh, rạch.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, giai đoạn năm 2013- 2020, từ ngân sách của Trung ương và của địa phương bố trí hơn 8,7 tỷ đồng, tỉnh đã di dời, bố trí ổn định nơi ở cho 350 hộ vùng bị thiên tai ngập lụt, sạt lở bờ sông, trong đó ổn định nơi ở tập trung có 220 hộ và ổn định tại chỗ có 130 hộ. Trong giai đoạn năm 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh có kế hoạch bố trí ổn định nơi ở cho 2.200 hộ vùng thiên tai, biến đổi khí hậu với tổng kinh phí thực hiện khoảng 115 tỷ đồng.
“Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai” Đó là chủ đề của Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai năm 2021 diễn ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 15- 22/5. Theo đó, nội dung tuyên truyền được chú trọng là hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng về các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho các nhóm đối tượng trong cộng đồng. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm phòng chống thiên tai cơ quan, cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, rà soát và có phương án nâng cao an toàn cho hệ thống công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn; công tác phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó thiên tai tại các cấp và cộng đồng theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức rà soát và cắm biển cảnh báo tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao rủi ro thiên tai tại địa phương (khu vực sạt lở), có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Rà soát, hoàn thiện và ban hành kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện các nội dung kế hoạch phòng chống thiên tai. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin