Hưởng BHXH một lần- lợi trước mắt, hại dài lâu

06:05, 27/05/2021

Theo Cơ quan BHXH tỉnh, thời gian qua, số người hưởng BHXH một lần có sự gia tăng đột biến. Nguyên nhân do người lao động (NLĐ) gặp khó khăn khi tìm lại việc làm bởi ảnh hưởng dịch COVID-19 và mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống.

(VLO) Theo Cơ quan BHXH tỉnh, thời gian qua, số người hưởng BHXH một lần có sự gia tăng đột biến. Nguyên nhân do người lao động (NLĐ) gặp khó khăn khi tìm lại việc làm bởi ảnh hưởng dịch COVID-19 và mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống.

Bên cạnh đó, một bộ phận NLĐ chưa nhận thức rõ ý nghĩa của việc đóng BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu, tự đảm bảo an sinh khi về già.

Trao đổi với PV Báo Vĩnh Long, ông Phạm Minh Dương- Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long- cho biết, việc NLĐ đăng ký nhận BHXH một lần, tự mình rời khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ khiến NLĐ chịu nhiều thiệt thòi về lâu dài mà còn ảnh hưởng đến tình hình kinh tế- xã hội, cũng như công tác đảm bảo an sinh xã hội.

* Ông có thể cho biết về tình hình NLĐ đăng ký nhận BHXH một lần trên địa bàn tỉnh hiện nay?

- Trong 4 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh, số người hưởng BHXH một lần có sự gia tăng đột biến. BHXH tỉnh đã giải quyết 4.820 hồ sơ hưởng BHXH một lần, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020 (3.404 hồ sơ).

BHXH tỉnh luôn tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ cần cân nhắc quyết định nhận BHXH một lần khi chỉ rõ những thiệt thòi về quyền lợi lâu dài so với hưởng lương hưu. NLĐ đừng vì lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già.

* Ông vừa đề cập nếu NLĐ nhận BHXH một lần thì sẽ chịu nhiều thiệt thòi so với hưởng lương hưu. Xin ông cho biết cụ thể hơn?

- Việc nhận BHXH một lần chỉ mang lại cho NLĐ lợi ích trước mắt, nhưng họ không lường hết được những nguy cơ sẽ đánh mất nhiều quyền lợi lâu dài của bản thân, cụ thể:

- Số tiền nhận trợ cấp BHXH một lần sẽ ít hơn nhiều so với số tiền đóng BHXH. Theo quy định (Quyết định 595/QĐ-BHXH), tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ.

Trong đó, NLĐ đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương.

Nếu NLĐ hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Như vậy, nếu lãnh BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

- NLĐ nhận BHXH một lần sẽ không được bảo lưu thời gian, không được cộng nối thời gian (Điều 61 Luật BHXH năm 2014), mất cơ hội được hưởng lương hưu, không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng để bảo đảm cho cuộc sống khi về già.

- Mất cơ hội có thêm khoản tiền khi về già (Điều 57 Luật BHXH năm 2014). Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH (từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 19 lần, với mức tăng tùy theo nhóm đối tượng).

- Không được cấp thẻ BHYT miễn phí để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già- độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.

- Thân nhân của NLĐ sẽ không được hưởng chế độ tử tuất khi không may NLĐ qua đời. Người đang hưởng lương hưu chết thì thân nhân được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở (Điều 66 Luật BHXH năm 2014), chưa kể những người đang hưởng lương hưu khi qua đời, nếu có thân nhân đủ điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (Điều 67 Luật BHXH năm 2014).

Trên thực tế, đã có những người cha, mẹ, vợ, chồng, con được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng vài chục năm sau khi con, vợ/chồng, bố/mẹ của họ qua đời.

Như vậy, người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu nhận được rất nhiều quyền lợi và thực tế cho thấy, chính lương hưu mới là chỗ dựa vững chắc cho NLĐ khi về già, khi không còn khả năng để lao động tạo thu nhập. Do đó, việc nhận BHXH một lần sẽ đem đến nhiều thiệt thòi cho NLĐ.

NLĐ không nên vì lợi ích trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già. Nếu cùng một thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn nhiều so với hưởng BHXH một lần.

* Ông có lời khuyên nào dành cho những NLĐ không may bị thất nghiệp vào thời điểm này?

- Thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, NLĐ nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề. Đợi khi những khó khăn do dịch COVID-19 qua đi, NLĐ có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục được đóng BHXH để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.

Đây có thể xem là “phao cứu sinh” của NLĐ trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19, giúp đảm bảo phần nào đời sống bản thân của một bộ phận NLĐ thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế- xã hội đất nước.

BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là các chính sách an sinh xã hội rất ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm chăm lo cuộc sống trước mắt (BHYT, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp…) và lâu dài cho người dân (hưu trí, tử tuất).

Do vậy, NLĐ hãy nghĩ đến cả lợi ích trước mắt và lâu dài, không lựa chọn BHXH một lần để cùng Nhà nước tự đảm bảo an sinh xã hội cho bản thân, nhất là khi hết tuổi lao động.

* Trong thời gian chờ tìm việc làm mới, NLĐ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp sẽ được hưởng những quyền lợi gì, thưa ông?

- Theo quy định, trong thời gian chờ tìm việc làm mới, NLĐ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp sẽ được: hưởng trợ cấp với mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng; được hưởng chế độ BHYT theo quy định để khám chữa bệnh BHYT khi không may ốm đau; được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng); được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

* Trân trọng cảm ơn ông!

PHẠM PHONG (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh