Hiện nay, đợt xâm nhập mặn cuối tháng 3 âm lịch đang có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, theo dự báo của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, độ mặn cao nhất đợt này tại các trạm trong tỉnh chủ yếu ở mức nhỏ hơn 2‰. Có thể nói, đây cũng là đợt xâm nhập mặn cuối cùng của mùa khô năm nay.
Mùa khô năm nay, hạn- mặn ở Vĩnh Long ở cấp độ rủi ro thiên tai nhỏ, hiện ngành chuyên môn chưa ghi nhận thiệt hại do hạn- mặn gây ra. |
Hiện nay, đợt xâm nhập mặn cuối tháng 3 âm lịch đang có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, theo dự báo của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, độ mặn cao nhất đợt này tại các trạm trong tỉnh chủ yếu ở mức nhỏ hơn 2‰. Có thể nói, đây cũng là đợt xâm nhập mặn cuối cùng của mùa khô năm nay.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, độ mặn cao nhất mùa khô năm nay xuất hiện vào khoảng cuối tháng 2/2021 và chỉ bằng một nửa so với đỉnh mặn mùa khô năm trước.
Cụ thể, phía sông Cổ Chiên, đỉnh mặn tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông) là 5,7‰, tại vàm Mang Thít (xã Quới An) 3,2‰. Phía sông Hậu, đỉnh mặn tại Tích Thiện là 3,9‰, vàm Trà Ôn 1,3‰. Phía sông Tiền, tại vàm Cái Muối (xã Bình Hòa Phước) 0,2‰. Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, độ mặn cao nhất ở các nơi trong tỉnh đều dưới 3‰, hầu hết vùng Bắc sông Măng Thít đã lấy được nước ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh.
Mực nước sông, rạch trong tỉnh duy trì ở mức khá cao kể cả những kỳ triều thấp. Trong tháng 4, tháng kiệt nhất của mùa khô năm nay, mực nước cao nhất trong các đợt triều kém cũng ở mức cao từ 0,9- 1,2m. Nhiều nơi trong tỉnh tận dụng được thủy triều để tưới tự chảy.
Căn cứ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đánh giá, hạn hán, xâm nhập mặn ở Vĩnh Long trong mùa khô năm nay ở cấp độ rủi ro thiên tai nhỏ. Cụ thể, nắng nóng và hạn hán dưới cấp độ 1. Xâm nhập mặn ở cấp độ 1 và ranh mặn 4‰ xâm nhập khoảng 25km tính từ cửa sông.
Hiện ngành chuyên môn chưa ghi nhận thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Tuy nhiên, một số vùng ven sông lớn thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít chỉ bị ảnh hưởng thời đoạn ngắn về lấy nước cấp cho sinh hoạt, một số nhà máy nước đã phải tránh bơm hút nước sông một số thời đoạn khi độ mặn trên 1‰.
Hạn mặn mùa khô năm nay bớt gay gắt là ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, lượng nước từ thượng nguồn về nhiều và gió chướng hoạt động yếu.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong xu thế ENSO, hiện tượng El Nino chuyển dần sang La Nina từ tháng 9/2020 và tiếp tục kéo dài đến tháng 4- 5/2021 với xác suất trên 95%. Đây là hiện tượng làm nắng nóng không quá gay gắt, gây ra mưa trái mùa, góp phần cung cấp lượng nước đáng kể trong mùa khô.
Trong suốt mùa khô, gió chướng hầu như hoạt động yếu cũng làm dịu bớt xâm nhập mặn. Chưa kể, từ đầu mùa khô đến nay, mưa trái mùa đã xuất hiện rải rác hoặc diện rộng ở các tỉnh ĐBSCL nên mức độ ảnh hưởng xâm nhập mặn ở khu vực bớt căng thẳng hơn.
Riêng ở Vĩnh Long, những cơn mưa rào trên diện rộng từ giữa tháng 4 đến nay đã làm cho áp lực hạn- mặn giảm đáng kể. Theo ông Trương Hoàng Giang- Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, thời tiết trong tỉnh cũng không gay gắt, tuy có xảy ra đợt nắng nóng trên diện rộng từ ngày 21- 31/3 và từ ngày 5- 7/4 với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35- 37 độ C.
Sau đó, mưa đã sớm xuất hiện góp phần làm giảm áp lực khô hạn và cả xâm nhập mặn. Nửa đầu tháng 4, mưa gia tăng cả về diện và lượng. Các cơn mưa chuyển mùa bắt đầu xuất hiện nhiều hơn từ giữa tháng 4. Thời kỳ bắt đầu mùa mưa sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 7- 10 ngày và tổng lượng mưa trong tháng 5 được dự báo cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, từ đầu tháng 3, nước từ thủy điện thượng nguồn gia tăng trở lại, đóng góp đáng kể nguồn nước về hạ lưu Mekong. Gần đây, mưa xuất hiện hầu khắp trên đồng bằng và tình hình vẫn còn duy trì trong những ngày tới. Mặn sẽ tăng nhẹ theo con nước triều cường cuối tháng 3 âm lịch.
Ranh mặn 4‰ xâm nhập vào sâu nhất trên dòng chính cao hơn tuần qua 1- 3km, cách các vùng cửa sông Cửu Long 30- 42km. Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam khuyến nghị các địa phương thuộc vùng giữa ĐBSCL, trong đó có tỉnh Vĩnh Long, cần chủ động tích trữ và thau rửa hệ thống do mặn rút ra phía biển, khả năng lấy nước của các hệ thống thủy lợi thuận lợi hơn. Các vùng cách biển 30km trở lên có thể tranh thủ lấy nước khi độ mặn cho phép.
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin