Mùa mưa năm nay ở Vĩnh Long đến sớm hơn mọi năm, từ giữa tháng 4/2021. Dân nông thôn mừng vì qua kỳ hạn, mặn. Người thành thị vui vì mưa làm tiết trời mát mẻ. Nhưng, khả năng nhiều nhà bị sập, bị tốc mái do giông, lốc, đường phố bị ngập do mưa lớn, bờ sông, rạch bị sạt lở hay xảy ra vào thời kỳ này...
(VLO) Mùa mưa năm nay ở Vĩnh Long đến sớm hơn mọi năm, từ giữa tháng 4/2021. Dân nông thôn mừng vì qua kỳ hạn, mặn. Người thành thị vui vì mưa làm tiết trời mát mẻ. Nhưng, khả năng nhiều nhà bị sập, bị tốc mái do giông, lốc, đường phố bị ngập do mưa lớn, bờ sông, rạch bị sạt lở hay xảy ra vào thời kỳ này...
Vì sao đầu mùa mưa hay xảy ra thiên tai cực đoan?
Mưa lớn, gió mạnh làm đổ ngã, gây tổn thất lúa Hè Thu tại một số địa phương vào tháng 4/2021. |
Giông là hiện tượng khí quyển quy mô nhỏ, do một hoặc một số đám mây đối lưu sâu và luôn đi kèm theo đó là hiện tượng sấm, sét, gió mạnh và mưa lớn. Lốc là một hiện tượng gió xoáy cực mạnh, xảy ra trong một phạm vi nhỏ, hàng chục tới hàng trăm mét và tồn tại trong một thời gian ngắn.
Sở dĩ các thiên tai cực đoan nêu trên ở Vĩnh Long thường xảy ra vào đầu mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 8) là vì: Thời kỳ này mưa không đều, có những đợt không mưa, nắng nóng kéo dài từ 7 đến hơn 10 ngày.
Do nắng nóng, mặt đất bị đốt nóng không đều nhau, một khoảng nào đó hấp thụ nhiệt thuận lợi sẽ nóng hơn, tạo ra một vùng khí áp giảm và tạo nên dòng thăng, không khí lạnh hơn ở xung quanh tràn đến tạo thành hiện tượng gió xoáy. Sau những đợt hạn ngắn hạn, khi trời “chuyển mưa” là ngay sau đó giông, lốc kéo đến…
Thời kỳ đầu mùa mưa cùng là thời kỳ tỉnh Vĩnh Long chịu ảnh hưởng chính của gió mùa Tây Nam cùng với gió Đông- Đông Bắc còn sót lại của thời kỳ cuối mùa khô. 2 tổ hợp này thường gây mưa to và giông kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét và gió giật mạnh.
Đặc điểm của gió lốc là tốc độ gió tăng mạnh đột ngột trong một thời gian ngắn. Giông, lốc thường xảy ra vào buổi chiều và tối.
Phạm vi ảnh hưởng của gió trong giông, lốc xoáy là nhỏ, không phủ rộng như bão mà vùng ảnh hưởng thường là những vùng bằng phẳng, trống trải, có diện tích vài chục đến vài trăm hecta.
Tình trạng bờ sông thường bị sạt lở vào đầu mùa mưa là vì vào mùa khô, bờ sông đã quá dốc. Khi đất bờ sông (thường là đất cát pha sét bở rời, đất thịt pha cát) thấm nước mưa thì trở nên mềm yếu, tính dính kết thấp, áp lực lỗ rỗng tăng lên, dễ bị bở rời và trọng lượng đất bờ càng nặng hơn do ngấm nước mưa.
Khi triều xuống thấp (nước ròng), áp lực thấm của nước ngầm do nước mưa ngấm vào đất càng đẩy đất bờ ra sông, khi đó áp lực đẩy nổi của sông hướng vào bờ không còn do triều xuống thấp.
Lực giữ đất bờ nhỏ hơn lực đẩy đất bờ ra sông nên bờ sông bị sạt lở. Hiện tượng sạt lở nhanh hơn là lúc triều xuống thấp (nước ròng thấp).
Việc nạo vét kinh, rạch quá mức làm mất ổn định bờ sông, bờ kinh; xây dựng nhà cửa, kè sông lấn lòng sông, lòng kinh làm thay đổi dòng chảy; xây dựng bờ bao, đê bao hoặc đường giao thông nông thôn sát bờ sông, bờ kinh; sử dụng vật liệu cát sông làm nền công trình bờ bao, đê bao, đường giao thông... cũng góp phần rất đáng kể làm gia tăng xói lở.
Phòng, tránh giông, lốc và sạt lở bờ sông
Gió mạnh làm cây to cao đổ ngã kéo theo sạt lở một đoạn bờ sông. |
Hiện nay, giông, lốc chưa thể dự báo chính xác cụ thể về thời điểm cũng như ví trị xảy ra. Hiện tượng này chỉ được cảnh báo ở các thời hạn trước 30-40 phút dựa trên việc theo dõi liên tục bằng các thiết bị quan trắc radar và vệ tinh, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng, khi có mây giông xuất hiện.
Về phòng, tránh giông, lốc xoáy, đối với tỉnh Vĩnh Long, biện pháp khả thi nhất hiện nay là tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về ảnh hưởng của chúng; vận động người dân đốn hạ những cây cao, dễ gãy gần nhà, gần công trình, đối với cây cao, to có sức chống chịu tốt thì chỉ mé bớt, để chắn gió; khẩn trương chằng chống nhà, công trình cho chắc chắn.
Đối với những nhà yếu, các cấp chính quyền nên tích cực vận động người dân tự chằng chống hoặc hỗ trợ về người, vật tư, kỹ thuật cho dân chằng, chống để giảm thiểu thiệt hại.
Đơn vị quản lý công trình điện, bưu chính-viễn thông nên tăng cường kiểm tra để đảm bảo an toàn công trình. Những lồng, bè nuôi thủy sản, bến đò, bến phà ở ven các sông lớn cần phải được neo đậu, chằng chống vững chắc...
Để phòng, tránh sạt lở bờ sông, các công trình, nhà cửa nằm sát bờ sông cần được kiểm tra về an toàn trước sạt lở. Người và tài sản ở các công trình, nhà cửa có dấu hiệu bị sạt lở cần được di dời ngay đến nơi an toàn.
Những hộ có điều kiện cần phá những căn nhà kiên cố hiện còn ở cạnh bờ sông mà không có người ở để giảm tải nặng bờ sông, để tránh nguy cơ sạt lở.
Việc cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm cần được tiến hành để hạn chế hoặc dừng hẳn các hoạt động xung quanh khu vực này. Sự xuất hiện những vết nứt đất bờ chạy song song với bờ sông là dấu hiệu bờ sông sắp bị sạt lở.
Khi xảy ra sạt lở, sau khi công tác cứu hộ, cứu nạn được ưu tiên tiến hành khẩn cấp, các hoạt động trên bờ sông trong khu vực sạt lở phải dừng lại và tránh xa; nên tạo rãnh thoát nước mặt trên bờ ở nơi sạt lở để nước mưa không đọng lại, để không làm tăng tải trọng đất bờ, không làm đất bờ thêm mềm yếu gây sạt lở càng dễ hơn.
Mùa mưa ở Nam Bộ được dự báo kéo dài đến tháng 11/2021. Không những vào thời kỳ đầu mùa mưa mà tháng 7, tháng 8 còn là thời đoạn ít mưa, nên giông, lốc xoáy cũng thường xảy ra nhiều nhất. Những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của lốc xoáy, sạt lở bờ sông cần thực hiện ngay các biện pháp phòng, tránh để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản ở mức thấp nhất.
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin