45 năm phát triển kinh tế: Đảng mở đường, dân theo lối

Kỳ 3: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Cập nhật, 06:08, Thứ Tư, 05/05/2021 (GMT+7)

 

Đại hội lần thứ IX đặt mục tiêu phát triển nâng cao nguồn nhân lực là 1 trong 2 khâu đột phá.
Đại hội lần thứ IX đặt mục tiêu phát triển nâng cao nguồn nhân lực là 1 trong 2 khâu đột phá.

(VLO) Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa IX, Vĩnh Long đã có sự phát triển cơ bản toàn diện, vươn lên đạt tỉnh trung bình khá trong khu vực ĐBSCL. Định hướng tập trung đột phá cho công nghiệp (CN) của Đảng đã làm thay đổi tư duy sản xuất, hình thành lực lượng lao động trình độ ngày càng cao và “có tác phong CN”.

Vươn lên tỉnh trung bình khá

Vĩnh Long bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011- 2015 với nhiều dự báo khó khăn, thách thức. Hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp hạn chế… trong khi yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng cấp bách và quyết liệt hơn.

Trên cơ sở quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ Vĩnh Long đã xác định những chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2011- 2015) đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ chung: “Đẩy mạnh CN hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, quyết tâm xây dựng Vĩnh Long thành tỉnh trung bình khá trong khu vực…”.

Với mục tiêu đó, tập trung vào 3 mũi đột phá: khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đầu tư hạ tầng kinh tế và xã hội; tập trung đột phá cho CN. Theo đó ban hành những chính sách, cơ chế đồng bộ mời gọi, mở rộng đầu tư để nâng cao giá trị, chất lượng nông sản của tỉnh tham gia thị trường.

Từ thế mạnh sẵn có, trong giai đoạn này, Vĩnh Long xác định “lấy nông nghiệp, CN và dịch vụ làm trọng tâm”. Đáng chú ý, Chương trình hành động 07 của Tỉnh ủy về phát triển khu- cụm- tuyến CN đã đạt kết quả quan trọng, góp phần lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Chuyển biến rõ nét nhất của kinh tế Vĩnh Long thời gian này là các khu- tuyến CN tạo thêm những yếu tố tăng trưởng kinh tế mới.

Đồng thời, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội… song song, tăng tốc độ đô thị hóa, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn, đời sống nhân dân được nâng lên.

Trên đường phát triển và hội nhập, kinh tế Vĩnh Long đã có những bước tiến vượt bậc và trở thành điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Diệp- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh- khẳng định: “Tiềm năng và ưu thế về đầu tư vào Vĩnh Long là rất lớn. Chắc chắn nhà đầu tư đến với Vĩnh Long sẽ đạt được những hiệu quả tốt nhất”.

Theo Ban Quản lý Các KCN, đến năm 2015, vốn đăng ký đầu tư vào KCN trên 3.981 tỷ đồng và 124,3 triệu USD, tạo việc làm cho 21.500 lao động.

Cũng theo Ban Quản lý Các khu CN, bình quân 1ha đất CN tạo ra giá trị sản xuất 49,73 tỷ đồng/năm (năm 2014), giá trị xuất khẩu 1,14 triệu USD và tạo việc làm cho hơn 105 lao động.

Cùng với tư duy đổi mới, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải cách hành chính cũng được Tỉnh ủy- UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt.

Tỉnh cũng ban hành các văn bản chấn chỉnh thái độ phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, trách nhiệm của cán bộ từ tỉnh xuống cơ sở được cải thiện và chất lượng công tác nâng lên thấy rõ.

Đánh giá của BCH Đảng bộ tỉnh cho thấy, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn này gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế Vĩnh Long vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cơ bản đúng hướng và đạt mức tăng trưởng 5,86%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và hợp lý hơn. Quy mô kinh tế tiếp tục mở rộng đạt 38.403 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 1.597 USD, tăng 1,46 lần hay 504 USD so với năm 2010. Đến năm 2015 tỉnh đã đạt trình độ phát triển trung bình khá ở khu vực ĐBSCL.

Cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới tư duy sản xuất

Có thể thấy sự đổi mới trong quản lý, điều hành của lãnh đạo tỉnh đã tạo chuyển biến lớn, hiệu ứng tích cực trong thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Gabor Fluit- Tổng Giám đốc Công ty TNHH De Heus (Hà Lan)- cho rằng: “Môi trường kinh doanh, đầu tư ở Vĩnh Long minh bạch và thông thoáng, chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm được cấp phép đầu tư và hỗ trợ về mọi mặt trong quá trình hoạt động…”

Chính vì vậy, ngoài nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản tại KCN Hòa Phú (đi vào hoạt động từ 2011), năm 2016 doanh nghiệp quyết định đầu tư thêm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại xã Mỹ An (Mang Thít).

Trong xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng mở đường phát triển kinh tế qua định hướng nâng chất nền kinh tế, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

Thời gian này, bên cạnh KCN “kiểu mẫu” Hòa Phú giai đoạn 1 đã định hình và kêu gọi đầu tư giai đoạn 2; KCN Bình Minh kêu gọi đầu tư, Tuyến CN Cổ Chiên càng sôi động… tạo sức bật quan trọng tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Phát triển CN ở Vĩnh Long đã hình thành lực lượng lao động trình độ ngày càng cao và “có tác phong CN”.
Phát triển CN ở Vĩnh Long đã hình thành lực lượng lao động trình độ ngày càng cao và “có tác phong CN”.

Những cánh đồng mẫu lớn mở ra hướng sản xuất liên kết bền vững. Đặc biệt, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014- 2020, đã được Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành, tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp tăng trưởng bền vững và có khả năng cạnh tranh.

Hướng đến liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa, dần hình thành vùng sản xuất chuyên canh có hiệu quả kinh tế cao...

Ông Nguyễn Văn Bé Bảy- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hồi Tường được thành lập cuối năm 2011 (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) cho biết: “HTX đã thực hiện tốt khâu liên kết đầu vào lẫn đầu ra, gắn kết các doanh nghiệp bao tiêu lúa của thành viên”.

Để làm được điều đó, Ban quản trị HTX phải “vừa vận động vừa phân tích thiệt hơn về lợi ích giữa làm HTX và riêng lẻ”. Kinh nghiệm của ông Bé Bảy là: để người dân tin và nghe, người đứng đầu HTX và Ban quản trị phải đồng lòng, thuyết phục bằng hành động cụ thể và khoa học.

Thay đổi tư duy sản xuất đồng thời hướng người dân vào sản xuất lớn cũng đã định hình trong giai đoạn này.

Nguồn lao động tạo sức bật phát triển CN

Trong khi đó, trước nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp CN hóa, hiện đại hóa, từ Đại hội lần thứ IX, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu phát triển nâng cao nguồn nhân lực là 1 trong 2 khâu đột phá. Qua đó, đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn 2010- 2015 và định hướng đến năm 2020.

Hệ thống các trường ĐH, CĐ, trung cấp nghề… góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn lao động chất lượng cao và có tay nghề cung ứng cho nhà đầu tư, các KCN.

Phát triển nguồn nhân lực cũng là kế hoạch chiến lược của các doanh nghiệp, qua việc chú trọng thu nhập, xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ để người lao động gắn bó lâu dài.

Lãnh đạo Công ty CP May Vĩnh Tiến cho rằng: “Đến năm 2015, kinh tế Vĩnh Long đã thay đổi rất nhiều. Nguồn nhân lực đã có tay nghề cao hơn, tổ chức sản xuất khoa học, nhiều người đảm trách điều hành, quản lý quy trình hiện đại và đặc biệt có tác phong công nghiệp”.

Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng nguồn nhân lực sẵn có tại địa phương để đào tạo, nâng tay nghề, tạo nguồn lực ổn định cho phát triển bền vững.

Giám đốc điều hành một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài ở KCN Hòa Phú từng đánh giá rất cao khả năng hòa nhập, thích nghi của lao động Vĩnh Long.

Đảm nhận các vị trí quan trọng tại chi nhánh: điều hành sản xuất, quản lý nhân sự, trở thành lãnh đạo quản lý cho các công ty đa quốc gia ngay tại trên quê hương mình- không còn là ước mơ xa vời đối với nhiều người lao động có khát khao thăng tiến và hội nhập cùng lao động quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Quang- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh

Với sự đổi mới trong tư duy, sự năng động, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Vĩnh Long đã cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn lực của các thành phần và khu vực kinh tế. Đồng thời, bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.

Ông Trần Hoàng Tựu- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Việc liên kết qua HTX là mô hình cơ bản nhất để đảm bảo quyền lợi, quyền làm chủ của nông dân. Và chỉ có phá bỏ những rào cản, lối mòn trong tư duy, cởi trói cho ruộng đồng, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mới có thể nâng tầm cho ngành nông nghiệp.

Kỳ sau: “Vùng đất mở”- kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC