Luật Quản lý thuế 2019- Cơ sở pháp lý hướng đến xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại

02:04, 13/04/2021

Luật Quản lý thuế (QLT) số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 bổ sung các quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa công tác QLT và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế (NNT) cũng như cơ quan QLT. Để làm rõ vấn đề này, PV Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hồng Lĩnh- Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long.

Luật Quản lý thuế (QLT) số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 bổ sung các quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa công tác QLT và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế (NNT) cũng như cơ quan QLT. Để làm rõ vấn đề này, PV Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hồng Lĩnh- Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long.

* Xin bà cho biết những điểm mới nổi bật của Luật QLT?

- Luật QLT số 38/2019/QH14 có một số điểm mới nổi bật gồm: kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với người có thu nhập từ tiền lương, tiền công; miễn thuế đối với cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hàng năm sau quyết toán thuế TNCN từ tiền lương, tiền công từ 50.000đ trở xuống; mở rộng quyền của NNT; lần đầu tiên quy định QLT đối với hoạt động thương mại điện tử; siết chặt quản lý hoạt động chuyển giá; sửa đổi, bổ sung quy định về khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế; bổ sung các quy định mới về đăng ký thuế như thông báo khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh và đăng ký thuế trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp; khôi phục mã số thuế; ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan QLT, cung cấp tài khoản cho cơ quan thuế trong một số trường hợp cần thiết.

* Những điểm mới trên đã tác động ra sao đến NNT và cơ quan QLT, thưa bà?

- Luật QLT đáp ứng được các yêu cầu thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước nhằm tăng nguồn thu từ thuế, phí, mở rộng cơ sở thu bảo đảm bao quát toàn bộ nguồn thu theo tinh thần của Nghị quyết số 07 ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị. Đồng thời, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh và điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, trong đó coi trọng phát triển thành phần kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, việc cải cách thủ tục QLT hướng tới hoạt động quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện cũng là mục tiêu ưu tiên hàng đầu được quy định tại Luật QLT. Luật QLT đã tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại cho công tác QLT, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến QLT điện tử, giao dịch điện tử.

Luật QLT sửa đổi, bổ sung theo hướng lấy doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ và tăng quyền lợi cho NNT. Qua đó, góp phần tạo dựng niềm tin vào cơ quan thuế từ phía đối tượng NNT. Đây chắc chắn sẽ là điểm hóa giải hiệu quả để nâng cao tính tự giác chấp hành quy định pháp luật về thuế của NNT… thể hiện chính sách đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp. Luật QLT tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NNT, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế- xã hội.

Ngoài ra, Luật QLT cũng nhằm tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định đa phương, song phương về thuế.

* Để đưa Luật QLT đi vào cuộc sống và là hành lang pháp lý cho NNT lẫn cơ quan QLT, ngành thuế tỉnh đã có giải pháp thế nào, thưa bà?

- Luật QLT tạo cơ sở pháp lý hướng tới xây dựng hệ thống QLT hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của NNT. Đồng thời, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan QLT cũng như các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong QLT. Vì thế, ngay sau khi Luật QLT được thông qua, ngành thuế nói chung và Cục Thuế Vĩnh Long nói riêng đã có những bước tuyên truyền phổ biến trên trang thông tin điện tử và qua các phương tiện thông tin như báo, đài. Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh còn phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức hội nghị tuyên truyền về điểm mới của Luật QLT thông qua hình thức đối thoại.

Để Luật QLT sớm đi vào cuộc sống và là hành lang pháp lý cho NNT lẫn cơ quan QLT, ngành thuế tỉnh đã và đang tích cực đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo thông tư hướng dẫn các nghị định hướng dẫn thi hành Luật QLT. Thời gian tới, để công tác QLT đạt được hiệu quả cao hơn, ngành thuế tỉnh sẽ tập trung vào một số giải pháp như sau:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho NNT theo từng nhóm đối tượng để NNT nắm rõ và chủ động thực hiện nghĩa vụ thuế. Theo đó, dịch vụ hỗ trợ NNT được thống nhất thực hiện chủ yếu bằng hình thức điện tử trực tuyến.

- Đổi mới và tăng cường năng lực công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tuân thủ đối với NNT trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, chú trọng nâng cao kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong một số lĩnh vực giá chuyển nhượng, thương mại điện tử; đôn đốc kịp thời, đầy đủ các khoản nợ thuế vào ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật thuế, giảm nợ đọng thuế.

- Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan thuế về những hoạt động của mình trong phạm vi khuôn khổ trách nhiệm trước người dân thông qua các hội nghị đối thoại với NNT.

* Trân trọng cảm ơn bà!

TẤN PHONG (thực hiện)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh