Để xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long phù hợp với định hướng tại Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết "về việc thông qua đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050".
(VLO) Để xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long phù hợp với định hướng tại Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết “về việc thông qua đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Qua 3 năm thực hiện nghị quyết trên (2018- 2020), việc phân bố các vùng chức năng đã từng bước hình thành, trong đó định hướng phát triển hệ thống đô thị trong vùng đã và đang đi đúng hướng, tiến độ, góp phần thực hiện có hiệu quả nghị quyết đã đề ra.
Phát triển đô thị TP Vĩnh Long- cần đặt trong sự phát triển chung của tỉnh. |
Phát triển đô thị đúng định hướng, tiến độ
Nghị quyết 95 ngày 1/2/2018 của HĐND tỉnh “về việc thông qua đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đề ra mục tiêu: trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hợp lý, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của đất nước, góp phần quan trọng xây dựng vùng ĐBSCL giàu mạnh, các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và quốc phòng- an ninh.
Lộ trình cụ thể là: Đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long cơ bản là tỉnh có dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp phát triển toàn diện. Đến năm 2050, tỉnh Vĩnh Long là trung tâm dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp công nghệ cao phát triển cân bằng và
bền vững.
Theo định hướng phát triển hệ thống đô thị trong vùng: Đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Long có 8 đô thị, trong đó đô thị loại II là TP Vĩnh Long; đô thị loại III là TX Bình Minh và 6 đô thị loại V gồm các thị trấn: Trà Ôn, Vũng Liêm, Long Hồ, Tam Bình, Cái Nhum, Tân Quới.
Cùng với đó, giai đoạn 2016- 2020, thành lập thị trấn Tân Quới (huyện Bình Tân), nâng cấp 4 xã của TP Vĩnh Long lên phường (Tân Hòa, Tân Hội, Trường An, Tân Ngãi).
Qua 3 năm nhìn lại cho thấy, việc phát triển hệ thống đô thị của tỉnh đã đúng định hướng và tiến độ. Theo đó, 4 xã còn lại của TP Vĩnh Long đã đón tin vui “xã lên phường” vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Cùng với đó, xã Tân Quới chính thức trở thành thị trấn Tân Quới- trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của xứ rẫy Bình Tân.
Nối tiếp niềm vui đó, ngày 31/7/2020, TP Vĩnh Long được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại II, TX Bình Minh được Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại III.
Là người “sống cố cựu” ở Tân Quới, ông Phan Văn Dầy phấn khởi vì nơi này có sự phát triển từng ngày rõ nét: “Trước kia, người dân phải qua cầu khỉ, mỗi mùa nước nổi là ngập lênh láng, muốn cất nhà phải vác cát đi lèng xèng.
Ngày nay, điện sáng trưng, nước sạch đã về phủ hết, học sinh được học trong những ngôi trường đạt chuẩn, nhà cửa khang trang, đường đi được bê tông, nhựa hóa đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa”.
Hiện, thị trấn Tân Quới đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nhằm hướng tới phát triển công nghiệp- thương mại- dịch vụ mạnh mẽ hơn. Trong đó, đang kêu gọi đầu tư khu đô thị, trung tâm thương mại, khu công nghiệp và khu du lịch sinh thái...
Việc thành lập thị trấn Tân Quới đã đáp ứng nguyện vọng từ lâu của chính quyền và người dân về một đô thị trung tâm- tạo động lực phát triển cho vùng đất rẫy nói riêng và các vùng lân cận.
Tới đây, thị trấn Tân Quới sẽ tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình. Trong đó, tận dụng lợi thế “chung một dòng sông với TP Cần Thơ” để đưa vùng đất cặp sông Hậu ngày càng phát triển.
Phát triển đô thị đặt trong sự phát triển chung
Hơn 10 năm kể từ khi lên thành phố (2009), tình hình quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn TP Vĩnh Long phát triển mạnh mẽ. Không gian phát triển đô thị mở rộng- không chỉ “gói gọn” trong phạm vi của thành phố mà còn phát triển lan tỏa sang huyện lân cận.
TP Vĩnh Long được công nhận đô thị loại II vào tháng 7/2020. |
“Việc xã lên phường đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân bấy lâu nay. Qua đó, tạo sự phấn khởi và khí thế mới, nâng cao ý thức là người đô thị”- Bí thư phường Trường An Đỗ Tiệp nói.
Ông Nguyễn Ngọc Công ở khóm Tân Quới Đông (phường Trường An) nhắc nhớ: “Hơn 10 năm trước, ở đây toàn là đồng ruộng, nhà cửa thưa thớt lắm. Giờ thì đường nhựa tới nhà, dân cư ngày càng đông đúc, thành phố khang trang hơn”.
Ông Nguyễn Minh Dũng- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nhiệm kỳ 2016- 2021, các nghị quyết của HĐND sau khi ban hành đã được UBND cụ thể hóa, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh... đồng thời giải quyết những vấn đề bức xúc của cử tri. |
TP Vĩnh Long giữ vị trí đầu mối giao thông, giao thương quan trọng của tỉnh và vùng ĐBSCL, có tuyến đường thủy quốc tế đi Campuchia và các nước lân cận.
Đồng thời, là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực của tỉnh và vùng ĐBSCL.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời đánh giá: “TP Vĩnh Long được Thủ tướng Chính phủ công nhận ĐT loại II là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố”.
TX Bình Minh- đô thị lớn thứ hai của tỉnh- tiếp giáp với TP Cần Thơ. Đây là đầu mối giao thương quan trọng của tỉnh với vùng ĐBSCL thông qua cảng Bình Minh, QL1, QL54 và đường sắt cao tốc trong tương lai.
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời ghi nhận: “TX Bình Minh được Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại III là thành quả quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX Bình Minh.
Đây còn là cơ hội để Bình Minh tiếp tục phấn đấu hoàn thiện nâng cao chất lượng đô thị về mọi mặt, đảm nhiệm tốt vai trò là đô thị hạt nhân, là vùng phát triển kinh tế động lực phía Tây của tỉnh”.
Tại lễ công bố quyết định công nhận TP Vĩnh Long là đô thị loại II và TX Bình Minh là đô thị loại III, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh lưu ý, TP Vĩnh Long và TX Bình Minh cần tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống chỉ tiêu đô thị đã đạt được, nhất là các chỉ tiêu mới đạt ở mức còn thấp.
Đặc biệt, sự phát triển của 2 đô thị phải đặt trong sự phát triển chung của tỉnh, phát triển kinh tế phải đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, tích cực thu hút đầu tư và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị.
Ưu tiên các công trình hạ tầng công cộng nhằm phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp.
TP Vĩnh Long được công nhận đô thị loại II vào tháng 7/2020. Theo Nghị quyết 95 của HĐND tỉnh, sẽ ưu tiên nâng cấp thị trấn Trà Ôn và Vũng Liêm lên đô thị loại IV vào năm 2025; thành lập 3 đô thị mới là đô thị loại V (Phú Quới, Cái Ngang, Hựu Thành) vào năm 2030. Đến năm 2030, có 11 đô thị, trong đó đô thị loại II là TP Vĩnh Long; đô thị loại III là TX Bình Minh; 2 đô thị loại IV gồm thị trấn Trà Ôn và Vũng Liêm; 7 đô thị loại V gồm: thị trấn Long Hồ, Cái Nhum, Tam Bình, Tân Quới, Phú Quới, Cái Ngang, Hựu Thành. |
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG- SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin