Xâm nhập mặn ở Vĩnh Long: Nắm vững quy luật để tránh mặn, lấy nước ngọt

05:03, 05/03/2021

 Xâm nhập mặn (XNM) trong mùa khô năm nay ở vùng ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long) đang trong thời kỳ cao điểm và dự báo còn kéo dài tới tháng 5. Các địa phương, tổ chức và người dân cần nắm vững quy luật hoạt động của loại thiên tai này để có phương án, kế hoạch khai thác nguồn nước hợp lý…

 

Độ mặn vùng ven và trên các sông chính luôn cao hơn vùng nội đồng.
Độ mặn vùng ven và trên các sông chính luôn cao hơn vùng nội đồng.

(VLO) Xâm nhập mặn (XNM) trong mùa khô năm nay ở vùng ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long) đang trong thời kỳ cao điểm và dự báo còn kéo dài tới tháng 5. Các địa phương, tổ chức và người dân cần nắm vững quy luật hoạt động của loại thiên tai này để có phương án, kế hoạch khai thác nguồn nước hợp lý…

Quy luật xâm nhập mặn

Những nghiên cứu gần đây của các cơ quan chuyên môn cho thấy, ở vùng ven biển ĐBSCL, tuy độ mặn không còn diễn biến như trước đây (cao nhất vào cuối mùa khô, thường là vào tháng 4, đôi khi đầu tháng 5 mà thường xuất hiện sớm hơn, khoảng đầu tháng 12, thường đạt đỉnh vào tháng 2, tháng 3) nhưng vẫn còn theo quy luật: “Những ngày triều cường thì độ mặn cao hơn những ngày triều kém.

Độ mặn lớn nhất vào lúc đỉnh triều cao nhất và đỉnh triều thấp nhất. Gió chướng càng hoạt động mạnh, lượng nước xả từ thượng nguồn về thấp và mưa trái mùa xảy ra ít thì độ mặn càng cao và lấn sâu vào đất liền hơn.

Năm bị ảnh hưởng của hiện tượng El Nino (pha nóng) như đã xảy ra vào mùa khô năm 2015- 2020) thì XNM trở nên gay gắt hơn năm bị hiện tượng La Nina (pha lạnh)...”.

Ngoài ra, sự truyền nước mặn từ biển vào các sông chính trong vùng, hiện tượng khuyếch tán đóng vai trò quan trọng trong việc đưa mặn lên cao hơn và tỏa ra toàn mặt cắt sông.

Về lý thuyết, nếu dòng chảy êm thì mặn sẽ ít bị trộn lẫn tại thành “nêm mặn” (ranh giới nước mặn- nước ngọt) theo dòng triều. Lúc này, độ mặn trên một mặt cắt của dòng sông sẽ bị phân hóa rõ rệt giữa mặt trên và mặt dưới sâu, giữa dòng sông và đôi bờ.

Nhưng thực tế, nước mặn- ngọt bị trộn lẫn nhau, độ mặn mặt và đáy sông gần như bằng nhau trong suốt quá trình triều.

Tại Vĩnh Long, vùng ven và trên các sông chính (sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hậu) chịu ảnh hưởng XNM cao hơn vùng nội đồng. Số liệu thống kê quan trắc ở huyện Vũng Liêm, Trà Ôn trong những năm qua cho thấy: Độ mặn trên sông Hậu, sông Cổ Chiên thường lên cao và đạt đỉnh trong các tháng đầu mùa khô (tháng 1 đến tháng 2), sau đó duy trì ở mức thấp hơn 1,5‰ (phần ngàn).

Các tháng cuối mùa khô (tháng 4, tháng 5), có vài đợt mặn lên cao trở lại. Khi độ mặn sông Cổ Chiên, sông Hậu lên mức 5‰ thì sông, rạch ở vùng nội đồng xa 2 sông lớn này như tại xã Hựu Thành (Trà Ôn) trên kinh Trà Ngoa còn nước ngọt, độ mặn nhỏ hơn hoặc xấp xỉ 1‰.

Vận hành công trình hợp lý để lấy nước ngọt

Việc vận hành công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt trong thời gian mặn lên cao cần tuân theo quy trình vận hành, dựa vào quy luật truyền mặn nêu trên và tùy theo từng địa phương để vừa ngăn, tránh được mặn, đồng thời có thể khai thác tốt nguồn nước ngọt tại chỗ.

Đối với Vĩnh Long, do hướng XNM từ phía Đông (phía Biển Đông) tiến vào phía Tây (phía đất liền) theo thủy triều lên, nên phải tiến hành đóng các cửa cống thủy lợi để ngăn mặn và lấy nước ngọt cũng theo trình tự từ hướng đó.

Tức là đóng các cống, ưu tiên lấy nước ngọt trước từ các vùng ven sông lớn vào nội đồng; từ huyện Vũng Liêm trước rồi đến huyện Mang Thít và TP Vĩnh Long sau (phía sông Cổ Chiên); từ huyện Trà Ôn trước rồi đến Tam Bình, TX Bình Minh (phía sông Hậu); từ xã Bình Hòa Phước trước rồi đến xã Đồng Phú, Hòa Ninh (Long Hồ) phía sông Tiền.

Việc vận hành cống đảm bảo giảm nồng độ mặn trên các kinh, rạch xuống dưới 1,5‰, nhưng thông thường độ mặn 2‰ lên đến đâu là đóng cống đến đó.

Trường hợp xâm nhập mặn nhẹ: Khi độ mặn tại vàm Măng Thít, vàm Trà Ôn dự kiến dưới 2‰; vàm Vũng Liêm, cống Nàng Âm (Vũng Liêm) và vàm Tân Dinh (Trà Ôn) dưới 3‰ nên thực hiện đóng cống ngăn mặn ở các xã ven và trên sông Cổ Chiên (thuộc Vũng Liêm), các xã ven và trên sông Hậu thuộc huyện Trà Ôn và xã Bình Hòa Phước (Long Hồ). Các vùng khác thì đóng, mở cống bình thường.

Trường hợp xảy ra XNM cao như mùa khô năm 2015- 2016: Độ mặn tại vàm Măng Thít, vàm Tân Dinh xấp xỉ 5‰, vàm Vũng Liêm, cống Nàng Âm từ 6- 8‰, trong nội đồng từ 1- 2‰, thì nên đóng toàn bộ cống ngăn mặn ở các xã ven sông Cổ Chiên từ QL53 và Đường tỉnh 902 trở ra và các xã trên sông Cổ Chiên (thuộc Vũng Liêm), các xã ven sông Hậu từ QL54 trở ra, một phần khu vực gần QL54 (thuộc Trà Ôn), các xã ven sông Cổ Chiên, sông Măng (thuộc Mang Thít). Các vùng khác đóng cống hạn chế.

Ngưng bơm hút thu nước cho các nhà máy nước sinh hoạt khi độ mặn từ 3‰ trở lên và bơm hút lúc triều xuống khi độ mặn xuống thấp hơn 3‰.

Đối với trường hợp XNM rất sâu, độ mặn lên rất cao như xảy ra trong mùa khô 2019- 2020. Theo đó, độ mặn tại vàm Trà Ôn (thị trấn Trà Ôn) lên trên 2‰; vàm Măng Thít xấp xỉ 7‰, vàm Tân Dinh xấp xỉ 8‰; vàm Vũng Liêm, cống Nàng Âm trên 10‰, vàm Cái Muối và vàm Đồng Phú xấp xỉ 4,5‰; trong nội đồng trên 3‰.

Nên đóng toàn bộ cống ngăn mặn ở Vũng Liêm, ở Trà Ôn, 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ, các xã ven sông Cổ Chiên thuộc huyện Mang Thít, các xã ven sông Măng thuộc huyện Mang Thít và thuộc huyện Tam Bình và các xã ven sông Hậu thuộc TX Bình Minh.

Đồng thời trữ nước trong đồng triệt để, mở cống hạn chế ở vùng khác, ngưng bơm hút thu nước cho các trạm cấp nước sinh hoạt sử dụng nước mặt khi độ mặn từ 3‰ trở lên và bơm hút trở lại lúc triều xuống khi độ mặn xuống thấp hơn 3‰.

Lấy nước phù hợp cho từng đối tượng

Để lấy nước hợp lý cho từng loại cây trồng, vật nuôi và nước sinh hoạt trong thời gian độ mặn sông, rạch lên cao thì tốt nhất là hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nên tự trang bị máy đo mặn đủ chuẩn để đo mặn trước khi sử dụng nguồn nước.

Một số tiêu chuẩn cấp nước được khuyến cáo áp dụng cho cây trồng, vật nuôi và nước sinh hoạt như: nước sông, rạch cấp cho người, gia súc có độ mặn không lớn hơn 0,4‰, tưới cho lúa ở giai đoạn mạ không quá 1‰, không quá 4‰ cho lúa ở giai đoạn sinh trưởng.

Lưu ý, đối với lúa, vào những ngày mặn lên cao (nhưng dưới 4‰) nếu cần lấy nước tưới thì lấy nước vào ruộng và xả nước ra liên tục nhưng không được giữ nước trong ruộng quá lâu vì sẽ làm tăng độ mặn cho đất.

Đối với rau màu, cây ăn trái, tiêu chuẩn độ mặn càng thấp hơn, đặc biệt là cây ăn trái mới ra hoa và ra đọt non, cách tốt nhất là lấy nước ngọt trữ trong ao hồ mương vũng để tưới. Đối với cấp nước cho người và gia súc, cách tốt nhất là dùng nước mưa, nước trữ trong ao hồ ở mùa trước, kiểm tra độ mặn trên sông, rạch khi dưới 0,4‰ mới đem lên đun nấu ăn.

Biện pháp khả thi nhất hiện nay là tăng cường đo, theo dõi diễn biến độ mặn, loan báo rộng rãi đến tận các nơi, tận người dân biết để chủ động phòng tránh. Việc biết rõ quy luật diễn biến XNM giúp có thể lấy nước ngọt một cách tốt nhất để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Bài, ảnh: HÀ THÀNH THẶNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh