Vận hành hệ thống thủy lợi: Cần sự phối hợp liên vùng

04:03, 16/03/2021

Việc vận hành hợp lý hệ thống thủy lợi trong mùa khô sẽ giúp nâng cao hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt, điều tiết nước, phục vụ sản xuất, dân sinh. Tuy nhiên, việc làm này đòi hỏi phối hợp liên vùng, chia sẻ thông tin giữa các địa phương hưởng lợi từ công trình để hài hòa lợi ích cũng như phát huy hiệu quả công trình ở mức cao nhất.

 

Cống Vũng Liêm vận hành mở- đóng trong một con nước ngày 14/3 vừa qua.
Cống Vũng Liêm vận hành mở- đóng trong một con nước ngày 14/3 vừa qua.

Việc vận hành hợp lý hệ thống thủy lợi trong mùa khô sẽ giúp nâng cao hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt, điều tiết nước, phục vụ sản xuất, dân sinh. Tuy nhiên, việc làm này đòi hỏi phối hợp liên vùng, chia sẻ thông tin giữa các địa phương hưởng lợi từ công trình để hài hòa lợi ích cũng như phát huy hiệu quả công trình ở mức cao nhất.

Cần hài hòa lợi ích

Vào mùa khô, khi nước mặn xâm nhập theo con nước triều cường, việc vận hành đóng mở các cống ngăn mặn, trữ ngọt đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc bảo vệ sản xuất và dân sinh.

Thời gian qua, việc vận hành cống Vũng Liêm cũng như hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít nói chung đã góp phần kiểm soát mặn, triều cường, lấy nước và trữ nước ngọt, tiêu úng, thau chua, rửa phèn cho 171.626ha đất nông nghiệp và 225.682ha đất tự nhiên (trong đó Vĩnh Long có 49.020ha và tỉnh Trà Vinh 176.662ha) kết hợp nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, kết hợp tạo thành mạng lưới giao thông thủy- bộ liên hoàn.

Thực tế vận hành cống Vũng Liêm đang cho thấy cần sự phối hợp mang tính liên vùng để hài hòa lợi ích, phát huy tốt hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt giữa các địa phương hưởng lợi từ công trình giữa 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.

Theo ông Lê Phước Dũng- Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh, thời gian qua, khi mặn trên các sông chính tăng lên, khó có khả năng xuất hiện ngọt và không thể tiếp nước trong ngắn hạn. Các cống chính phía Trà Vinh phải đóng hoàn toàn.

Trong khi thời tiết đang rất nóng, độ ẩm trong không khí thấp làm cho lượng nước bốc hơi rất lớn. Do đó, việc đóng mở cống Vũng Liêm cũng có tác động rất lớn đến khả năng trữ ngọt của Trà Vinh. Bởi khi mở cống Vũng Liêm cho nước ra, lượng nước ngọt sẽ mất đi rất nhiều và không có nguồn để bù lại.

Ông Dũng cũng đề nghị hạn chế mở cống Vũng Liêm để tiêu thoát nước, nhằm hỗ trợ giữ ngọt cho Trà Vinh. Nếu thật sự cần thiết thì chỉ vận hành trong thời gian ngắn (khoảng 30 phút) để phục vụ giao thông thủy. Hiện nước trên sông Cổ Chiên đang mặn, các cống Cái Hóp, Láng Thé phía Trà Vinh đang đóng. Khi có nước ngọt, phía Trà Vinh sẽ vận hành mở cống lấy nước và sẽ có thông báo phối hợp với phía Vũng Liêm để vận hành cống này.

Ở một góc độ khác, theo bà Lê Thị Thanh Vân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, hiện nay gần 10.000ha lúa Đông Xuân của huyện chuẩn bị thu hoạch nên các khu vực chịu sự điều tiết nước của cống Vũng Liêm cần rút bớt nước để có thể thu hoạch lúa. Trong khi cống Vũng Liêm đã được đóng khi độ mặn chưa đến ngưỡng. Do đó, việc mở cống là cần thiết vì đây là nhu cầu chính đáng phục vụ sản xuất tại địa phương.

Theo ông Kiều Văn Công- Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (đơn vị vận hành cống Vũng Liêm) nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các địa phương, sau khi các bên đã bàn bạc thống nhất, đơn vị vận hành mở cống Vũng Liêm trong một con nước khi nước bình ròng và đóng lại khi nước chuẩn bị lớn để phục vụ sản xuất nông nghiệp và lưu thông thủy.

Đi đến thống nhất lịch vận hành

Để thống nhất về việc vận hành đóng- mở cửa cống Vũng Liêm, ngành chuyên môn của 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh đã có buổi họp với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10.

Theo đó, hiện nay việc đóng mở cống Vũng Liêm do Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm ra thông báo truyền lệnh của Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm đóng khi nước mặn trên 1‰. Tuy nhiên, do các đợt mặn thường kéo dài 5- 10 ngày nên trong khoảng thời gian này thường 3- 4 ngày huyện mới ra lệnh mở 1 lần để lưu thông tàu thuyền, xả ô nhiễm (mở khi nước bình ròng và đóng lại khi nước bắt đầu lớn lại). Khi nước mặn dưới 1‰ cống mở thông suốt.

Việc cống Vũng Liêm mở suốt thời gian khi hết mặn phần nào ảnh hưởng đến việc tích nước của huyện Càng Long, Châu Thành, Trà Cú của tỉnh Trà Vinh khi các cống Láng Thé, Cái Hóp nhồi nước.

Hiện nay, quy trình vận hành hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít đã được Bộ Nông nghiệp- PTNT ban hành, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, các bên thống nhất tổ chức vận hành theo quy trình vận hành được duyệt.

Các bên thực hiện vận hành cống Vũng Liêm theo nguyên tắc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Trà Vinh chủ trì cùng Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh phối hợp với UBND huyện Vũng Liêm, Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long xây dựng lịch vận hành cống Vũng Liêm và các công trình trong lưu vực dự án đảm bảo phù hợp thời vụ sản xuất và nhu cầu dùng nước của 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.

Trước vận hành đóng, mở cửa cống Vũng Liêm hoặc các công trình khác như cống Nàng Âm, Cái Tôm,… cần có sự trao đổi thống nhất giữa các bên. Ngoài ra, cần hạn chế đóng, mở cống vào ban đêm vì rất rủi ro cho giao thông thủy.

Ban hành quy trình vận hành hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít

Ngày 4/3/2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ký quyết định ban hành quy trình vận hành hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít về vận hành tưới, cấp, tiêu, thoát nước,… trong nhiều trường hợp cụ thể.

Riêng trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, cơ quan quản lý khai thác xây dựng phương án đảm bảo nguồn nước, báo cáo, xin ý kiến cấp thẩm quyền chấp thuận và thông báo chi tiết kế hoạch cho các cơ quan, đơn vị liên quan. Trong mùa khô, nếu điều kiện mực nước, độ mặn cho phép, tổ chức vận hành tối đa công trình chủ động lấy nước và trữ nước trong hệ thống. Đối với các cống cấp nước vùng sản xuất ngọt, khi độ mặn lớn hơn 1‰ trên các sông trục chính xuất hiện đến đâu thì đóng cửa của các cống đến đó.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh