Những năm gần đây, nông thôn Vĩnh Long có một hình thái định cư mới đang phát triển rất nhanh chóng, đó là dân cư chuyển hướng sống đông đúc ven các trục lộ giao thông bộ. Hình thái định cư này do đâu mà có và có những thuận lợi, trở ngại gì cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh?
(VLO) Những năm gần đây, nông thôn Vĩnh Long có một hình thái định cư mới đang phát triển rất nhanh chóng, đó là dân cư chuyển hướng sống đông đúc ven các trục lộ giao thông bộ. Hình thái định cư này do đâu mà có và có những thuận lợi, trở ngại gì cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh?
Đường liên ấp Phước Hanh A (xã nông thôn mới Phước Hậu- Long Hồ) là điển hình có dân cư ở đông đúc, đô thị hóa nhanh. |
Giao thông bộ mở mang, điện- nước sạch lan tỏa
Cũng như các tỉnh ở Nam bộ, trước đây ở Vĩnh Long, dân cư nông thôn thường định cư phân tán, kéo dài theo sông ngòi, kinh rạch để tiện cho khai thác đất đai và sản xuất nông nghiệp... dần dần tạo nên hình thái ở gắn liền với “canh tác” theo các tuyến sông, rạch gọi là “tuyến”.
Rồi nhà ở, chùa chiền, đình, miễu… đều xây cửa và lối đi hướng ra sông. Mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt, vận chuyển, đi lại… đều nhờ vào sông rạch.
Nhưng thời gian gần đây, có rất đông hộ dân nông thôn đã “quay lưng” với sông rạch, chuyển sinh sống tập trung đông đúc ven các tuyến đường bộ. Họ xây dựng công trình, nhà ở hướng về các trục lộ đã có hoặc mới, tạo ra hiện tượng “đô thị hóa tự phát nhanh ven các tuyến đường” mà chính quyền sở tại dường như “không kiểm soát nổi”.
Nhiều thửa đất ruộng, đất vườn màu mỡ đã biến thành những lô đất được cắm cọc phân lô, san nền bằng cát sông, hình thành những khu nhà liền kề, san sát nhau.
Những ngôi biệt thự sang trọng, những nhà xưởng, khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp, cửa hàng, cửa hiệu, khu thương mại, dịch vụ… cũng mọc lên như “nấm” ven đường, làm cho sinh cảnh ở nông thôn trở nên nhộn nhịp, sôi động như ở các đô thị chứ không còn như nông thôn xưa.
Rồi những nơi giao nhau của các tuyến đường mọc lên các “cụm” dân cư, có nhiều công trình thương mại, dịch vụ …quy mô hơn.
Có nhiều nguyên nhân thúc đẩy hộ dân nông thôn rời sông ra mặt tiền đường, nhưng quan trọng nhất là sự mở mang giao thông bộ và những tiện ích của nó mang lại.
Nhiều tuyến đường cũ được nâng cấp mở rộng, nhiều tuyến mới được xây dựng giúp giao thông thông suốt từ tỉnh đến huyện, xã liền xã, ấp liền ấp, khu- tuyến dân cư nối liền nhau, thông qua các chương trình đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi từ những năm trước, trong đó rõ nét nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới được khởi xướng từ năm 2010 đến nay.
Bộ mặt nông thôn đổi mới rõ rệt từ đó, người dân đã nhanh chóng tiếp cận những thành quả của hệ thống giao thông bộ mà xây dựng, sửa sang nhà cửa, công trình hướng ra đường bộ sau khi đường lộ được đầu tư xây dựng.
Nhiều hộ không còn mặn mà dựng nhà hướng ra sông, rạch do “đụng” hệ thống đê bao, bờ bao cao ngất dù tiện cho tưới tiêu nhưng cũng gây bất tiện khi đi lại bằng đường thủy…
Tuy nhiên có giao thông bộ thuận lợi mà không có nước sạch và điện sử dụng thì cũng không định cư được, không sản xuất, sinh hoạt được. Do đó, yếu tố điện-nước sạch quyết định cho xu thế dân cư sống ven các trục đường. Hiện nay, hầu hết hộ dân nông thôn trong tỉnh đều có nước sạch, điện sử dụng (cuối năm 2020, số hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung là 92%).
Cần cải tạo, hoàn thiện các “tuyến- cụm dân cư” theo quy hoạch để làm hạt nhân phát triển dân cư xung quanh. Trong ảnh: Tuyến dân cư vượt lũ xã Lộc Hòa. |
Minh chứng cho điều này có thể thấy, ven QL53- đoạn từ cầu Phó Mùi đến cầu Măng Thít trước đây rất ít nhà cửa ven đường mặc dù QL53 giao thông rất thuận lợi. Hộ dân ở đây gặp khó khăn sinh hoạt vào mùa khô khi đồng ruộng bị dí khô để cày ải. Vài năm trở lại đây, khu này nhộn nhịp hẳn lên, nhiều nhà cửa, quán xá, khu sản xuất công nghiệp mọc lên, là nhờ có nước máy và điện kéo về.
Sẽ tác động lớn nếu không kiểm soát tốt
Mặc dù hình thái định cư mới này làm thay đổi hẳn diện mạo nông thôn ngày nay, nhưng thực tế trong những năm qua cho thấy kiểu định cư này có nhiều bất cập.
Dân cư ở theo tuyến, Nhà nước tốn kinh phí đầu tư đường điện, đường cấp hệ thống cấp nước sạch và xử lý chất thải… hơn nhiều so với hình thái định cư theo “cụm” như ở các đô thị đã được quy hoạch.
Dân cư sống tập trung ven các tuyến đường ít nhiều cũng xâm lấn lòng, lề đường, hành lang giao thông đường bộ, nhất là tại các tuyến đường nông thôn vận động nhân dân hiến đất, giải tỏa, không bồi hoàn để kinh doanh, mua bán…làm phức tạp thêm tình hình trật tự, an toàn giao thông và mất làm dần những thửa ruộng, vườn phía sau tuyến đường.
Đất nông nghiệp dần được thay thế bằng đất thổ cư, thành khu- tuyến đô thị mới không theo quy hoạch. Đồng thời khó kiểm soát, xử lý chất thải (từ sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) dẫn đến làm ô nhiễm môi trường đất, nước ở những thửa ruộng, vườn liền kề với tuyến dân cư, gây ô nhiễm môi trường sống và sản xuất ở nông thôn.
Trước thực trạng đó, việc quy hoạch phát triển dân cư nông thôn trong tương lai ở tỉnh ta không nằm ngoài giải pháp chấn chỉnh sự phát triển tự phát “nhà cửa, công trình tiến ra đồng, đô thị hóa nhanh ven các tuyến đường”, thiếu kiểm soát như hiện nay; từng bước chuyển dần hình thái dân cư phân tán theo “tuyến” ven sông rạch, “tuyến” ven đường giao thông sang hình thái “tuyến- cụm” có tổ chức hơn, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, công trình công cộng phúc lợi để mọi người cơ hội tiếp cận.
Tỉnh cần cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện các “tuyến- cụm dân cư” đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan trong Chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư vùng ngập lụt triển khai thực hiện từ năm 2002, đến nay vẫn còn phù hợp để quy hoạch ổn định dân cư nông thôn trong thời gian tới, tạo đà để phát triển thành thị trấn, thị tứ trong tương lai làm hạt nhân phát triển khu vực nông thôn xung quanh.
Bài, ảnh: MỸ TRUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin