Sự kiện trọng đại nhất tuần qua được hàng triệu người dân ĐBSCL đặc biệt quan tâm, đó là việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Sự kiện trọng đại nhất tuần qua được hàng triệu người dân ĐBSCL đặc biệt quan tâm, đó là việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Nói đây là sự kiện trọng đại, bởi sau 3 năm kể từ sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết thì ĐBSCL gần như được “cởi trói” khi có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; hệ thống giao thông thủy lợi được đầu tư đồng bộ; sinh kế, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Một trong những dấu ấn được ghi nhận trong lĩnh vực nông nghiệp là việc giảm diện tích canh tác lúa vụ 3; nhiều mô hình canh tác ở vùng nước lợ, mặn được khuyến khích hiệu quả cao, nhiều giống lúa chịu mặn được thử nghiệm cho kết quả khích lệ; chuỗi giá trị một số ngành hàng nông sản ở ĐBSCL cũng đang dần cải thiện. Trục nông nghiệp xoay chuyển, từ ưu tiên số 1 là lúa gạo đã chuyển sang ưu tiên thủy sản, trái cây. Nếu như năm 2016, giá trị xuất khẩu nông nghiệp vùng chỉ 7 tỷ USD thì năm 2020 đã tăng lên 8,8 tỷ USD.
Và, một dấu ấn đặc biệt tại nghị quyết này là đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế- xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, lên đến năm 2100.
GS.TS. Mai Trọng Nhuận- Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về BĐKH- đã đánh giá, “ít có nghị quyết nào làm được như Nghị quyết 120” khi đã chuyển từ thế bị động sang chủ động để dễ thích ứng với BĐKH, chủ động ứng phó với những biến động bất lợi từ bên ngoài, trong đó có cả dịch bệnh. Nếu trước kia coi mặn lợ là “kẻ thù” thì nay được coi là tài nguyên để phát triển kinh tế. Phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019- 2020, thiệt hại chỉ bằng khoảng 10% so với đợt hạn mặn 2015- 2016 nhờ thay đổi thời vụ, cơ cấu giống lúa. Ngay trong những tháng đầu năm nay, dù ĐBSCL đang phải chịu hạn mặn, người dân vẫn có một vụ lúa được mùa, được giá.
Mục tiêu là lấy người dân làm trung tâm, từ đó giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới theo hướng “phát triển nhưng không để ai ở lại phía sau”, nghị quyết “thuận thiên” không chỉ hiệu quả mà đang đi đúng hướng, là kim chỉ nam phát triển vùng ĐBSCL bền vững, thịnh vượng và mang tính đột phá trong thời gian tới.
HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin