Chú trọng sử dụng hiệu quả nguồn nước

10:03, 09/03/2021

Bên cạnh việc chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, thì việc trữ nước và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước vẫn được xem là giải pháp lâu dài để thích ứng với hạn- mặn.

 

 Cần có biện pháp trữ nước và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước để thích ứng lâu dài với hạn- mặn. Trong ảnh: Nhà vườn ở Vũng Liêm chủ động đầu tư hệ thống trữ nước và lọc mặn.
Cần có biện pháp trữ nước và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước để thích ứng lâu dài với hạn- mặn. Trong ảnh: Nhà vườn ở Vũng Liêm chủ động đầu tư hệ thống trữ nước và lọc mặn.

(VLO) Bên cạnh việc chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, thì việc trữ nước và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước vẫn được xem là giải pháp lâu dài để thích ứng với hạn- mặn.

Tại hội thảo chuyển đổi giống cây trồng thích ứng hạn- mặn trên địa bàn huyện Vũng Liêm gần đây, TS. Lê Quốc Điền- Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (thuộc Viện Cây ăn quả Miền Nam)- cho biết hiện nay cây ăn trái đang được chuyển đổi sản xuất mạnh tại các địa phương theo định hướng cơ cấu lại của ngành nông nghiệp.

Huyện Vũng Liêm cũng như những vùng trồng cây ăn trái của tỉnh Vĩnh Long nói chung luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi những yếu tố liên quan đến nước và sẽ tiếp tục tác động bất lợi hơn nữa bởi yếu tố thượng nguồn, nước biển dâng…

Đối với cây ăn trái, vấn đề quan trọng hàng đầu là hệ thống thủy lợi phải đảm bảo chủ động kiểm soát môi trường nước. So với các loại cây trồng khác, cây ăn trái rất nhạy cảm với biến đổi môi trường, khả năng chịu hạn, mặn, ngập kém.

Trong khi chi phí đầu tư của nhà vườn là khá lớn cho nên khi để xảy ra hiện tượng cây chết sẽ ảnh hưởng đến sinh kế người dân và cần nhiều năm mới có thể khôi phục trồng lại vườn cây mới.

Nói riêng tại vùng trồng cây ăn trái của huyện Vũng Liêm có nhiều yếu tố ảnh hưởng, mà mặn là một trong những yếu tố giới hạn nghiêm trọng và lâu dài trên sự phát triển của cây ăn trái như làm cháy lá, rụng lá,…

Độ mặn cao trong đất gây mất cân bằng về khoáng chất, dẫn đến sự tích lũy các độc chất trong cây, ức chế sự phát triển của cây, làm giảm năng suất và phẩm chất trái, thậm chí chết cây. Để phát triển cây ăn trái trên vùng đất mặn cần áp dụng biện pháp canh tác riêng.

Bên cạnh phải lựa chọn những giống có thể chịu đựng được trên vùng đất mặn. Ngoài ra, thiếu nước và khô hạn có thể làm giảm 70% năng suất cây trồng nói chung. Chưa kể, nước ngập lũ kết hợp mặn sẽ gây thiệt hại rất nghiêm trọng.

Mùa lũ thường kéo dài hơn 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 11) và trong những năm gần đây, tần suất xuất hiện nhiều hơn với độ ngập sâu hơn, thời gian ngập lâu hơn các năm trước, làm thiệt hại nghiêm trọng cho nhà vườn.

Không những gây thiệt hại về diện tích, năng suất, sản lượng, lũ còn làm giảm phẩm chất các loại cây ăn trái. Vũng Liêm có lợi thế nguồn nước rất dồi dào, tuy nhiên cần có giải pháp dự trữ nước hiệu quả phục vụ chuyển đổi các loại cây ăn trái phù hợp, giống cây trồng có chất lượng.

Kết quả đánh giá nhanh của Viện Cây ăn quả Miền Nam tại những vùng chịu ảnh hưởng hạn- mặn thường xuyên thì sau hạn- mặn năm 2020, nhóm cây phục hồi nhanh do quen với điều kiện hạn- mặn như dừa, bưởi da xanh, sapo, xoài,…

Đối với vườn sầu riêng, mít, thanh long, mận, vú sữa,… thì sau 2 tháng cây mới phục hồi có và chưa thể cho trái trong năm 2020.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên cơ sở đánh giá mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của giống cây trồng tại những vùng có nguy cơ về hạn- mặn.
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên cơ sở đánh giá mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của giống cây trồng tại những vùng có nguy cơ về hạn- mặn.

Theo ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, trong đợt hạn- mặn mùa khô năm 2020, mặc dù huyện đã rút kinh nghiệm đợt hặn- mặn năm 2016 và có biện pháp chủ động ứng phó nhưng thiệt hại vẫn khá lớn, với trên 1.000ha cây trồng chịu ảnh hưởng, trong đó có trên 656ha cây ăn trái, nhất là 2 xã cù lao Thanh Bình và Quới Thiện.

Trong khi đó, việc ứng phó với hạn- mặn của địa phương còn không ít khó khăn khi nguồn vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi trên địa bàn rất lớn. Các công trình thủy bị ngăn mặn, trữ ngọt chưa đầu tư hoàn chỉnh nên còn một số khu vực bị ảnh hưởng mặn.

Ông Dương Ái Đạo cho biết thêm, với quan điểm tăng cường năng lực thích ứng của hệ thống sản xuất, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, tận dụng những yếu tố bất lợi do biến đổi khí hậu thành những lợi thế cho phát triển nông nghiệp.

Từ đó, huyện định hướng phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái thông qua việc giữ ổn định 1.200ha sầu riêng, phát triển 2.500ha cây bưởi da xanh tập trung ở những xã có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, thủy lợi hoàn chỉnh ven sông Cổ Chiên, sông Mang Thít.

Đồng thời, địa phương có kế hoạch chuyển đổi 1.500ha đất lúa sang trồng cam sành, ổn định và phát triển 4.500ha dừa, 300- 350ha lác, xen canh dừa với cây có múi,… để thích ứng với điều kiện canh tác thiếu nước, hạn- mặn.

TS. Lê Quốc Điền khuyến nghị cho Vũng Liêm cũng như những vùng sản xuất chịu ảnh hưởng hạn- mặn của Vĩnh Long nói chung: Để ứng phó với hạn- mặn lâu dài, bên cạnh những giống cây trồng phù hợp sản xuất, Viện Cây ăn quả Miền Nam đề xuất nhóm giải pháp cần được quan tâm đầu tư trong thời gian tới.

Theo đó, địa phương đánh giá lại nguồn tài nguyên nước từng khu vực, quy hoạch lại vùng trồng thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Đánh giá mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của giống cây trồng tại những vùng có nguy cơ về hạn- mặn để chuyển dịch cơ cấu cây trồng tương ứng.

Có biện pháp quản lý nước tưới và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả cho từng loại cây trồng. Tăng nguồn dự trữ nước mặt để cung cấp nước trong mùa khô ở quy mô và cấp độ khác nhau. Bố trí thêm nhiều hồ chứa nước, kinh mương tưới, hệ thống dẫn nước. Các vườn cây, trang trại lập thêm các hồ chứa nước mưa quy mô vừa và nhỏ để dự trữ nước tưới.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh