Chuẩn bị các công việc để phục vụ tốt cho cuộc tổng điều tra

05:03, 10/03/2021

Theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức tổng điều tra kinh tế năm 2021, từ ngày 1/3/2021, Tổng cục Thống kê triển khai tổ chức điều tra thu thập thông tin Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước. Liên quan đến nội dung này, PV Báo Vĩnh Long trao đổi với ông Hà Văn Ban- quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh- về vấn đề này.

 

(VLO) Theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức tổng điều tra kinh tế năm 2021, từ ngày 1/3/2021, Tổng cục Thống kê triển khai tổ chức điều tra thu thập thông tin Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước. Liên quan đến nội dung này, PV Báo Vĩnh Long trao đổi với ông Hà Văn Ban- quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh- về vấn đề này.

* Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021?

- Cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 thu thập thông tin về các cơ sở kinh tế, sự nghiệp nhằm đáp ứng các mục đích sau:

Một là, đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương.

Hai là, tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh- thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) năm 2020 theo Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và các chỉ tiêu thống kê khác thuộc hệ thống tài khoản quốc gia.

Ba là, cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế- xã hội; làm dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành thống kê, các bộ, ngành và địa phương.

* Tổng điều tra kinh tế năm 2021 sẽ có những đối tượng điều tra nào và phạm vi thực hiện của cuộc tổng điều tra, thưa ông?

- Đối tượng điều tra là tổ chức, cá nhân chứa đựng thông tin cần thu thập. Trong cuộc điều tra này, đối tượng điều tra được xác định là đơn vị cơ sở hay còn được gọi là đơn vị ngành kinh tế theo địa bàn. Đơn vị cơ sở là đơn vị kinh tế thỏa mãn các điều kiện theo quy định cụ thể.

Một đơn vị cơ sở đóng trên cùng một địa điểm nhưng thuộc địa bàn quản lý của từ 2 xã trở lên, quy ước theo diện tích lớn nhất của đơn vị cơ sở thuộc địa bàn xã nào thì đơn vị cơ sở được tính vào xã đó. Trường hợp chưa xác định được theo diện tích, tiếp tục căn cứ vào địa điểm thực hiện công tác quản lý (họp, phổ biến nghiệp vụ,…) để sắp xếp đơn vị cơ sở vào địa bàn xã phù hợp.

Căn cứ vào giá trị sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm chính do đơn vị cơ sở tạo ra để xác định ngành kinh tế của đơn vị cơ sở.

* Xin ông cho biết nội dung điều tra sẽ tập trung vào các nhóm thông tin nào, thời gian và phương pháp thu nhập thông tin ra sao?

- Nội dung điều tra sẽ tập trung vào các nhóm thông tin như sau:

Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra: thông tin định danh của cơ sở; ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh; các loại hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở trực thuộc của các tổ chức trên; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam;

Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động: thông tin về người đứng đầu; lao động của cơ sở; thu nhập của người lao động;

Thông tin về kết quả, chi phí sản xuất kinh doanh: tài sản, nguồn vốn; kết quả hoạt động, chi phí sản xuất kinh doanh; thuế và các khoản nộp ngân sách; vốn đầu tư; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D), đổi mới sáng tạo; các chỉ tiêu thống kê chuyên ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phân tổ theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam; tiêu dùng năng lượng;

Thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin: sử dụng phần mềm quản lý, tự động hóa cho sản xuất kinh doanh; sử dụng hình thức thương mại điện tử qua hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ trực tuyến; năng lực tiếp cận cách mạng Công nghiệp lần thứ 4;

Thông tin về tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế và thông tin chuyên đề về đơn vị điều tra.

Theo phương án của BCĐ Trung ương quy định: cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Điều tra các đơn vị thuộc khối doanh nghiệp và khối đơn vị sự nghiệp, hiệp hội. Hình thức thu thập thông tin là Web-form, từ ngày 1/3- 30/5/2021.

Giai đoạn 2: Điều tra các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Thời gian thu thập thông tin là 30 ngày, kể từ ngày 1- 30/7/2021. Hình thức thu thập thông tin là phiếu điện tử (CAPI).

* Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện tổng điều tra tại Vĩnh Long được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Để thực hiện tốt cuộc tổng điều tra theo Quyết định số 307/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, Cục Thống kê tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho cuộc tổng điều tra như: thành lập BCĐ và tổ thường trực các cấp (tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn), đồng thời ngày 28/1/2021 Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc thực hiện cuộc Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hoàn thành các công việc để phục vụ tốt cho cuộc tổng điều tra như: phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, lập danh sách hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên, quản trị hệ thống, phân quyền khối doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.

Tạo tài khoản và phân công trách nhiệm quản lý địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện. Triển khai rà soát, cập nhật danh sách nền khối đơn vị sự nghiệp, hiệp hội. Phân quyền quản trị dữ liệu, giám sát viên cấp tỉnh, cấp huyện, phân quyền điều tra viên khối doanh nghiệp và hiệp hội.

Hoàn thành công tác rà soát lập danh sách nền điều tra toàn bộ khoảng 3.200 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, 1.100 đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, trên địa bàn tỉnh và cụ thể từng huyện- thị xã- thành phố, 72.200 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đã được rà soát, cập nhật thời điểm 1/7/2020; 700 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

BCĐ tỉnh dự kiến tổ chức hội nghị triển khai tập huấn nghiệp vụ tổng điều tra cho BCĐ và tổ thường trực, giám sát viên cấp tỉnh, cấp huyện vào 2 ngày 11 và 12/3/2021. Sau đó, BCĐ các huyện- thị- thành sẽ tổ chức triển khai tập huấn nghiệp vụ cho BCĐ các xã- phường- thị trấn và điều tra viên, giám sát viên của địa phương mình dự kiến đến ngày 20/3/2021 sẽ hoàn thành dứt điểm công tác tập huấn và điều tra viên sẽ tiến hành công tác thu thập thông tin tại cơ sở.

* Xin cảm ơn ông.

TRẦN PHƯỚC (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh