Lựa chọn sách giáo khoa đúng quy trình, minh bạch, khách quan

08:03, 17/03/2021

Sau năm đầu tiên thực hiện sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 có không ít tranh cãi, vì vậy việc lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 cho năm học tới nhận được sự quan tâm của xã hội. 

Sau năm đầu tiên thực hiện sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 có không ít tranh cãi, vì vậy việc lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 cho năm học tới nhận được sự quan tâm của xã hội. Phóng viên Báo Vĩnh Long trao đổi với bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ đổi mới Chương trình SGK GDPT tỉnh Vĩnh Long- về vấn đề này.

Lựa chọn sách giáo khoa đúng quy trình, minh bạch, khách quan
 

* Theo lộ trình triển khai chương trình GDPT mới, năm học 2021- 2022 sẽ triển khai dạy học theo chương trình và SGK mới đối với lớp 2 và lớp 6. Xin bà cho biết Vĩnh Long đang thực hiện việc lựa chọn SGK như thế nào, tiến độ ra sao?

- Để chuẩn bị cho việc lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 năm học 2021- 2022 trên địa bàn tỉnh, ngành giáo dục đã triển khai và quán triệt Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/8/2020 của Bộ GD- ĐT quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT để đảm bảo việc lựa chọn SGK được tổ chức thực hiện đúng quy trình quy định, công khai, minh bạch, khách quan với tất cả các bản sách trong danh mục SGK được Bộ GD- ĐT phê duyệt.

Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã ban hành quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT tại tỉnh Vĩnh Long và quyết định thành lập các hội đồng lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6. Theo báo cáo của ngành giáo dục, các hội đồng sẽ thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ lựa chọn SGK trình UBND tỉnh phê duyệt vào đầu tháng 4/2021.

* Được biết, Vĩnh Long đang soạn tài liệu giáo dục địa phương. Xin cho biết thông tin xung quanh về tài liệu này như thế nào, thưa bà?

- Về việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập 3 ban biên soạn: cấp tiểu học, THCS, THPT và đang thực hiện nhiệm vụ biên soạn. Đến thời điểm hiện tại, tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 đã hoàn thành, báo cáo về Bộ GD- ĐT xem xét, quyết định. Tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 và lớp 6 đang tiếp tục biên soạn, dự kiến hoàn thành gửi hồ sơ về Bộ GD- ĐT vào trung tuần tháng 5/2021.

Nội dung giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,… của tỉnh Vĩnh Long. Chương tình giáo dục địa phương trong chương trình GDPT 2018 sẽ được thực hiện ở các môn học như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ,… Ở cấp tiểu học thì nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm của học sinh. Đối với cấp THCS và THPT thì nội dung giáo dục địa phương có thời lượng 35 tiết/năm học, tổng thời lượng trong cả 7 năm học là 245 tiết.

* Theo bà, để thực hiện tốt chương trình GDPT 2018 cho năm học 2021- 2022 sắp tới, Vĩnh Long mà cụ thể là ngành giáo dục cần chuẩn bị gì?

- Để thực hiện tốt chương trình GDPT 2018 cho năm học 2021- 2022 sắp tới, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều yếu tố và sự chung tay thực hiện của cả hệ thống chính trị mới có thể đi đến thành công.

Do đó theo tôi, trước tiên phải thực hiện tốt công tác truyền thông, đặc biệt tuyên truyền sâu rộng đến cha mẹ học sinh về những vấn đề cốt lõi nhất để cha mẹ học sinh cùng trách nhiệm và đồng hành với nhà trường nhất là việc lựa chọn, sử dụng SGK sắp tới.

Thứ hai là về đội ngũ, giáo viên phải nắm chắc chương trình, được tập huấn bài bản, kỹ lưỡng về những điểm mới trong nội dung, mục tiêu, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá, yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT 2018. Hiệu trưởng trường phổ thông, cán bộ quản lý các cấp phải nắm chắc chương trình, các yêu cầu của đổi mới, yêu cầu việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của từng nhà trường riêng… để thực hiện hiệu quả.

Thứ ba là về cơ sở vật chất, cần rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học để bổ sung; tập huấn việc sử dụng các thiết bị, đồ dùng dạy học mới để giáo viên phát huy tốt nhất hiệu quả đồ dùng dạy học khi áp dụng chương trình, xây dựng đề án xây dựng trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia theo các quy định mới song hành với mục tiêu thực hiện chương trình GDPT 2018.

Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 còn tiếp tục diễn biến nên cũng dự báo những khó khăn trong triển khai thực hiện chương trình trong năm học 2021- 2022. Do đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành giáo dục cần chủ động chuẩn bị các phương án và điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện tốt chương trình GDPT 2018.

* Cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn!

CAO HUYỀN (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh