UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021- 2026. Theo kế hoạch từ ngày 21/3 đến 13/4, các địa phương trong tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử, sau đó sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương lần 3 để lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh.
(VLO) UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021- 2026. Theo kế hoạch từ ngày 21/3 đến 13/4, các địa phương trong tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử, sau đó sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương lần 3 để lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh. Xoay quanh vấn đề này phóng viên vinhlong online có cuộc phỏng vấn bà Lê Hồng Đào- Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long.
- PV: Thưa bà, xin bà cho biết kết quả sơ bộ hội nghị hiệp thương lần thứ 2 này?
- Bà Lê Hồng Đào: Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 đã đạt được 2 kết quả quan trọng. Thứ nhất, hội nghị đã thống nhất lập được danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long với số lượng 12 người. Trong đó, tỷ lệ nữ đạt 58%; tỷ lệ trẻ dưới 40 tuổi đạt 33%; trình độ chuyên môn trên đại học đạt 52%.
Thứ hai, hội nghị đã thống nhất lập được danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021- 2026 với số lượng 101 người. Trong đó, tỷ lệ nữ đạt trên 40%; tỷ lệ trẻ dưới 40 tuổi xấp xỉ 27%; trình độ chuyên môn trên đại học đạt trên 62%.
Số lượng, thành phần, cơ cấu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh qua hội nghị hiệp thương đã đáp ứng yêu cầu quy định về pháp luật, cũng như yêu cầu về các tỷ lệ cơ cấu.
- PV: Theo kế hoạch, từ ngày 21/3 đến 13/4 sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử. Để đảm bảo việc lấy ý kiến chất lượng, hiệu quả, bà có những lưu ý gì?
- Bà Lê Hồng Đào: Để việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đạt kết quả tốt cần lưu ý các điểm sau: Cần xác định đúng địa điểm để lấy ý kiến nơi cư trú đó là tại ấp, khóm hoặc khu, nơi mà những người được giới thiệu ứng cử thường trú hoặc là tạm trú. Xác định đúng trách nhiệm của tổ chức có trách nhiệm lấy ý kiến nơi cư trú đó là Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp xã phối hợp cùng UBND cấp xã sẽ triệu tập và chủ trì hội nghị lấy ý kiến cử tri. Về nội dung, trình tự, thủ tục phải đảm bảo đúng quy định của Nghị quyết 1186 của Ban Thường vụ Quốc hội. Phải đặc biệt quan tâm là phải đảm bảo số lượng, thành phần cử tri tham dự theo đúng quy định.
Và điểm lưu ý cuối cùng, trong điều kiện hiện nay, khi tổ chức các hoạt động có đông cử tri tham gia ban tổ chức hội nghị cần thiết phải thực hiện các công việc phòng chống dịch COVID-19.
- PV: Luật Bầu cử có 98 điều thì có 40 điều quy định về vai trò, nhiệm vụ của MTTQ tham gia công tác bầu cử. Trong đó, công tác giám sát là một trong những nội dung rất quan trọng. Xin bà nói rõ hơn những nội dung giám sát của mặt trận trong cuộc bầu cử lần này, cũng như những giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả vai trò giám sát của mặt trận?
- Bà Lê Hồng Đào: Tại thời điểm hiện nay cho đến hết quá trình bầu cử, MTTQ sẽ trung giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; việc niêm yết danh sách cử tri và danh sách những người ứng cử; việc tiếp nhận, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử; việc thực hiện quy trình bỏ phiếu, kiểm phiếu trong ngày bầu cử.
Để thực hiện hiệu quả vai trò giám sát của UBMTTQ, chúng tôi sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp sau:
Nhóm giải pháp thứ nhất là mặt trận sẽ giám sát trực tiếp bằng việc tham gia vào các tổ chức phụ trách công tác bầu cử ở tất cả các ấp và thông qua 3 hội nghị hiệp thương của mặt trận; thông qua các hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú, các cuộc tiếp xúc cử tri để ứng cử viên tuyên truyền vận động bầu cử. Đồng thời giám sát qua các kênh phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng và nhân dân.
Nhóm giải pháp thứ hai là mặt trận sẽ tăng cường công tác phối hợp kiểm tra giám sát. Mặt trận sẽ cử đại diện của mặt trận tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đơn vị khi được yêu cầu.
Nhóm giải pháp thứ ba là mặt trận sẽ trực tiếp chủ trì tổ chức đoàn giám sát công tác bầu cử.
- Xin cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!
Xem video Phỏng vấn Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. |
NHÓM PHÓNG VIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin