Không lơ là con nước mặn đầu tháng 2 âm lịch

11:03, 13/03/2021

Độ mặn đang tăng trở lại theo con nước triều cường đầu tháng 2âl và còn nhiều biến động khó lường, ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương ĐBSCL cần có các biện pháp chủ động phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn trên cơ sở cập nhật kịp thời các thông tin dự báo.

 

Cống Vũng Liêm được đóng lại để ngăn mặn từ 17 giờ ngày 10/3.
Cống Vũng Liêm được đóng lại để ngăn mặn từ 17 giờ ngày 10/3.

(VLO) Độ mặn đang tăng trở lại theo con nước triều cường đầu tháng 2âl và còn nhiều biến động khó lường, ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương ĐBSCL cần có các biện pháp chủ động phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn trên cơ sở cập nhật kịp thời các thông tin dự báo.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long, sông Vàm Cỏ có xu thế tăng cao từ ngày 12- 16/3, sau đó giảm dần. Riêng sông Cái Lớn xâm nhập mặn có xu thế tăng cao từ ngày 16- 20/3.

Độ mặn cao nhất tại các trạm trong thời kỳ này phổ biến ở mức thấp hơn so với độ mặn cao nhất trong 10 ngày đầu tháng 3. Tuy nhiên cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL vẫn ở mức cấp 1- 2.

Đợt mặn lần này, chiều sâu ranh mặn 4‰ có phạm vi xâm nhập từ 65- 72km trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, từ 40- 45km các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, từ 46- 58km các sông Hàm Luông, Cổ Chiên, từ 45- 50km trên sông Hậu và từ 32- 36km trên sông Cái Lớn.

Các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong thời kỳ từ 27/3- 2/4, các sông Vàm Cỏ từ 9- 14/4 và 24- 30/4, trên sông Cái Lớn 31/3- 7/4 và 15- 24/4, sau giảm dần.

Cống Cái Tôm (xã Quới An) cũng đã được đóng lại để ngăn mặn.
Cống Cái Tôm (xã Quới An) cũng đã được đóng lại để ngăn mặn.

Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL còn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và nhiều biến động trong thời gian tới, do đó cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để có các biện pháp chủ động phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn.

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, trong khoảng thời gian mặn xâm nhập lần này hầu như không xuất hiện mưa nên nguồn nước hoàn toàn phụ thuộc vào nước đến từ lưu vực Mekong. Do đó, gió chướng mạnh có thể làm tăng mặn đột ngột trên các cửa sông Cửu Long.

Riêng vùng giữa ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long, mặn xuất hiện sớm đã ảnh hưởng đến các cửa lấy nước.

Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam khuyến cáo vùng này cần tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ nước và bơm hút khi cần. Khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn trái.

Dự báo từ cuối tháng 3/2021, nước điều tiết gia tăng từ thủy điện thượng nguồn sẽ làm giảm xâm nhập mặn. Tuy nhiên các địa phương chủ động các biện pháp phòng chống hạn- mặn trong tháng 3 thông qua việc vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước.

Đồng thời tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch, điều hành sản xuất phù hợp với các diễn biến nguồn nước.

Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long dự báo từ nay đến 20/3, mực nước trên các sông rạch trong tỉnh lên theo kỳ triều đầu tháng 2âl, mực nước đỉnh cao nhất khoảng 1,3- 1,4m, xuất hiện vào ngày 14- 15/3, xấp xỉ cùng thời kỳ năm trước và dưới báo động 1. Mực nước thấp nhất xuất hiện vào ngày 20/3, ở mức -1,10m- -1,2m, cao hơn cùng thời kỳ năm trước 0,18m.

Số liệu đo mặn cập nhật sáng 12/3/2021, độ mặn tại các trạm đo của Vĩnh Long đã tăng trở lại theo con nước triều cường đầu tháng 2âl. Cụ thể, độ mặn tại cống Nàng Âm 2,2‰, Quới An 0,8‰, Tích Thiện 0,6‰, Trà Ôn 0,3‰, Ngã Tư (xã Hiếu Nghĩa) 0,7‰, vàm rạch Cái Muối (xã Bình Hòa Phước) 0,2‰.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương cần thường xuyên kiểm tra độ mặn để có phương án phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn. Nhằm chủ động ứng phó với đợt xâm nhập mặn này, từ ngày 10/3 các cống ngăn mặn Vũng Liêm và Cái Tôm (xã Quới An) đã được đóng lại để ngăn mặn.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh