Chủ trì hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra quan điểm chiến lược tiếp cận mới để phát triển ĐBSCL với chiến lược "8G". Đây là những quan điểm quan trọng sẽ được bổ sung vào Nghị quyết 120- đưa ĐBSCL phát triển thịnh vượng trong tương lai.
Các tin liên quan |
Chủ trì hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra quan điểm chiến lược tiếp cận mới để phát triển ĐBSCL với chiến lược “8G”. Đây là những quan điểm quan trọng sẽ được bổ sung vào Nghị quyết 120- đưa ĐBSCL phát triển thịnh vượng trong tương lai.
ĐBSCL đã định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông. Trong ảnh: Công trình cầu Mỹ Thuận 2 đang được thi công. |
ĐBSCL chuyển mình mạnh mẽ theo hướng “thuận thiên”
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 vào năm 2017, các tỉnh- thành vùng ĐBSCL đã triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, mang lại nhiều kết quả tích cực.
Tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Chương trình hành động phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH trên địa bàn tại Quyết định số 183 ngày 22/1/2020. Từng nhiệm vụ được cụ thể hóa bằng các nội dung thực hiện cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế và được giao cho từng đơn vị sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực như: bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu về thông tin phát triển kinh tế xã hội toàn vùng. Chuyển đổi cơ cấu, tăng cường thích ứng với BĐKH. Các đề án, chương trình, đồ án quy hoạch trên địa bàn tỉnh đều được lồng ghép với nội dung thích ứng BĐKH…
Theo Bộ Tài nguyên- Môi trường, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120, ĐBSCL đã định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của vùng. Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung; quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành.
Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019- 2020 vừa qua, chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh, tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, trong 2 năm liên tục 2018 và 2019 đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 7,3%.
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp đã khẳng định chủ trương đúng đắn thuận thiên, chúng ta chủ động thích ứng với tác động của BĐKH, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng. Đời sống văn hóa, tinh thần từng bước nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống của vùng được bảo tồn, phát huy khai thác hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Vùng ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện; bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng.
Đưa “8G” vào Nghị quyết 120
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sát, trách nhiệm, đầy trăn trở. Điều đó cho thấy những tình cảm yêu mến mà các vị đại biểu và đặc biệt người dân dành cho vùng đất “chín rồng”.
Trích hai câu thơ “Sông Cửu Long chín cửa hai dòng/ Người thương anh vô số nhưng chỉ một lòng với em”, Thủ tướng nhấn mạnh miền Tây là một phần máu thịt, có vị trí, vai trò quan trọng với đất nước.
Nhận thức được tầm quan trọng của ĐBSCL, trong vòng một thập niên qua, Đảng, Nhà nước, nhất là những nhiệm kỳ gần đây đã có nhiều chủ trương, chính sách nguồn lực triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội ĐBSCL, nhất là trong bối cảnh khu vực này đang và có dự báo sẽ tiếp tục chịu tác động nặng nề nhất bởi BĐKH. Nghị quyết 120 của Chính phủ năm 2017 ra đời cũng trên tinh thần ấy.
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp. |
Theo Thủ tướng, thành quả 3 năm triển khai nghị quyết là đáng mừng nhưng chỉ là bước đầu quan trọng, còn nhiều việc phải làm. Tại hội nghị lần 3 này, Thủ tướng đưa ra quan điểm tiếp cận mới với “8G”- dễ vận dụng trong thực tiễn ĐBSCL, cụ thể là:
“Giao”. Đó là phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu.
“Giáo”. Đó là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Có thể nói giáo dục là chìa khóa vàng của phát triển bền vững. Đối với ĐBSCL, giáo dục vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Hệ thống giáo dục của ĐBSCL cần chú trọng nội hàm của mô thức “giáo dục, giáo dục và giáo dục”. Cụ thể gồm giáo dục cơ bản, giáo dục nghề, giáo dục trình độ cao.
“Giang”. ĐBSCL là vùng sông nước, kinh tế và sinh kế của người dân nơi đây gắn liền với các con sông như Tiền Giang, Hậu Giang và nhiều con sông khác. Chiến lược phát triển cần tận dụng được lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistic đường sông thì mới thành công, mới có văn hóa ĐBSCL.
“Gắn”. Đó là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và các tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắn liên kết vùng ĐBSCL để cùng phát triển bền vững. Chiến lược phát triển, thích ứng BĐKH là một chiến lược dài hạn và nhiều thách thức, vượt trên phạm vi khả năng, chức năng của bất kỳ 1 địa phương nào, 1 tổ chức nào. Đó là chiến lược gắn kết và hợp tác để cùng chia sẻ cơ hội, đóng góp nguồn lực để vượt qua thách thức.
“Giàu”. Đó là tích cực thu hút được những người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Để có nguồn lực phát triển cần phải xây tổ đón “đại bàng”. Muốn vậy cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi
địa phương…
“Giỏi”. Đó là tích cực thu hút những tài năng đóng góp chất xám, trí tuệ cho sự phát triển ĐBSCL. Cần có chính sách chung thu hút người tài năng trở về hoặc đến đóng góp vì sự phát triển của vùng đất “chín rồng”.
“Già”. ĐBSCL có mức độ dân số già hóa cao hơn bình quân cả nước. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về mặt kinh tế- xã hội lẫn môi trường. Do đó, ĐBSCL cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già và những người yếu thế.
“Giới”, tức là thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Nhiều vấn đề trong nội hàm “8G” tôi nêu chưa có trong Nghị quyết 120. Tôi đề nghị Ban Thường trực, Bộ Tài nguyên- Môi trường, tiếp thu bổ sung vào nghị quyết”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Cảm ơn nông dân miền Tây!” Những hạt gạo, những trái cây, con cá hàng ngày chúng ta ăn phần nhiều trong số đó được lắng đọng từ những giọt phù sa, con nước, đôi bàn tay lao động cần mẫn của người dân ĐBSCL. Cho nên, tôi muốn nhắc lại hai câu ca dao nói về những người lao động, sản xuất nông nghiệp ở miền Tây: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng”. Hôm nay qua truyền hình trực tiếp, tôi chuyển lời cảm ơn đến những nông dân miền Tây cần cù, chịu thương chịu khó ngày đêm cùng anh em cả nước sản xuất đảm bảo an ninh lương thực, đóng góp nhiều lương thực cho khu vực và toàn cầu cũng như những sản vật khác mà chúng ta đã làm ra. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG-TUYẾT HIỀN- TẤN ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin