Bài học đặt ra để ĐBSCL "thuận thiên"

07:03, 27/03/2021

ĐBSCL đang đối diện với muôn vàn khó khăn của biến đổi khí hậu, nhưng nếu khéo léo vượt qua, có thể trở nên thịnh vượng và làm hình mẫu cho các đồng bằng khác trên thế giới.

 

Sạt lở đang là một trong vấn đề lo ngại của ĐBSCL.
Sạt lở đang là một trong vấn đề lo ngại của ĐBSCL.

ĐBSCL đang đối diện với muôn vàn khó khăn của biến đổi khí hậu, nhưng nếu khéo léo vượt qua, có thể trở nên thịnh vượng và làm hình mẫu cho các đồng bằng khác trên thế giới.

Ths. Nguyễn Hữu Thiện- Chuyên gia Nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL- cho rằng, ĐBSCL đã trải qua một quá trình học hỏi. Trong quá trình đó, thành công cũng có mà cái giá phải trả cũng nhiều. Không chỉ ĐBSCL, ngày nay các đồng bằng trên thế giới cũng gặp nhiều vấn đề giống nhau như: nước biển dâng, sạt lở, sụt lún, ô nhiễm. Vậy nên, những bài học và cách tiếp cận đi tới tương lai theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu có thể hữu ích cho các đồng bằng trên thế giới.

Ths. Nguyễn Hữu Thiện lý giải, một đồng bằng do phù sa sông tạo nên giống như một cơ thể sống với các cơ quan và các tiến trình vận hành trong một thể thống nhất, đòi hỏi phải có sự hiểu biết và đối xử có hệ thống để duy trì sức khỏe tổng thể. Sông ngòi có thể ví như mạch máu trong hệ tuần hoàn vận chuyển năng lượng, dinh dưỡng trong cơ thể. Nhịp thủy triều như nhịp tim, bơm máu cho hệ thống. Đất cũng cần được xem là sống. Đất có thể bị “bệnh” theo nghĩa là đất mất khả năng duy trì sự sống. Đất, hay đúng hơn là vi sinh vật trong đất, cũng cần phải thở. Nhịp lên xuống hàng ngày của nước theo con nước lớn nước ròng, hàng tháng theo nước rong, nước kém, hàng năm theo mùa khô mùa nước tạo ra chế độ khô-ướt luân phiên để đất thở. Sông ngòi thông thoáng, có chảy mới có ôxy,  có tôm cá, mà tôm cá là mắt xích quan trọng trong toàn bộ hệ sinh thái và là nguồn dinh dưỡng của con người. Không còn cá thì không còn chim, cò, rùa, rắn. Nền văn hóa sông nước cũng từ nhịp điệu theo thời gian của nước mà hình thành.

“Khi nhìn đồng bằng chỉ là một nơi để sản xuất, thì tài nguyên nước dễ bị xem là số mét khối. Nhưng đồng bằng đâu chỉ là nơi để sản xuất mà còn là nơi sinh sống. Cách nhìn phiến diện coi tài nguyên nước là mét khối sẽ không duy trì được sức khỏe của một đồng bằng. Các khía cạnh khác của nước để duy trì chức năng hô hấp của đất, chức năng tuần hoàn của mạch máu cũng rất quan trọng”- Ths. Nguyễn Hữu Thiện nhận định.

Nếu đi đúng đường, tương lai ĐBSCL vẫn sáng.
Nếu đi đúng đường, tương lai ĐBSCL vẫn sáng.

Chuyên gia này cũng cho rằng chỉ số GDP không phải là tất cả. Thông thường, số GDP được xem là chỉ số đo thành tích phát triển của một đồng bằng. Nhưng, vắt kiệt hệ thống của một đồng bằng để có con số GDP đẹp là cách làm không lành mạnh vì nó làm méo mó nền kinh tế của một đồng bằng. Kinh tế phải được hiểu rộng hơn, bởi vì nhiều giá trị tự nhiên như nước sạch, tôm cá tự nhiên, đất đai lành mạnh là miễn phí nên không có trong chỉ số GDP, nếu mất đi cũng không được tính trong GDP.

“Quy hoạch tích hợp. Điều này có thể không lạ với thế giới, nhưng lạ với Việt Nam sau nhiều thập kỷ áp dụng quy hoạch đơn ngành và theo địa phương. Quy hoạch tích hợp tổng thể là cách để đối xử với đồng bằng như một cơ thể sống, tránh mâu thuẩn lợi ích ngành, địa phương, và để phân bố không gian phát triển hợp lý trên toàn vùng”- Ths. Nguyễn Hữu Thiện cho biết thêm.

Nếu đi đúng đường, tương lai ĐBSCL vẫn sáng. Khi nói về sản xuất nông nghiệp cần đặc biệt chú trọng liên kết vùng. Nói đúng hơn là điều phối sự phát triển của vùng một cách hài hòa.

Nhiều nông dân dân ở Hậu Giang chuyển đổi cây trồng thích ứng hạn mặn
Nhiều nông dân dân ở Hậu Giang chuyển đổi cây trồng thích ứng hạn mặn

Có rất nhiều ví dụ về hệ lụy của sự thiếu điều phối cho toàn vùng. Bao đê khép kín để canh tác vùng ngập lũ thì đẩy nước đi nơi khác. Khai thác cát ở một nơi thì đáy sông bị sâu, sau đó khi đáy sông chính bị sâu sẽ rút đáy sông nhánh rồi tuần tự rút đáy sông rạch nhỏ hơn, làm cho sạt lở lan tỏa khắp nơi, nhưng việc cấp phép khai thác cát hiện nay lại theo ranh giới hành chính từng tỉnh.

Du lịch cũng vậy, thiếu điều phối kết nối với nhau, khách đến một nơi là biết tất cả vì nơi nào cũng như nhau. Chưa kể nhiều cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương vì thiếu điều phối.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện: “Có lần tham dự một hội thảo ở một đại học lớn ở Châu Âu, khi tôi trình bày về các vấn đề của ĐBSCL và định hướng giải quyết của NQ 120, các đại biểu rất ngạc nhiên về sự tiến bộ về tư duy quản lý đồng bằng hàm chứa trong nghị quyết. Họ yêu cầu nói rõ hơn về cách mà Việt Nam ra được một chính sách như thế, tôi giải thích rằng chẳng phải vì chúng tôi giỏi hơn thế giới mà vì chúng tôi đã đi qua con đường với nhiều giá đắt phải trả, từ đó rút ra kinh nghiệm. Cho đến nay, NQ 120 nhận được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam. Kỳ vọng rất nhiều, chỉ mong sao không ai bị thất vọng về quá trình thực hiện”.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh