Từ Ngã tư Long Hồ đến khát vọng tương lai

07:02, 16/02/2021

"Ngã tư Long Hồ" giờ đây đã dần hiện lên một công trình ghi dấu sự kiện lịch sử trọng đại của Đảng bộ Vĩnh Long. Cũng ngã tư này là nơi những đoàn ghe bầu của lớp lưu dân từ xứ Quảng đầu tiên ghé qua đây mà lập nên làng Kỳ Hà bên vàm sông Cái Cau.

 

Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (bìa trái)- tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng thuộc ngành công thương của huyện Long Hồ. Ảnh: Xuân Tươi
Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (bìa trái)- tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng thuộc ngành công thương của huyện Long Hồ. Ảnh: Xuân Tươi

(VLO) “Ngã tư Long Hồ” giờ đây đã dần hiện lên một công trình ghi dấu sự kiện lịch sử trọng đại của Đảng bộ Vĩnh Long. Cũng ngã tư này là nơi những đoàn ghe bầu của lớp lưu dân từ xứ Quảng đầu tiên ghé qua đây mà lập nên làng Kỳ Hà bên vàm sông Cái Cau. Long Hồ như vùng đất được lịch sử định danh, giao phó cho những trọng trách vinh dự và những công trình văn hóa lớn, được hình thành lưu truyền lại cho đời sau những câu chuyện rất đỗi tự hào.

Từ ngã tư sông, lắng nghe những ngọn gió xuân thổi mát tâm hồn, ôn lại chuyện xưa và thổi bùng giấc mơ, khát vọng thay da, đổi thịt một vùng đất quê hương.

Tượng đài trong Nhà bia tưởng niệm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Vĩnh Long.
Tượng đài trong Nhà bia tưởng niệm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Vĩnh Long.

“Chiếc nôi cách mạng Vĩnh Long”

Từ công viên rủ bóng cây xuống dòng sông, bên kia chợ Long Hồ xôn xao tiếng vọng người mua, kẻ bán; nhìn những dòng sông hợp nhau rồi chia về 4 ngã mà thành địa danh đặc biệt của quê hương.

Một nhánh sông đổ về chợ Vãng (Vĩnh Long), một thì xuôi về Giáp Nước, một nhánh sông chảy về Hòa Tịnh và một nhánh đổ về An Lương vào xóm Kỳ Hà.

Giờ đây, bên ngã tư sông này đang hiện rõ công trình Nhà bia kỷ niệm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Vĩnh Long; ghi dấu sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng trên quê hương Nam Bộ.

Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp- thủy sản của huyện Long Hồ chuyển dịch đúng hướng. Năm 2020, nông nghiệp chiếm gần 65,9%, thủy sản chiếm gần 33,8%. Ảnh: Xuân Tươi
Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp- thủy sản của huyện Long Hồ chuyển dịch đúng hướng. Năm 2020, nông nghiệp chiếm gần 65,9%, thủy sản chiếm gần 33,8%. Ảnh: Xuân Tươi

Ngược dòng lịch sử, trở về với “đêm trước bình minh” của cách mạng Việt Nam, vào tháng 6/1927, Kỳ Hội Nam Kỳ cử đồng chí Nguyễn Văn Côn- Ủy viên BCH Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên- về Vĩnh Long gầy dựng cơ sở hội. Đồng chí Nguyễn Văn Côn gặp gỡ, vận động và kết nạp các trí thức: Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Văn Đại và Châu Văn Ký ở làng Phú Đức (huyện Châu Thành, nay là huyện Long Hồ).

Sau thời gian được huấn luyện, Nguyễn Văn Thiệt về hoạt động ở tỉnh lỵ Vĩnh Long và Ngã tư Long Hồ. Đầu năm 1928, đồng chí Nguyễn Văn Thiệt kết nạp 2 hội viên mới là: Nguyễn Hữu Đức và Nguyễn Trí, thành lập Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Ngã tư Long Hồ (thường gọi Chi bộ Ngã tư Long Hồ), do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư.

Sau đó, Chi bộ Ngã tư Long Hồ kết nạp thêm Nguyễn Văn Nhung và Nguyễn Thị Nhỏ. Tháng 8/1928, đồng chí Châu Văn Liêm về Ngã tư Long Hồ tuyển chọn 3 hội viên gồm: Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Văn Thiệt và Nguyễn Hữu Đức kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng; cử đồng chí Nguyễn Văn Nhung làm Bí thư.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Tháng 3/1930, đồng chí Châu Văn Liêm được phân công đến Vĩnh Long chuyển Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Ngã tư Long Hồ thành “Chi bộ Đảng Ngã tư Long Hồ” do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư. Đây là tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, tiền thân của Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Năm 1930, 3 tổ chức Đảng tại Việt Nam hợp nhất và lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Châu Văn Liêm- Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ lâm thời- đã về Vĩnh Long tổ chức hội nghị tại Ngã tư Long Hồ và chuyển các chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân đòi các quyền về kinh tế trước mắt, gắn với khẩu hiệu đấu tranh chính trị, chống đế quốc, phong kiến ngày một dâng cao.

Xứng tầm với vùng đất lịch sử

Đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ- từng tự hào chia sẻ: “Sinh ra, trưởng thành và được cống hiến ngay trên quê hương Long Hồ, tôi luôn tự hào là nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long.

Tự hào là nơi đã sinh ra Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, mà người dân quê mình thường gọi thân thương là bác Hai Phạm Hùng.

Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân, các bạn trẻ phải ý thức rõ niềm tự hào về lịch sử quê hương. Đảng bộ Long Hồ ngày nay cũng không ngừng phấn đấu, quyết tâm, đoàn kết tạo nên sức mạnh xây dựng quê hương xứng tầm với niềm vinh dự lớn”.

Ngược về lịch sử xa hơn nữa, trước khi Long Hồ dinh được thành lập năm 1732, thì vùng đất Long Hồ đã đón những đoàn ghe bầu đầu tiên từ xứ Ngũ Quảng vào đây.

Tìm về đình làng Kỳ Hà nằm ngay trên ngã ba sông Cái Cau và con rạch Kỳ Hà ở ấp An Thanh (xã Phú Đức- Long Hồ), sắc phong Thần đình làng Kỳ Hà còn ghi rõ mốc thời gian 1698.

Có một điều đặc biệt thú vị, khi đoàn ghe bầu đầu tiên đi theo cửa sông cầu Ông Me, thì những đoàn ghe sau đi lạc xuống vàm sông Ngã tư Long Hồ, nhưng cuối cùng họ cũng đoàn tụ nhau tại làng Kỳ Hà.

Không phải ngẫu nhiên mà ở 2 vàm sông đều gắn với những sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước, của quê hương Vĩnh Long.

Để giờ đây, khi ai có dịp ngang qua đoạn đường ngắn QL53 thuộc địa phận Long Hồ, từ cầu Ông Me đến cầu Ngã Tư sẽ có 2 công trình di tích lịch sử kết nối vào cung đường về nguồn đầy ý nghĩa cho bao lớp người trẻ sau này.

Đó là Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và Nhà bia tưởng niệm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Vĩnh Long.

Đất và người Long Hồ đã làm nên những câu chuyện lịch sử tự hào, vùng quê này cũng đã tạo nên biết bao sản vật từ bàn tay, khối óc, sự lao động cần cù, sáng tạo từ thuở dựng làng rồi mở mang mà thành những miền cây lành trái ngọt quanh năm.

Cũng từ đây mà hình thành nên “điều đầu tiên” nữa của Long Hồ- là nơi đã khai sinh ra những sản phẩm du lịch sông nước miệt vườn đầu tiên trong cả nước.

Mấy thập kỷ qua, du lịch đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và cũng nhiều năm qua, Long Hồ trăn trở tạo nên bước chuyển mình cho ngành kinh tế quan trọng này.

Huyện Long Hồ sẽ lấy việc phát triển giao thông nông thôn, xây dựng khu dân cư an toàn, sáng- xanh- sạch- đẹp làm khâu đột phá. Ảnh: Xuân Tươi
Huyện Long Hồ sẽ lấy việc phát triển giao thông nông thôn, xây dựng khu dân cư an toàn, sáng- xanh- sạch- đẹp làm khâu đột phá. Ảnh: Xuân Tươi

Để phá thế “gò bó”, “già cỗi” cho những dòng sản phẩm du lịch có tuổi đời gần nửa thế kỷ trên 4 xã cù lao, Long Hồ cần những dự án, những con người tâm huyết, đủ sức, đủ tầm mở rộng những sản phẩm du lịch về bên đây “đất liền” của Long Hồ.

Lặng lẽ nhiều năm qua, Công ty CP Du lịch Cửu Long cũng đã làm được điều này, những gói tour mới gắn liền với trải nghiệm nông nghiệp được mở về các trang trại rau, ruộng rẫy của Phước Hậu, Long Phước là sự nỗ lực đáng ghi nhận.

Nhiều người cũng hy vọng, gửi gắm vào những con người trẻ đang ấp ủ khởi nghiệp từ làng Kỳ Hà, xây dựng gói tour mới gắn liền với những di tích, những vàm sông lịch sử như Ngã tư Long Hồ, vàm sông cầu Ông Me đi qua những con kinh trải nghiệm nhiều mảnh ruộng, vườn rau… như một sản phẩm mới kết nối vào tuyến 4 xã cù lao, hình thành một hướng đi tăng sức cạnh tranh cho du lịch Long Hồ trong tương lai không xa.

Đoạn sông Cổ Chiên đánh bắt nhiều tôm cá, được đưa vào khai thác phục vụ ăn uống rất hấp dẫn du khách. Ảnh: Ngọc Trảng
Đoạn sông Cổ Chiên đánh bắt nhiều tôm cá, được đưa vào khai thác phục vụ ăn uống rất hấp dẫn du khách. Ảnh: Ngọc Trảng

Câu chuyện từ những cù lao, những cửa sông trên dòng chảy xuyên suốt của tiến trình hình thành, chiến đấu bảo vệ và xây dựng quê hương, Long Hồ đã, đang và sẽ tiếp tục không ngừng nghỉ, vươn lên xứng đáng với niềm vinh dự lớn lao mà lịch sử đã trao truyền cho vùng đất này.

Từ ngã tư những dòng sông lịch sử, nắng sớm rọi bừng sắc xuân trên cụm tượng đài uy nghiêm, mở ra một không gian mới cho đô thị Long Hồ. Dòng nước xao động xuồng ghe, những mái chèo liên tục lại qua, khu chợ đã “thức trước bình minh”, cảm nhận một sức sống mãnh liệt của hiện tại được kết nối, khơi nguồn từ lịch sử như tiếp thêm sức mạnh của niềm tin.

NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh