Về Bình Tân, thăm lại căn cứ Tầm Vu, thật khó hình dung nổi dấu tích xưa vùng rừng rậm là địa bàn trọng yếu, được xem như "thủ đô kháng chiến" của Bình Minh xưa- nay thuộc địa bàn huyện Bình Tân.
Lão nông Ba Sĩ (xã Tân Thành- Bình Tân) bên rẫy khoai lang nhà mình. |
Về Bình Tân, thăm lại căn cứ Tầm Vu, thật khó hình dung nổi dấu tích xưa vùng rừng rậm là địa bàn trọng yếu, được xem như “thủ đô kháng chiến” của Bình Minh xưa- nay thuộc địa bàn huyện Bình Tân.
Đất xưa, cảnh mới. Sự đổi thay trên vùng đất này đã diễn ra liên tục trong mấy chục năm qua và Bình Tân luôn mang khát vọng đổi thay mạnh mẽ, bật dậy tiềm năng những cánh đồng lên tầm vóc mới.
Chuyện xưa trên đất anh hùng
Chạy dọc theo con sông Mỹ Thuận, con đường đắp cao làm thành đê bao, mấy đoạn khúc khuỷu là đến nhà ông Nguyễn Ngọc Khen- nguyên Chủ tịch UBND đầu tiên của xã Nguyễn Văn Thảnh.
Chỉ chốc lát, câu chuyện đã trở nên thân tình, từ chuyện làm ăn, chuyện dịch bệnh, chúng tôi kéo ngược thời gian về với thời kháng chiến chống Mỹ, mà vùng đất này là địa bàn ác liệt, chết chóc như cơm bữa.
Đăm đắm mắt nhìn ra dòng sông Mỹ Thuận trước nhà, ông Khen hồi tưởng lại chuyện xưa lắm rồi mà vẫn như vừa mới hôm qua… Sinh ra và lớn lên từ đất đai này, mẹ mất sớm, ông Khen cùng cha làm ruộng cũng là bám miết địa bàn, dù đạn bom nó “dội thun đầu” cũng nhất quyết không đi.
Vậy nên lớn lên xin vào bộ đội như một lẽ thường tình. Sau thời gian chạy việc vặt, giao liên, ông Khen được phân công đi học trinh sát và hoạt động ngay trên quê hương mình. Cái xứ sở này, ông thuộc từng lối đi, hiểu từng khúc sông, con nước nên trinh sát là một thuận lợi, nhưng ông vẫn nhớ cái lần đầu tiên bò vô tới đồn rồi bỗng sợ… muốn xỉu.
Ông Khen còn nhớ như in: “Trong chiến tranh, tại Tầm Vu này, đi cả cây số mới thấy loáng thoáng một cái nhà. Đường đi chỉ là những lối mòn như trong rừng, toàn cỏ, ô rô, bình bát,…
Đến những năm 1990, Tầm Vu vẫn còn đò giang cách trở, đây còn là vườn hoang rậm rạp lau sậy cùng đưng lác. Mùa khô khét nắng mấy tháng trời, mùa mưa nước ngập linh láng, không có chiếc xuồng thì chỉ còn biết ngồi bó gối nhìn trời.
Muốn mua cái gì cũng phải lội lõm bõm rã cẳng cả chục cây số. Khi con kinh Tầm Vu mới được đào xong, hai bên bờ đất vàng khè màu phèn, và chỉ có một thứ cây sống được là cây bạch đàn. Đi xa xa mới thấy một vài cái nhà lá”.
Chợ Tầm Vu giờ phố xá nhộn nhịp, đường kết nối đường, xe tải nối đuôi nhau khi khoai lang vào mùa thu hoạch.
Đó là kết quả của chủ trương khai hoang, cũng là sức lao động của biết bao người dân địa phương và người dân một thời đi làm kinh tế mới, đã đến đây đổ công sức làm nên hàng trăm cây số kinh mương nội đồng lớn nhỏ, xả phèn, dẫn ngọt, kết hợp với đường giao thông, đê bao ngăn lũ… cùng hợp sức làm nên sức sống của Tầm Vu vốn hàng trăm năm nghèo khó, một thời đồng đất “chó chạy hở đuôi”.
Có mặt trên vùng đất Tầm Vu từ lâu, nhưng chưa bao giờ cây khoai lang lại phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Giống cây đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên vùng đất anh hùng.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Bình Tân Nguyễn Văn Tập, thì ngoài cây khoai truyền thống, Bình Tân duy trì mô hình luân canh tổng hợp lúa- màu; đặc biệt, hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở các xã Nguyễn Văn Thảnh, Mỹ Thuận. Đây là định hướng quan trọng nâng cao giá trị nông sản ở địa phương.
Đổi thay trên vùng màu
Từ Tầm Vu đi sâu vào một nhánh quan trọng của vùng chiến lược chữ V xưa, chúng tôi đi dọc theo con kinh Mười Thới bắt đầu từ cầu Chú Bèn (xã Thành Lợi) kéo dài qua các xã: Thành Đông, Thành Trung, Tân Thành, tiếp nối đến tận địa phận tỉnh Đồng Tháp.
Kinh Mười Thới ngày nay là con đường lưu thông đường thủy khá nhộn nhịp, xuồng ghe lớn nhỏ qua lại nối liền từ huyện Bình Tân vào đến ngã năm Đồng Tháp. Cũng trên mảnh đất này, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt đã được thành lập. Đây là lực lượng vũ trang tuyên truyền của Đảng, tiền thân của Tiểu đoàn 857 ngày nay.
Đi qua con kinh lịch sử lại nhớ đến giống khoai Mười Thới ngon nức tiếng miền Tây. Giống khoai Mười Thới mà hồi xưa chở lên tới Sài Gòn là không kịp cân.
Chúng tôi ghé thăm những đồng khoai lang bên vạt Mười Thới trải màu xanh mướt mát nối liền những vùng khoai kế cận thuộc xã Tân Thành.
Rồi chúng tôi ra rẫy khoai ông Ba Sĩ (76 tuổi)- một lão nông có thâm niên gần 40 năm và gia đình có đến 3 đời gắn với củ khoai, cái loại cây màu đã “ngấm vào máu”, nên dù cho có “vật đổi sao dời, tui cũng không bỏ nghề trồng khoai”- ông Ba Sĩ nói chắc nịch.
Gần 2 mẫu khoai lang tím Nhật, nhưng chỉ có ông Ba Sĩ và người con trai làm, mà thật ra ông chỉ… ngồi trên bờ nhìn cho vui, chớ mọi thứ giờ đều thuê mướn.
Có người còn thuê đất trồng khắp nơi lên đến hàng trăm mẫu, mỗi nơi chỉ cần thuê một “quản gia” ngày công là 250.000đ, người chủ chỉ lo định lượng kỹ thuật phân, thuốc mà thôi. Ngồi trong hàng dừa nhìn ra rẫy khoai, ông Ba Sĩ tâm sự, đời mình đã trải qua nhiều địa bàn công tác cơ sở ở Bình Tân, cách đây 25 năm xin nghỉ, hoàn toàn tập trung gắn bó với củ khoai.
Không riêng gì ông, chuyện trồng khoai đối với người dân Tân Thành này thuộc như lòng bàn tay. Đây là địa phương có vùng khoai lớn nhất của huyện, nông dân ứng dụng kỹ thuật, canh thời vụ tốt nên luôn đạt năng suất cao và được giá.
Trồng màu là truyền thống của nông dân Bình Tân, không chỉ có khoai lang, còn nhiều vùng chuyên canh: hành lá, đậu bắp, rau cải,…
Gần đây, còn thêm nhiều loại cây trồng lâu năm đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhưng để nâng cao giá trị nông sản, huyện tập trung theo hướng tăng hàm lượng chất xám, ứng dụng khoa học công nghệ vào đồng ruộng.
Chủ tịch UBND huyện Bình Tân Nguyễn Văn Tập cho biết: “Bình Tân tranh thủ tạo điều kiện của các sở, ngành tỉnh và liên kết các viện, trường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong chọn tạo các loại giống cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu; hỗ trợ tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.
Những ngày cuối năm, chúng tôi ghé thăm một cửa hàng thực phẩm chế biến khoai lang vừa mới xuất hiện ở TP Vĩnh Long.
Nghe các bạn trẻ xây dựng con đường khởi nghiệp từ khoai lang bằng nhiều sản phẩm độc đáo, mới lạ, chúng tôi có thêm niềm tin cho tương lai của vùng khoai lớn nhất nước, sẽ tiếp tục có những doanh nghiệp lớn, những nhà máy chế biến thực phẩm lớn hình thành trên vùng đất Bình Tân, làm đổi thay thân phận “hột lúa, củ khoai”, đưa người nông dân lên vị thế mới xứng đáng với công sức lao động, mồ hôi nhọc nhằn bao đời qua đã đổ xuống đất này.
Cũng là trả ơn cánh đồng, trả ơn người đi trước đã chiến đấu gian khổ, hy sinh, bao nhiêu máu xương đã đổ xuống mảnh đất anh hùng, cho hôm nay bạt ngàn màu xanh trải khắp ruộng đồng.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin