Trà Ôn- miền hội tụ những dòng sông

12:02, 14/02/2021

Sông không chỉ đơn thuần là dòng nước bồi đắp phù sa, mà mỗi một con sông luôn chất chứa trong lòng những dòng văn hóa riêng trên mỗi chặng đường nó đi qua. Ở mỗi khúc quanh sông đi qua, có khi hình thành nên những đô thị, làng mạc mới. Vì lẽ đó, nơi hội tụ những dòng sông luôn là nơi gặp gỡ, tiếp nhận, tiếp biến đa văn hóa độc đáo.

(VLO) Sông không chỉ đơn thuần là dòng nước bồi đắp phù sa, mà mỗi một con sông luôn chất chứa trong lòng những dòng văn hóa riêng trên mỗi chặng đường nó đi qua. Ở mỗi khúc quanh sông đi qua, có khi hình thành nên những đô thị, làng mạc mới. Vì lẽ đó, nơi hội tụ những dòng sông luôn là nơi gặp gỡ, tiếp nhận, tiếp biến đa văn hóa độc đáo.

Tuyến sông Măng đi qua Trà Ôn là tuyến đường thủy quan trọng, cũng là tour đường thủy nối TP Cần Thơ và Vĩnh Long.
Tuyến sông Măng đi qua Trà Ôn là tuyến đường thủy quan trọng, cũng là tour đường thủy nối TP Cần Thơ và Vĩnh Long.

Lịch sử làng mạc Nam Bộ chính là hành trình các bậc Tiền hiền đã “chọn đất, chọn bãi bồi” ven sông để bắt đầu sự nghiệp dựng làng, lập ấp; cho nên, chẳng phải ngẫu nhiên mà thị trấn Trà Ôn có thế đất ngó mặt ra nơi hội tụ những cửa sông, để rồi trải mấy trăm năm hậu thế có một vùng đất Trà Ôn đắc địa như ngày nay.

Trà Ôn của quá khứ, lịch sử vẫn luôn song hành cùng hôm nay để tiếp tục đi về tương lai.

Sông nước- tình người

Trà Ôn với những ai lần đầu đặt chân đến đã thấy có nét cuốn hút lạ lùng, nó không ồn ào, sôi động mà đi từ bên trong nhẹ nhàng và ở lại thật lâu trong lòng mình.

Để rồi, thấm dần theo thời gian, quyện chặt bằng rất nhiều thứ từ sông nước mênh mang, từ tiếng đờn giọng hát và từ những tình cảm chân thành, rộng mở như gió thổi về lồng lộng ngã ba sông.

Một chiều trời chớm gió chướng thổi lao rao trên những vàm sông, tôi cùng chú Tám Râu (Trần Văn Chính- Ban quản lý đình thần Thiện Mỹ)- đi loanh quanh chợ Trà Ôn qua những dãy phố người Hoa vẫn còn lưu nét thời gian, ở đây từng có hãng rượu Quảng Đức An nổi tiếng khắp Vĩnh Long ra tới nhiều tỉnh lân cận.

Đây bến đò cũ, kia là bến phà mới ngang sông, rồi dừng lại thật lâu bên công viên ngó mặt về hướng cù lao Phú Thành, Lục Sĩ. Rồi chợ nổi Trà Ôn nhỏ nhưng hoàn toàn khác những chợ nổi ở đồng bằng, bởi chuyện nhộn nhịp bán buôn không chỉ có giác hừng đông mà theo con nước trong ngày.

 

Đình thần Thiện Mỹ- Trà Ôn.
Đình thần Thiện Mỹ- Trà Ôn.

Vàm sông đã trống vắng từ lâu rồi cảnh nhộn nhịp xuồng ghe mà chú Tám vẫn vuốt râu buồn buồn: “Chợ nổi dẹp lâu rồi!” Vô cùng tiếc nuối, khi mà du lịch vẫn luôn được xác định là tiềm năng to lớn của Trà Ôn trong tương lai.

Bởi chính ngã ba sông này là nơi sông Măng nối liền hai dòng sông Tiền- sông Hậu, nơi gặp nhau với con kinh đào từ xa xưa để cải tạo lại khu chợ cũ Trà Ôn, tạo thêm nhiều nhánh sông chảy về mấy ngã. Tuyến đường trọng yếu và cũng là điểm dừng chân đắc địa của du thuyền lớn nhỏ ngang qua đây.

Nhưng Trà Ôn cũng đang dần hình thành những điểm dừng chân mới, hướng đến những dự án du lịch lớn cho tương lai. Trên con đường phát triển đôi lúc có những giá trị mới hình thành thay thế những điều xưa cũ không còn phù hợp nữa. Chợ nổi Trà Ôn giờ chỉ là hoài niệm.

Như con nước này đây, mùa nước này đây ngày xưa đã xôn xao mùa câu lưới, mùa cá cháy, cá ngát, cá cóc, cá lẹp, cá lăng hơ, cá quát… cũng đã lùi vào dĩ vãng, giờ vẫn còn đó địa danh xóm Lưới, nhưng chuyện xưa thì chỉ nghe từ lời kể.

Chú Tám Râu nói: “Nhắc nghề cá thì gặp anh Ba Kiếm (80 tuổi)- Trưởng Ban quản lý miếu Bà Thủy Nam cung có mấy đời làm nghề, tính có trên trăm năm. Hôm nay “ông đình” rủ “ông miếu” lai rai chơi nhắc chuyện Trà Ôn xưa”.

Câu chuyện xóm Lưới miên man tưởng chừng bất tận, té ra nghề cá Trà Ôn đâu chỉ loanh quanh ở mấy vàm sông, đâu chỉ có mùa cá cháy, dân Trà Ôn còn giong thuyền ra tận biển Ba Động, đi đến tận biển Gành Hào, Kiên Giang, qua tới vùng biển giáp ranh các nước…

Đến giờ, người ta còn nhắc ông Ba Nhơn một mình kè con cá ngoài biển về, nó bự bao nhiêu hổng nhớ, chớ lá gan đến 6 người khiêng, mình cá thì lấy cưa cắt thành khoanh bán chợ Trà Ôn, chạy chợ Bình Minh nửa tháng chưa hết.

Chuyện đoàn ghe biển Trà Ôn trúng bầy cá đường nhiều đến nổi chỉ mổ bụng lấy bong bóng cá thôi mà ghe nào ghe nấy khẳm đừ. Chuyện ông Hai Nì chuyên nghề lặn hụp thụt hang bắt cá ngát thần sầu, mới biết cá ngát tùy giai đoạn phát triển mà dân trong nghề còn gọi bằng tên cá chàm lở, cá quát, cá vược hay cá lầu cấu.

Ông Ba Kiếm ngó đăm đăm ra vàm sông giọng xa xăm: “Chuyện cá mắm, câu lưới ở Trà Ôn, có nói mấy ngày cũng chưa hết chuyện”.

Trà Ôn là vùng đất giao đãi tình người, hiếu khách, là nơi thể hiện rõ nét nhất sự cộng cư nghĩa tình của 3 dân tộc: Kinh- Hoa- Khmer, thông qua lễ hội Lăng Ông Điều bát Thống chế vào dịp mùng 3- 4 Tết Nguyên đán hàng năm.

Niềm tin và sức bật mới

Bến sông trước miếu Bà Thủy Nam cung (thị trấn Trà Ôn).
Bến sông trước miếu Bà Thủy Nam cung (thị trấn Trà Ôn).

Thế mạnh địa lý sông nước ngày xưa tạo cho Trà Ôn thế đất đắc địa mà hình thành những nét văn hóa đặc trưng, những làng nghề truyền thống phát triển mạnh mẽ.

Nhưng nhìn lại hiện tại, Trà Ôn là địa bàn khó khăn, kém sự cạnh tranh so với các địa phương trong tỉnh. Những khó khăn cần được nhận diện cụ thể để Trà Ôn định hướng lại và đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn Nguyễn Văn Trạng phân tích: “Việc thiếu nguồn lực và quá trình đô thị hóa của huyện hiện nay còn chậm; sự phát triển của khu vực thương mại- dịch vụ trong thời gian tới khó có sự phát triển đột phá lớn; không có khu- cụm công nghiệp; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ mà đặc biệt là QL54 đang là điểm nghẽn lớn nhất”.

Như vậy, cùng với nhiều nhiệm vụ đồng thời, đâu là vấn đề trọng yếu để Trà Ôn có thể phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt huyện nông thôn mới vào năm 2025? Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Văn Trạng nhấn mạnh: “Thời gian tới, Trà Ôn cần tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước ứng dụng công nghệ cao.

Hình thành, mở rộng các mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cho một số nông sản có thế mạnh là bước đột phá trong nông nghiệp. Tiếp tục xây dựng cánh đồng lớn cho thu nhập cao”.

Phát triển du lịch trên cù lao Mây.
Phát triển du lịch trên cù lao Mây.

Tuy nhiên, Trà Ôn cần xác định thế mạnh đặc thù để tạo nên lợi thế cho những khâu đột phá trọng yếu.

Bên cạnh phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, phát triển hạ tầng đô thị, thì Trà Ôn đặc biệt quan tâm mũi nhọn phát triển du lịch sinh thái, xem phát triển du lịch là một trong những lĩnh vực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Những di tích văn hóa, địa thế cù lao sông nước thuận tiện thu hút nguồn khách từ đô thị Cần Thơ và nằm ngay trên tuyến đường sông trọng yếu là sông Măng cũng là tour du lịch đường thủy nhộn nhịp nối liền sông Hậu- sông Tiền.

Viếng đình thần Thiện Mỹ để biết lịch sử “khai sinh” vùng đất Trà Ôn; thăm miếu Bà Thủy Nam cung sẽ hiểu văn hóa làng nghề sông nước; tìm hiểu chợ xưa sẽ tỏ tường mối giao thoa nếp sinh hoạt cộng đồng giữa nông thôn và phố chợ; đặc biệt, di tích Lăng Ông lưu dấu rõ nhất mối giao lưu và giao hòa đặc biệt giữa 3 dân tộc Kinh- Khmer- Hoa trên vùng đất này.

Mỗi câu chuyện nhỏ góp nhặt vào câu chuyện chung, càng làm cho du khách phương xa hiểu rõ, hiểu sâu hơn về những giá trị những tài sản di tích, càng hiểu sẽ càng thấy thêm yêu vùng đất, con người Trà Ôn.

Dù còn khó khăn, Trà Ôn vẫn có nhiều lợi thế đặc thù để biến những thách thức thành động lực, niềm tin tạo nên sức bật mới trong tương lai! 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh