Chuẩn bị đối phó hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt

10:02, 09/02/2021

Việc giảm xả nước từ thủy điện thượng nguồn xuống hạ lưu, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt như năm 2016, năm 2020 nhiều khả năng lặp lại vào những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tới đây ở ĐBSCL và các tháng tiếp theo. Tỉnh Vĩnh Long có thể cũng không tránh khỏi...

 

Cống Cái Tôm-một trong những công trình kiểm soát mặn quan trọng của huyện Vũng Liêm.
Cống Cái Tôm-một trong những công trình kiểm soát mặn quan trọng của huyện Vũng Liêm.

Việc giảm xả nước từ thủy điện thượng nguồn xuống hạ lưu, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt như năm 2016, năm 2020 nhiều khả năng lặp lại vào những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tới đây ở ĐBSCL và các tháng tiếp theo. Tỉnh Vĩnh Long có thể cũng không tránh khỏi...

Ban hành kế hoạch đối phó

Bộ Tài nguyên- Môi trường và các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp-PTNT dự báo, mưa trên lưu vực sông Mekong các tháng cuối năm 2020 có thể cao hơn trung bình nhiều năm nhưng nguy cơ xâm nhập mặn mùa khô năm 2020- 2021 vẫn sẽ xuất hiện sớm và gay gắt ở ĐBSCL, có thể tương đương như năm 2015- 2016, thậm chí có thể như mùa khô 2019- 2020, ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.

Dự báo, nguồn nước mùa khô năm 2020- 2021 về vùng ĐBSCL qua trạm Kratie (Campuchia)- đầu châu thổ Mekong xấp xỉ so với trung bình 10 năm gần đây, lưu lượng bình quân tháng 1/2021 cao hơn so với năm 2016 và tháng 2 thấp hơn so với năm 2016.

Để đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn gia tăng kết hợp ứng phó các đợt triều cường vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 do ảnh hưởng của việc giảm lưu lượng xả của thủy điện thượng nguồn xuống hạ lưu và mùa khô năm 2020, vào thượng tuần tháng 1, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành công văn khẩn yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống mặn xâm nhập sâu và kéo dài.

Trong đó, chú trọng các giải pháp cung cấp nước sạch cho người dân, bảo vệ sản xuất, các khả năng huy động phương tiện, lực lượng tại chỗ theo phương châm “4 tại chỗ”, kiên quyết không để bị động.

Mới đây, ngày 18/1/2021, UBND tỉnh ký quyết định ban hành kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2020- 2021 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đưa ra 3 kịch bản xâm nhập mặn xảy ra, trong đó chọn kịch bản hạn, mặn có thể xảy ra theo dự báo nêu trên của Bộ Tài nguyên- Môi trường và Bộ Nông nghiệp- PTNT để đề ra các biện pháp công trình và phi công trình ứng phó hạn, mặn.

Theo đó, độ mặn tại vàm Trà Ôn (thị trấn Trà Ôn) trên 2‰; vàm Măng Thít (Quới An) xấp xỉ 7‰, vàm Tân Dinh (Trà Ôn) xấp xỉ 8‰; vàm Vũng Liêm, cống Nàng Âm (Vũng Liêm) trên 10‰, vàm Cái Muối và vàm Đồng Phú xấp xỉ 4,5‰; trong nội đồng trên 3‰. Đỉnh triều sông Tiền tại Mỹ Thuận vào lúc triều thấp dưới 0,5m, lúc triều cao đạt dưới 1m.

Xâm nhập mặn dự báo bắt đầu vào giữa tháng 12/2020, cao nhất xuất hiện vào đầu tháng 1 (trên sông Cổ Chiên), đầu tháng 2/2020 (trên sông Hậu) và đầu tháng 3 (trên sông Tiền) và kéo dài đến tận tháng 5.

Với kịch bản này, số huyện bị ảnh hưởng biên mặn từ 1-10‰ là 6 huyện, thị (trừ Bình Tân và TP Vĩnh Long). Diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn 67.294ha, diện tích cây trồng bị hạn, thiếu nước 94.835ha. Bên cạnh đó có khả năng có 75.784 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, 51 trạm cấp nước sạch có thời đoạn đã sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn và 55 xã có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Kế hoạch dự kiến triển khai thực hiện 114 công trình, dự án thủy lợi, cấp nước sạch và hỗ trợ nước tưới cho vườn cây ăn trái, hỗ trợ nhiên liệu, phương tiện huy động cấp nước ở vùng bị nhiễm mặn cao, với tổng vốn dự tính hơn 1.655 tỷ đồng để ứng phó với trường hợp xảy ra hạn, mặn như kịch bản đã định.

Tỉnh còn chuẩn bị huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các sở, ngành tỉnh và ban, ngành cấp huyện, trong đó nòng cốt là lực lượng quân sự, công an để tham gia ứng phó tình huống hạn, mặn gay gắt xảy ra.

Phát huy những thuận lợi đang có

Đối phó với hạn mặn theo dự báo, công tác chuẩn bị ứng phó với hạn, mặn năm nay của tỉnh có nhiều thuận lợi hơn trước.

Một là chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã có kinh nghiệm trong phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm qua, đặc biệt là từ mùa khô năm 2015- 2016, năm 2019- 2020.

Công tác đo mặn, thông báo kết quả hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng để đến với mọi người dân được quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên.

Hiện ở cấp tỉnh, thông tin nhanh về diễn biến và dự báo hạn, mặn được thực hiện thông qua hệ thống tin nhắn SMS đến 293 đầu số là lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện, xã để chỉ đạo ứng phó và thông tin trực tiếp đến người dân. Các huyện vùng bị nhiễm mặn cao như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít cũng thực hiện tin nhắn này.

Thứ hai là người dân ngày càng quan tâm đến phòng chống hạn, mặn. Hiện, phần lớn những thửa ruộng, mảnh vườn có vốn đầu tư, có giá trị kinh tế cao, hộ dân đều trang bị máy đo mặn hoặc tích trữ nước ngọt trong ao, hồ, mương, vũng, các dụng cụ trữ nước để tưới cho cây trồng hoặc dùng sinh hoạt.

Thứ ba là, tỉnh Vĩnh Long phát huy hiệu quả của hệ thống công trình thủy lợi, giao thông bộ đã được đầu tư khá hoàn chỉnh trong những năm qua, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh... Hệ thống này đảm bảo năng lực tưới tiêu cho 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó khép kín chủ động tưới tiêu hơn 94% diện tích.

Trong thời gian qua, tỉnh được Trung ương đầu tư những công trình thủy lợi ngăn mặn, tiếp nước ngọt có quy mô lớn phục vụ từ vài ngàn héc ta trở lên, như cống Nàng Âm, kinh Trà Ngoa và được hưởng lợi từ cống Cái Hóp ở tỉnh Trà Vinh.

Khai thác triệt để nguồn nước ngọt để cấp cho sản xuất trong mùa khô hạn.
Khai thác triệt để nguồn nước ngọt để cấp cho sản xuất trong mùa khô hạn.

Cuối năm 2019 đầu năm 2020, Bộ Nông nghiệp- PTNT xây dựng đưa vào sử dụng kinh Mây Phốp- Ngã Hậu, cống Vũng Liêm và cống Tân Dinh, Sở Nông nghiệp-PTNT đưa vào vận hành cống Cái Tôm góp phần cấp nước, ngăn mặn cho hàng chục ngàn héc ta đất canh tác của 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn.

Tỉnh đang triển khai thi công đê bao dọc sông Măng Thít và các cống lớn tại các vàm sông nối với sông Cổ Chiên, sông Măng để từng bước khép kín, chủ động ngăn mặn, trữ cấp nước ngọt cho vùng Nam sông Măng Thít.

Phát huy những thuận lợi đang có sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể thiệt hại nếu kịch bản hạn, mặn gay gắt xảy ra.

Bài, ảnh: THÀNH THẶNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh