Theo đại diện phái đoàn Việt Nam, sự đoàn kết và đề cao cảnh giác trước nguy cơ khủng bố sẽ tạo thành sức mạnh chung của cộng đồng quốc tế trước nguy cơ và các diễn biến mới của chủ nghĩa khủng bố.
Theo đại diện phái đoàn Việt Nam, sự đoàn kết và đề cao cảnh giác trước nguy cơ khủng bố sẽ tạo thành sức mạnh chung của cộng đồng quốc tế trước nguy cơ và các diễn biến mới của chủ nghĩa khủng bố.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 12/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch về phòng chống khủng bố quốc tế tại phiên thảo luận mở trực tuyến nhân dịp kỷ niệm 20 năm thông qua Nghị quyết 1373 (2001) về phòng chống khủng bố quốc tế.
Tại phiên thảo luận, Việt Nam tái khẳng định cam kết tham gia nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố.
Phiên thảo luận do Bộ trưởng Ngoại giao Tunisia chủ trì và có sự tham dự của các bộ trưởng Ấn Độ, Ireland, Kenya, Na Uy, Anh, Estonia và Saint Vincent & Grenadines. Phó Tổng Thư ký phụ trách Văn phòng Chống khủng bố của Liên hợp quốc (OCT) Vladimir Voronkov, Trợ lý Tổng Thư ký phụ trách Cơ quan Điều hành chống khủng bố (CTED) Michele Coninsx và đại diện một tổ chức phi chính phủ Nigeria cũng đã tham dự đọc báo cáo.
Về vấn đề phòng chống khủng bố quốc tế, các báo cáo viên cho rằng trong 20 năm qua, nguy cơ khủng bố toàn cầu tiếp tục phát triển, các nhóm khủng bố quốc tế không ngừng tìm kiếm các phương thức hoạt động mới, đẩy mạnh sử dụng không gian mạng và công nghệ thông tin, cấu kết với tội phạm xuyên quốc gia.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Vladimir Voronkov nêu rõ, các nước cần tái khẳng định cam kết đoàn kết quốc tế chống khủng bố thông qua hợp tác quốc tế và tăng cường năng lực; giải quyết các nguyên nhân sâu xa của chủ nghĩa khủng bố, tăng khả năng chống bạo lực cực đoan; thu hút sự tham gia của thanh niên, phụ nữ, các tổ chức phi chính phủ trong nỗ lực chung.
Ông Voronkov khẳng định OCT cam kết tăng cường hợp tác với CTED cũng như các cơ quan, tổ chức trong Mạng lưới thoả thuận toàn cầu chống khủng bố.
Trong khi đó, Trợ lý Tổng Thư ký Michele Coninsx nhấn mạnh CTED cam kết thúc đẩy theo dõi tình hình thực hiện các nghị quyết của Hội đồng bảo an trên cơ sở cách tiếp cận dựa trên quyền con người; đề nghị các chính sách, pháp luật chống khủng bố của quốc gia cần phù hợp với các quy định pháp luật và bảo đảm quyền con người.
Các thành viên Hội đồng bảo an đều ủng hộ cơ quan này tập trung vào việc ngăn ngừa bạo lực, cực đoan và thúc đẩy văn hoá hòa bình, đối thoại. Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế ở các cấp độ quốc tế, khu vực và huy động sự tham gia của toàn xã hội, trong đó có các tổ chức phi chính phủ, vào các nỗ lực phòng chống khủng bố quốc tế.
Nhiều quốc gia yêu cầu các biện pháp chống khủng bố phải phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và việc không được lợi dụng danh nghĩa chống khủng bố quốc tế để phục vụ các mục đích khác.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tham tán Công sứ Nguyễn Phương Trà cho rằng từ sau khi Nghị quyết 1373 được thông qua, Hội đồng bảo an đã thúc đẩy khuôn khổ thể chế về chống khủng bố toàn cầu trong nhiều lĩnh vực, cuộc chiến chống khủng bố đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Bà Nguyễn Phương Trà khẳng định các nước cần thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó tập trung vào ngăn ngừa và chấm dứt xung đột, loại bỏ các điều kiện thuận lợi cho khủng bố, tăng cường khả năng của các cộng đồng chống lại nguy cơ tuyên truyền bạo lực cực đoan và khủng bố.
Theo đại diện phái đoàn Việt Nam, sự đoàn kết và đề cao cảnh giác trước nguy cơ khủng bố sẽ tạo thành sức mạnh chung của cộng đồng quốc tế trước nguy cơ và các diễn biến mới của chủ nghĩa khủng bố.
Nghị quyết 1373 được Hội đồng bảo an nhanh chóng thông qua với toàn bộ phiếu thuận ngay sau thảm kịch 11/9/2001 xảy ra tại Mỹ. Nghị quyết có nội dung chính về các nghĩa vụ của quốc gia nhằm chống nguy cơ khủng bố toàn cầu, hình sự hóa tội tài trợ khủng bố, phong tỏa các tài khoản, quỹ liên quan đến khủng bố, chia sẻ thông tin và hợp tác quốc tế.
Nghị quyết cũng thành lập Ủy ban Chống khủng bố gồm đại diện 15 nước ủy viên Hội đồng bảo an, được hỗ trợ bởi Cơ quan điều hành (CTED) thành lập năm 2004. Cho đến nay, Hội đồng bảo an đã thông qua gần 20 nghị quyết và hàng chục Tuyên bố Chủ tịch về lĩnh vực chống khủng bố./.
Theo Hải Vân- Vũ Hiếu (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin