Phản ứng nhanh ứng phó thiên tai

06:01, 12/01/2021

Khi sạt lở xảy ra, việc triển khai các biện pháp công trình kịp thời sẽ phát huy hiệu quả cao trong việc bảo vệ cho sản xuất và đời sống.

 

Ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh- dẫn đầu đoàn công tác đã đến khảo sát điểm sạt lở cồn Thanh Long.
Ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh- dẫn đầu đoàn công tác đã đến khảo sát điểm sạt lở cồn Thanh Long.

Khi sạt lở xảy ra, việc triển khai các biện pháp công trình kịp thời sẽ phát huy hiệu quả cao trong việc bảo vệ cho sản xuất và đời sống.

Vừa qua, ông Nguyễn Văn Liệt- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- đã ký ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định thời gian xử lý sạt lở, trình tự thủ tục thực hiện đầu tư các công trình khắc phục thiên tai, sạt lở. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021 với nhiều điểm mới nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở.

Theo đó, đối với các công trình đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tùy theo tính chất cấp bách của công trình cần thực hiện để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, việc quản lý đầu tư công trình do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định trên cơ sở công bố tình huống khẩn cấp theo các cấp độ rủi ro thiên tai.

Trình tự phê duyệt danh mục công trình xử lý, khắc phục thiên tai trong thời gian không quá 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, văn bản đề nghị hỗ trợ đầu tư của các đơn vị, địa phương, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiến hành kiểm tra thực tế và thống nhất với các đơn vị, địa phương về mức độ ưu tiên đầu tư, giải pháp và nguồn kinh phí đầu tư.

Sau đó, danh mục công trình, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư được gửi Sở Tài chính xem xét, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục công trình.

Cụ thể, công trình có tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng Sở Tài chính xem xét, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục; công trình có tổng mức đầu tư từ 500 triệu đồng đến tối đa không quá 3 tỷ đồng, Sở Tài chính thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.

Thời hạn xem xét, phê duyệt danh mục công trình, chủ trương đầu tư của UBND tỉnh không quá 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Cũng trong thời gian không quá 5 ngày kể từ ngày nhận được văn bản phê duyệt danh mục công trình, chủ trương đầu tư, các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện ngày việc khắc phục sự cố thiên tai, sạt lở.

Đối với các gói thầu thực hiện đầu tư công trình khắc phục thiên tai, sạt lở bờ sông được hỗ trợ từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai tỉnh hoặc đầu tư tại các khu vực sạt lở nguy hiểm khẩn cấp thì áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Theo ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), những vùng ven các sông chính và kinh trục lớn luôn đối mặt với tình trạng sạt lở. Trong những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh diễn ra với xu hướng ngày càng tăng, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Hàng năm, có trên 100 điểm, tuyến bị sạt lở.

Biện pháp công trình được triển khai kịp thời giúp bảo vệ an toàn cho sản xuất, dân sinh.
Biện pháp công trình được triển khai kịp thời giúp bảo vệ an toàn cho sản xuất, dân sinh.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi từ năm 2015- 2020, trên địa bàn tỉnh có 683 vị trí bờ sông, kinh, rạch bị sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 42km, ảnh hưởng đến 1.354 hộ dân, ước thiệt hại khoảng 61 tỷ đồng.

Tình hình sạt lở không chỉ diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô và diễn ra ở các tuyến sông chính, cho đến các hệ thống kinh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm.

Định hướng những giải pháp đối với khu vực có nguy cơ sạt lở, bên cạnh việc từng bước hoàn thành bộ cơ sở dữ liệu về sạt lở, Sở Nông nghiệp- PTNT cũng xác định tính cấp thiết của việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, lòng sông, nhằm giảm thiểu các tác động làm gia tăng nguy cơ xảy ra sạt lở.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông.

Lĩnh vực ưu tiên và công trình, dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch hiện đại hóa hệ thống thủy lợi của tỉnh có tính đến các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm các đê, sông chính, kinh trục, kè chống sạt lở bờ sông bảo vệ các đô thị.

Các khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở đã được UBND tỉnh công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp gần đây như: cồn Thanh Long (xã Quới Thiện- Vũng Liêm), bờ sông Hậu- khu vực cồn Đông Hậu (đoạn từ bến phà Tư Phú đến giáp ranh huyện Tam Bình và TX Bình Minh) thuộc xã Ngãi Tứ (Tam Bình), bờ bao sông Vàm Tắt Từ Tải (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh), bờ bao kinh Huyện Hàm (xã Tân Bình- Bình Tân), bờ bao kinh Xã Hời (xã Tân An Thạnh- Bình Tân), đê bao sông Cái Cam (Long Hồ), bờ sông Long Hồ (khu vực Phường 1, Phường 5- TP Vĩnh Long), bờ sông Tiền (đoạn từ sông Cái Đôi đến bến phà Mỹ Thuận cũ, thuộc phường Tân Hòa- TP Vĩnh Long), bờ sông Cổ Chiên (đoạn từ đầu Cù lao An Bình đến phà An Bình).

 

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh