TP Vĩnh Long- đô thị trung tâm vươn tầm cao mới

06:12, 30/12/2020

Nằm bên bờ sông Cổ Chiên, TP Vĩnh Long là đô thị (ĐT) có lịch sử phát triển lâu đời. Sau hơn 10 năm lên thành phố, ngày 31/7/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định công nhận TP Vĩnh Long là ĐT loại II trực thuộc tỉnh. Đây là bước tiến mới khẳng định vai trò ĐT hạt nhân- đầu tàu trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. 

 

Đô thị bên dòng Cổ Chiên hướng đến phát triển xanh, bền vững.
Đô thị bên dòng Cổ Chiên hướng đến phát triển xanh, bền vững.

(VLO) Nằm bên bờ sông Cổ Chiên, TP Vĩnh Long là đô thị (ĐT) có lịch sử phát triển lâu đời. Sau hơn 10 năm lên thành phố, ngày 31/7/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định công nhận TP Vĩnh Long là ĐT loại II trực thuộc tỉnh. Đây là bước tiến mới khẳng định vai trò ĐT hạt nhân- đầu tàu trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đồng thời, là tiền đề để thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại và đáng sống.

Nâng tầm ĐT bên dòng Cổ Chiên

So với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, vùng đất thuộc TP Vĩnh Long ngày nay có quần thể dân cư hình thành rất sớm, là vị trí trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long.

Cách đây hơn 300 năm, được lấy tên là Long Hồ dinh. Nơi đây đã hình thành khu mua bán tấp nập trên bến, dưới thuyền, hàng hóa chủ yếu là nông sản, hoa quả và các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Sau ngày đất nước giải phóng, tỉnh Vĩnh Long tập trung nguồn lực ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Việc phát triển ĐT được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của tỉnh Đảng bộ và Nghị quyết 05 ngày 27/5/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc phát triển TX Vĩnh Long thành thành phố thuộc tỉnh và thị trấn Cái Vồn thành thị xã vào năm 2010”.

Hơn 10 năm kể từ khi lên thành phố (2009), tình hình quy hoạch xây dựng, phát triển ĐT trên địa bàn thành phố phát triển mạnh mẽ. Không gian phát triển ĐT mở rộng- không chỉ “gói gọn” trong phạm vi của thành phố mà còn phát triển lan tỏa sang huyện lân cận.

Không còn là mong đợi, 4 xã còn lại của thành phố gồm Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa và Tân Hội đón tin vui “xã lên phường” vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Ở khóm Tân Quới Đông, chú Nguyễn Ngọc Công vui vẻ: Hơn 10 năm trước ở đây là đồng ruộng, nhà cửa thưa thớt lắm. Giờ thì đường nhựa tới nhà, dân cư ngày càng đông đúc. Thành phố khang trang hơn.

Bí thư Đảng ủy phường Trường An- Đỗ Tiệp vui mừng: Hệ thống trường, trạm của phường đã được đầu tư đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, nhiều công trình hình thành như bờ kè khóm Tân Vĩnh (Cồn Chim), cầu Cồn Chim, cầu Cái Cam 2… đã giúp Trường An “khoác áo mới” khang trang, hệ thống giao thông kết nối tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

“Việc xã lên phường đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân bấy lâu nay. Qua đó, tạo sự phấn khởi và khí thế mới, nâng cao ý thức là người ĐT”- Bí thư Đỗ Tiệp nói.

Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo các cấp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực xây dựng, phát triển ĐT. Trong đó, phát triển hạ tầng là một trong những “điểm nhấn”.

Có thể kể đến các công trình lớn như: Khu Trung tâm hành chính, trục đường Võ Văn Kiệt, Công viên truyền hình Vĩnh Long, Nhà hát truyền hình Vĩnh Long, Trung tâm thương mại Vincom, bờ kè sông Cổ Chiên, Công viên bờ kè tại Phường 9, Khách sạn Sài Gòn- Vĩnh Long, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Xuyên Á- Vĩnh Long, Bệnh viện Triều An- Loan Trâm...

Cùng với hạ tầng được đầu tư đi trước, kéo theo nhiều lĩnh vực khác phát triển, đời sống người dân nâng lên. Đời sống vật chất tinh thần của người dân dần được cải thiện và nâng cao rõ rệt.

Hướng tới xây dựng thành phố văn minh

Bí thư Thành ủy TP Vĩnh Long Đặng Văn Chính khái quát một số nét lớn: Sau hơn 10 năm lên thành phố, diện mạo ĐT thay đổi rõ nét. Quản lý chỉnh trang ĐT đã có bước đổi mới so trước đây. Cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ hơn.

Đời sống dân cư ngày càng nâng chất- bên cạnh nhiều hộ khá giàu lên thì hộ nghèo giảm mạnh. Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, gia đình người có công được thực hiện tốt. Quốc phòng- an ninh được giữ vững, từng bước được tăng cường, công tác an ninh chính trị được đảm bảo...

Theo đề án công nhận TP Vĩnh Long là ĐT loại II, ngành thương mại dịch vụ đạt 78%, công nghiệp xây dựng đạt 15,7%; nông- lâm nghiệp và thủy sản đạt 6,3%. Từ 2016-2020, thành phố được đầu tư 81 công trình với hơn 1.240 tỷ đồng. Từ 2021- 2025, có khoảng 53 công trình, ước kinh phí khoảng 6.474 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ dân ĐT sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%, chiếu sáng đường phố 100%, chiếu sáng các hẻm 90%, thu gom rác thải sinh hoạt 95%, diện tích cây xanh 2,46 m2/người.

“Nhiệm kỳ 2015- 2020, dưới sự lãnh chỉ đạo của Ban Thường vụ cũng như BCH Đảng bộ và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị theo nghị quyết, rồi được sự đồng thuận của bà con nhân dân, thành phố đã đạt được những kết quả thắng lợi nhất định.

Đó là đưa 4 xã còn lại lên phường và sau đó, thành phố được công nhận là ĐT loại II.

Đây là một bước tiến đáng kể của thành phố. Trong đó, nhờ đóng góp lớn của nhân dân về vật chất lẫn tinh thần”- Bí thư Thành ủy- Đặng Văn Chính khẳng định.

Hướng tới xây dựng thành phố văn minh, từng địa phương đã có chương trình hành động cụ thể. Bí thư Đảng ủy Phường 1- Hồ Vũ Nam cho biết: Phường đang thực hiện mô hình một cửa điện tử hiện đại, triển khai thực hiện phường văn minh ĐT nâng cao.

Phường cũng triển khai dịch vụ ĐT thông minh, có hệ thống camera chất lượng, mang lại hiệu quả cao trong giữ gìn an ninh trật tự. Đồng thời, trong quá trình phát triển, phường quan tâm giữ gìn, tôn tạo các di tích, di sản văn hóa hiện có.

Phó Chủ tịch UBND thành phố- Nguyễn Quốc Duy cho biết, được công nhận là ĐT loại II, TP Vĩnh Long mở rộng sẽ tiếp tục phát triển, phấn đấu, xứng đáng là ĐT hạt nhân trung tâm của vùng tỉnh và trọng điểm vùng ĐBSCL, có thêm nhiều động lực để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Theo đó, thành phố tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: tiến hành các bước thực hiện Đề án mở rộng địa giới hành chính theo định hướng không gian ĐT của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Vĩnh Long; trình UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển ĐT thành phố đến năm 2030.

Đồng thời, tập trung công tác giải phóng mặt bằng- sớm triển khai các dự án trên địa bàn như Dự án nâng cấp ĐT Việt Nam- Tiểu dự án TP Vĩnh Long; Dự án Phát triển ĐT và tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu TP Vĩnh Long…

Phát triển ĐT và nhà ở là động lực để phát triển kinh tế- xã hội, đồng chí Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- cho biết, tỉnh tiếp tục phát huy tính linh hoạt, chủ động, sáng tạo để khai thác, huy động các nguồn lực cho các dự án phát triển ĐT và nhà ở trọng điểm để nâng cấp ĐT, phát triển nhà ở xã hội; tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tham gia xây dựng các dự án vừa và nhỏ.

 

Bí thư Thành ủy TP Vĩnh Long Đặng Văn Chính: Ghi nhận sự cống hiến, đồng thuận của người dân

Hiện thành phố có 6/11 phường được công nhận phường văn minh ĐT và hướng tới phấn đấu đạt các tiêu chí thành phố văn minh ĐT.

Hiện có 16 công trình, dự án đang triển khai trên địa bàn thành phố, liên quan trực tiếp tới đất đai và quyền lợi của bà con với gần 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Qua thực hiện cơ chế, chính sách bồi hoàn giải tỏa, hỗ trợ tái định cư, còn cho thấy sự cống hiến của bà con rất lớn nên mới có sự đồng thuận cao để thực hiện các công trình, dự án. Sắp tới, sẽ có nhiều công trình, dự án được triển khai rất mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của hệ thống chính trị và người dân.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh