Thách thức cấp nước đô thị trong bức tranh chung

05:12, 09/12/2020

Tại ĐBSCL những năm gần đây, xâm nhập mặn vào sâu, mùa lũ muộn, lượng nước lũ ít, mùa khô kéo dài… đã đặt ra những thách thức trong cấp nước cho vùng, trong đó có cấp nước ở khu vực đô thị.

 

Nguồn nước khai thác hiện nay của các trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nguồn nước mặt từ hệ thống sông. Ảnh: SÔNG HẬU
Nguồn nước khai thác hiện nay của các trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nguồn nước mặt từ hệ thống sông. Ảnh: SÔNG HẬU

Tại ĐBSCL những năm gần đây, xâm nhập mặn vào sâu, mùa lũ muộn, lượng nước lũ ít, mùa khô kéo dài… đã đặt ra những thách thức trong cấp nước cho vùng, trong đó có cấp nước ở khu vực đô thị.

Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), vùng ĐBSCL có khoảng 360 nhà máy nước cấp nước tập trung với tổng công suất khoảng 1,1 triệu m3/ngày, cấp cho các đô thị và một số khu công nghiệp trong vùng. Trong đó, trên 30% nhà máy sử dụng nước ngầm và khoảng 70% sử dụng nguồn nước mặt.

Các nhà máy nước đô thị có quy mô công suất từ vừa đến lớn, nguồn nước thô sử dụng là nước mặt và nước ngầm. Các nhà máy nước ngầm thường có công suất không lớn, đa số dưới 10.000 m3/ngày. Các nhà máy nước mặt chủ yếu khai thác nguồn nước thuộc hệ thống sông Cửu Long. Một số tỉnh ven biển trong vùng sử dụng 100% nước ngầm do nước mặt bị ô nhiễm, nhiễm mặn.

Tỷ lệ dân số được cấp nước của mỗi đô thị tại các tỉnh- thành khác nhau rõ rệt, thông thường các đô thị lớn (như thành phố hoặc thị xã) có tỷ lệ dân được cấp nước cao hơn so các đô thị nhỏ (thị trấn, thị tứ). Tỷ lệ cấp nước trung bình từ hệ thống cấp nước đô thị khoảng 89% (thấp nhất là tỉnh Bến Tre với 50,4%, cao nhất là tỉnh Trà Vinh với 95,5%); tỷ lệ thất thoát nước trung bình khoảng 22- 25%.

Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long- cho biết, mùa khô 2019- 2020, toàn tỉnh có 6/8 huyện, thị đã bị ảnh hưởng biên mặn từ 1- 10‰, gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng nước sinh hoạt của hàng chục ngàn hộ dân.

Toàn tỉnh có 10 hệ thống cấp nước đô thị, khu công nghiệp với tổng công suất thiết kế 69.500 m3/ngày đêm. Tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch từ hệ thống nước máy tập trung khoảng 98,7%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đô thị bình quân khoảng 16,5%.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiến, hiện 8 đô thị trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Nguồn nước khai thác hiện nay của các trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nguồn nước mặt từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên và sông Măng Thít.

Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn… ngày càng ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn cung cấp nước cho các nhà máy nước và sức khỏe người dân. Trong khi nguồn nước ngầm phân bổ trên địa bàn tỉnh có chất lượng rất kém và không đồng đều.

Về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ- đảm bảo an ninh nguồn nước cho khu vực đô thị và nông thôn. Ảnh: LÊ SƠN
Về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ- đảm bảo an ninh nguồn nước cho khu vực đô thị và nông thôn. Ảnh: LÊ SƠN

Nhằm ứng phó kịp thời với tình trạng trên, Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long đề nghị UBND tỉnh cho phép khoan giếng bổ sung nguồn nước cấp cho khu vực TP Vĩnh Long. Về lâu dài, bố trí cho công ty quỹ đất để xây dựng hồ chứa dự trữ nước ngọt…

Nhằm giúp cho vùng ĐBSCL có những giải pháp cấp nước sạch có tính căn cơ, lâu dài và phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương, mới đây, Bộ Xây dựng phối hợp với VWSA tổ chức hội thảo về giải pháp cấp nước vùng ĐBSCL.

Hội thảo quy tụ các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và nước ngoài thảo luận, đề xuất các giải pháp đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho 17 triệu hộ dân đang sinh sống tại ĐBSCL.

Theo TS. Trần Anh Tuấn- Phó Chủ tịch VWSA, ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức trong cấp nước. Cụ thể, vùng có 37 con sông lớn nhỏ với chiều dài khoảng 1.708km và 6.700km kinh trục tạo nguồn, thau chua, rửa phèn và cấp một phần nước sinh hoạt cho người dân.

Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có thể sử dụng nước mặt để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt bởi 2 trở ngại lớn là nước mặt ở một số vùng thường bị nhiễm mặn và phèn.

Bên cạnh, nguồn nước ngầm của vùng chưa được đánh giá trữ lượng cụ thể cho từng khu vực và hiện trữ lượng khai thác thực tế đang vượt so với trữ lượng được phê duyệt tại các tỉnh; một lượng nhỏ nước ngầm đang được khai thác cho nông nghiệp, cần hạn chế…

Trong khi, mô hình cấp nước vùng hiện chưa có mà chỉ có hệ thống cấp nước cho từng đô thị. Các tỉnh chỉ giới hạn việc cấp nước trong địa giới hành chính theo mô hình cấp nước có tính “truyền thống” cho từng đô thị.

Theo TS. Trần Anh Tuấn, các định hướng cấp nước quy mô vùng, liên tỉnh cần đề xuất giải pháp, nguồn lực đầu tư, vai trò quản lý nhà nước (trung ương và tỉnh), sự tham gia của các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp đảm bảo cấp nước cho toàn bộ người dân và có tính khả thi.

Đồng thời, cần đề xuất cơ chế chính sách ưu tiên, đầu tư xây dựng các công trình cấp nước quy mô vùng, các tuyến cấp nước (nước thô, nước sạch như một tuyến “quốc lộ cấp nước”) ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn cho người dân trong vùng.

SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh